Sáng ngày 24/2/2022, Tọa đàm “Thành phố như một tuyệt tác tập thể” đã được tổ chức trên nền tảng Zoom và livestream trên Facebook của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống.
Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: PGS.TS Phạm Quỳnh Phương – Khoa các khoa học liên ngành, ĐHQGHN; PGS.TS Phạm Thúy Loan – Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng; chị Chu Kim Đức và anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt – Think Playgrounds; anh Lê Quang Bình – Vì một Hà Nội đáng sống; anh Vũ Văn Toàn – ECUE. Tọa đàm “thành phố như một tuyệt tác tập thể” sẽ chia sẻ một số sáng kiến cộng đồng được triển khai bởi các cá nhân và tổ chức xã hội thuộc mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống.
Anh Vũ Văn Toàn, một thành viên của dự án Photovoice cho biết, dự án có 34 người lao động di cư tham gia. Họ làm nhiều công việc khác nhau. Sau khi chụp 1.500 bức ảnh, dự án đã chọn ra 98 ảnh và 64 câu chuyện. Việc kể chuyện bằng ảnh rất thuận tiện cho người lao động di cư. Họ quan sát thấy gì thì họ chụp. Câu chuyện là góc nhìn của họ. Trong đó, có những câu chuyện về việc lao động chăm chỉ, về không gian công cộng, môi trường, văn hóa ẩm thực và giao thông. Từ đó, người lao động nhập cư cảm thấy thành phố là của mình khi được kết nối với nó. Những câu chuyện cũng cho thấy đóng góp của lao động nhập cư cho thành phố.
Chị Chu Kim Đức và anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt chia sẻ về Dự án cải tạo bãi rác thành sân chơi tổ 16 Phúc Tân do Think Playgroud thực hiện. Sau khi cải tạo, sân chơi Phúc Tân đã trở thành một không gian nghệ thuật thu hút già trẻ lớn bé, cả người nhập cư lẫn người dân sống lâu năm ở đó. Dự án đã xây dựng tính sở hữu của cộng đồng với không gian công cộng
Còn dự án cải tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại bờ vở Sông Hồng sẽ chia sẻ về cách tạo dựng một nền tảng để các bên như nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chung tay vì mục đích chung.
Ngoài các kinh nghiệm thực tế, Tọa đàm đã có phần thảo luận về triết lý và cách thức để các cá nhân, tập thể có thể tham gia vào kiến tạo lên thành phố một cách sáng tạo và hiệu quả.
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, đánh giá dự án Photo voice đã trao tiếng nói cho những người vốn bình thường không có cơ hội cất lời và có cất cũng không có cơ hội được lắng nghe. Hai dự án còn lại cho thấy vấn đề của cộng đồng và không gian công cộng.
PGS.TS Phạm Thúy Loan cho rằng có thể thấy qua các dự án vai trò mạnh mẽ của cộng đồng cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, và đây cũng sẽ là cách làm của tương lai.
Nhà lý thuyết xã hội Marxist, Henri Lefebvre trong cuốn sách Right to the City (nguyên bản: Le Droit à la ville, được viết năm 1968, tạm dịch là “quyền đối với thành phố”) đã đưa ra quan điểm: Thành phố là một sản phẩm/tuyệt tác tập thể (ouvre) mà tất cả các công dân trong thành phố đều tham gia vào việc tạo nên nó. Theo Lefebvre, trái với nông thôn, thành phố bản thân nó đã mang tính công cộng (public), và các không gian luôn có sự trao đổi và tương tác xã hội của những người lạ.
Quan điểm của Lefebvre đã trở thành triết lý nhân văn và ngày càng phổ biến trên thế giới, tạo ra sức lan toả mạnh mẽ như một lời kêu gọi các tổ chức xã hội, cư dân ở các thành phố cùng nhận thức lại quyền và vai trò của mình đối với môi trường thành phố mà họ đang sống.
PV