Tôn thép Việt “đau đầu” vì hàng giá rẻ Trung Quốc
Vừa phải chống tôn thép nhái thương hiệu, các doanh nghiệp thép Việt còn phải gồng mình cạnh tranh với tôn thép Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém.
Chưa bao giờ các doanh nghiệp sản xuất tôn thép lại gặp khó khăn đến vậy. Ngoài việc chống tôn thép nhái thương hiệu, các doanh nghiệp còn phải gồng mình cạnh tranh với tôn thép Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, dù các doanh nghiệp (DN) sản xuất tôn thép trong nước đã tiết giảm chi phí tối đa nhưng cũng không thể cạnh tranh về giá đối với tôn thép giá rẻ Trung Quốc. Theo thống kê của VSA, lượng thép nhập khẩu về Việt Nam liên tục tăng cao trong những năm gần đây.
Nếu như năm 2013, sản lượng tôn mạ tiêu thụ nội địa là hơn 1,7 triệu tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 37% và sản xuất trong nước chiếm 63% thì đến năm 2014, con số là gần 1,8 triệu tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 43% và sản xuất trong nước giảm còn 57%. 8 tháng năm nay, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ là 1,73 triệu tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm thị phần 57% tôn mạ trong nước chỉ còn chiếm 43%.
Như vậy, từ năm 2013 đến nay, thị phần tôn mạ của DN trong nước đã rơi từ 63% xuống còn 43%, giảm 20%. Điều đó cho thấy, thị phần tôn nhập khẩu đang có xu hướng tăng nhanh, thị phần của các nhà sản xuất trong nước ngày càng bị thu hẹp.
Theo ước tính của VSA, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của năm nay là 2,59 triệu tấn. Với suy giảm thị phần 20%, tương đương 519.520 tấn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ tổn thất 9.350 tỷ đồng (áp dụng mức giá 18 triệu đồng một tấn đối với hàng tôn màu nói chung).
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần tôn mạ VnSeel Thăng Long cho biết, theo quan sát và phản ánh của người tiêu dùng, tôn Trung Quốc có chất lượng không ổn định, quá trình sử dụng xuống cấp rất nhanh. Sở dĩ sản phẩm nhanh xuống cấp, chất lượng không bảo đảm là do nhà sản xuất tiết giảm các tiêu chuẩn sản xuất nên giá thành sản phẩm rất thấp so với các nhà sản xuất thép trong nước.
Trong khi tôn mạ màu trong nước có giá thành vào khoảng 19-22 triệu đồng/tấn thì sản phẩm của Trung Quốc chỉ vào khoảng 13-14 triệu đồng/tấn. “Vấn đề ở chỗ “tiền nào của nấy”. Thay vì 10-20 năm người sử dụng mới phải thay mái tôn nhưng sử dụng tôn giá rẻ Trung Quốc thì vài năm đã phải thay rồi…” – ông Huy cảnh báo.
Đồng tình với quan điểm của ông Huy, ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Nam Kim, cho biết, nếu người tiêu dùng quan sát kỹ sẽ thấy sản phẩm tôn thép Trung Quốc có bề mặt không đẹp. Về thời gian sử dụng khoảng 1 – 2 năm sản phẩm đã bạc màu, gỉ sét trong quá trình sử dụng. Thời gian qua, thị phần của các DN sản xuất trong nước bị tôn mạ Trung Quốc xâm lấn rất nhiều. “Nếu trước đây công suất phủ màu của các đơn vị sản xuất màu là 100% thì hiện nay chỉ còn khoảng 30%… ” – ông Hùng cho biết. Đối mặt với khó khăn này, nhiều DN phải quay sang sản xuất đơn hàng xuất khẩu; sản xuất mặt hàng tôn mạ lạnh, tôn kẽm không phủ màu…
Còn theo khảo sát của phóng viên, thép tôn Trung Quốc được nhập khẩu về Việt Nam cũng vô cùng đa dạng về chủng loại, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tình trạng loạn giá thép tôn Trung Quốc cũng diễn ra khi cùng một sản phẩm, cùng thương hiệu, cùng độ dày, mỗi nơi lại có giá bán khác nhau. Đơn cử, tôn mạ màu xanh ngọc, đỏ đậm có độ dày 3,5dem chính hãng phân phối tới đại lý cấp một có giá 61.000 đồng/m thì giá tại một công ty kinh doanh cùng mặt hàng này lên tới 71.500 đồng/m.
Bên cạnh đó, để tối ưu hóa lợi nhuận một số đơn vị nhập khẩu tôn thép Trung Quốc còn làm hàng giả, hàng nhái khi tự ý in phun nhãn hiệu, thương hiệu của các DN trong nước, rồi bán giá cao theo đúng giá của công ty để hưởng chênh lệch.
Theo Quang Trung/VOV