TP.HCM: Còn nhiều “nút thắt” trong cải tạo chung cư cũ
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp cải tạo chung cư cũ” được báo Pháp Luật TP.HCM sáng 11/6, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn, cho biết hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 474 chung cư cũ được đầu tư xây dựng từ trước năm 1975, chiếm 1/3 tổng số chung cư trên địa bàn thành phố. Trong 474 chung cư cũ này có khoảng 27.000 hộ dân đang sinh sống, trong đó 1.440 căn hộ thuộc sở hữu của nhà nước. Hầu hết các chung cư này đều đã xuống cấp và hư hỏng nặng, phân bổ tại nhiều quận, tập trung nhiều nhất tại quận 5 với 203 chung cư.
“Nhu cầu cải tạo và xây mới chung cư cũ trên địa bàn thành phố trong những năm qua là có thực, không chỉ là mong muốn của người dân mà còn là mong muốn của lãnh đạo thành phố. Bên cạnh đảm bảo cuộc sống an toàn của người dân còn là vấn đề chỉnh tranh mỹ quan đô thị”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, từ năm 2006 đến nay, thành phố đã tháo dỡ 32 chung cư cũ, hư hỏng với diện tích sàn xây dựng tháo dỡ là 204.000 m2, di dời 4.000 hộ dân sinh sống trong các chung cư này. Thành phố cũng xây mới nhiều chung cư tái định cư với tổng diện tích sàn xây mới là 482.000 m2. “Tuy nhiên, con số 32 chung cư được tháo dỡ so với tổng chung cư cũ trên địa bàn là quá nhỏ, đây là kết quả không như mong muốn, chưa cải thiện đời sống của người dân và chỉnh trang đô thị”.
Ông Tuấn cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong việc di dời cải tạo chung cư cũ. Lý do thứ nhất, đó là khó khăn trong việc thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo đó, tại nhiều chung cư như 727 (Trần Hưng Đạo, quận 5), Cô Giang (quận 1), 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình)…. Mặc dù phần lớn hộ dân đã đồng ý và di dời nhưng vẫn còn có một số hộ dân không đồng tình, họ thường đưa ra mức giá bồi thường quá cao. Điều này tạo ra sự bất công bằng với phần lớn hộ dân đã đồng ý di dời trước đó. Mặt khác, chính thái độ thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương khiến cho công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hiện cũng có nhiều điểm bất hợp lý trong cách tính toán bồi thường, tái định cư giữa chủ đầu tư và các hộ dân.
Nguyên nhân thứ 2, đó chính là những khó khăn từ các thủ tục hành chính. Trong trường hợp tất cả mọi khâu đều thuận lợi, để lập một dự án đầu tư, từ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cho đến đầu tư xây dựng khởi công dự án mất ít nhất khoảng 2 năm. Hiện có nhiều dự án kéo dài rất nhiều năm nhưng vẫn không thể thực hiện.
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đức Khải cho rằng, nguyên nhân khiến việc cải tạo, xây mới chung cư cũ hiện vẫn bế tắc đó là giữa doanh nghiệp, người dân và chính quyền chưa có niềm tin vào nhau. Người dân thì luôn trong trạng thái phòng thủ, đề phòng vì sợ doanh nghiệp lấy mất lợi ích của mình nên khi thương thảo giá cả bồi thường họ luôn đưa ra những yêu cầu và mức giá rất cao so với thực tế. Đối với doanh nghiệp, khi họ bắt tay vào làm dự án cũng lo lắng, dù tuân thủ theo đúng các tiêu chí, yêu cầu của chính quyền nhưng trong trường hợp còn một số hộ không đồng thuận, nếu chính quyền không can thiệp giúp đỡ thì họ doanh nghiệp rất khó khăn vì đã đổ vốn lớn vào đây để giải phóng mặt bằng, dự án kéo dài doanh nghiệp bị chôn vốn luôn.
Theo ông Lâm, hiện nay việc đưa ra dự án và lựa chọn chủ đầu tư cũng như một đề tài được đưa ra nhưng không thỏa mãn được lợi ích của người dân và doanh nghiệp. “Chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn đề này, không nên áp đặt đề bài nữa mà nên để mở cho các doanh nghiệp tự đưa ra các đề xuất, nếu doanh nghiệp nào đưa ra đề bài hay, phù hợp với lợi ích và được sự đồng thuận của người dân, chính quyền thì để họ làm”, ông Lâm đề xuất.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, nếu so với việc làm một dự án mới và cải tạo thì việc xây dựng một dự án chung cư cũ có nhiều rủi ro hơn với các doanh nghiệp. “Người dân mong muốn tái định cư tại chỗ, chúng làm sao đây khi mà trong một tòa nhà vừa thiết kế những căn hộ có diện tích nhỏ 30 – 40 m2 cho những người tái định cư vừa phải xây dựng những căn hộ thương mại 70 -80 m2 bán cho những người khác. Họ là những người bỏ ra số tiền lớn để mua căn hộ cao cấp có vị trí trung tâm. Điều này dẫn đến sự khác biệt trong văn hóa, sự chênh lệch giữa các cư dân cùng sinh sống trong một tòa nhà, thiết kế rất khó khăn” ông Nghĩa nói.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, một phần nguyên nhân cũng do thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành mất rất nhiều thời gian, chưa hợp lý. Ngoài ra, chỉ tiêu quy hoạch áp dụng để xây dựng lại nhà chung cư cũ, hư hỏng chưa tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn.
Ông Châu kiến nghị,Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho UBND TP.HCM xem xét, quyết định lựa chọn nhà đầu tư thay vì theo cơ chế trước đây là từng dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ. Cho phép UBND TP.HCM quyết định chỉ định thầu trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện hoặc chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện thu xếp vốn hay nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất.
Tại chung cư 727 (Trần Hưng Đạo, quận 5) vẫn còn khoảng 10 hộ dân tiếp tục bám trụ dù chính quyền thành phố đã có yêu cầu di dời khẩn cấp vì chung cư có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Theo lý giải của các hộ dân họ không di dời vì không đồng tình với phương án bồi thường, tái định cư. “Chúng tôi chỉ mong mỏi lãnh đạo thành phố xuống trực tiếp để lắng nghe nguyện vọng của chúng tôi. Chúng tôi là những người dân nghèo nếu buộc di dời chúng tôi chẳng biết sẽ đi đâu nên rất cần được thành phố quan tâm”, một cư dân tại đây cho biết.
Trước đó, trong các lần đi thị sát và làm việc với các quận trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã nhiều lần đề cập đến tính cấp bách trong việc cải tạo và xây mới các chung cư cũ, hư hỏng nặng trên địa bàn thành phố. Bí thư Thăng yêu cầu các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ di dời, giải tỏa tại các chung cư này nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Theo Cafeland