19/11/2020

Tọa đàm Kiến trúc cảnh quan các khu đô thị mới Việt Nam – đặt con người làm trọng tâm

Trong quá trình tư duy và thiết kế, cần đặt ra mục tiêu để con người tiếp xúc với môi trường giúp cho không gian trở nên sống động, an toàn, bền vững nhất có thể. Đó là ý kiến chung của các chuyên gia tại Toạ đàm do Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức, với chủ đề “Phê bình lý luận về Kiến trúc cảnh quan các Khu đô thị mới tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 18/11/2020, tại Viện kiến trúc Quốc gia, 389 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Toạ đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực kiến trúc cảnh quan trong các đô thị mới, đây cũng là hoạt động chuyên môn với nội dung trao đổi gắn liền với thực tế phát triển đô thị mới ở Việt Nam hiện nay.

TS.KTS Nguyễn Tất Thắng chia sẻ thực trạng kiến trúc cảnh quan tại các khu đô thị ở Việt Nam

TS.KTS Nguyễn Tất Thắng chia sẻ thực trạng kiến trúc cảnh quan tại các khu đô thị ở Việt Nam

Tại Hội thảo, TS.KTS. Nguyễn Tất Thắng đã chia sẻ về thực trạng Kiến trúc cảnh quan các Khu đô thị mới ở Việt Nam. Các khu đô thị phục vụ mục đích tái định cư, cung cấp nhà ở xã hội do giá thành xây dựng rẻ nên hầu như thiếu các công trình công cộng, trang thiết bị tiện ích đô thị. Trong các bản vẽ quy hoạch, do lợi nhuận, mật độ xây dựng thường được đẩy lên cao tối đa, ưu tiên nhà ở và thương mại dịch vụ, cắt giảm những diện tích để làm vườn hoa, công viên, sân bãi thể dục thể thao. Những không gian xanh ít ỏi còn lại cũng không được tổ chức và chăm sóc một cách đúng đắn. Việc thực hiện thiết kế đô thị các khu vực trung tâm, các tuyến phố chính tại các địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc. Việc quản lý trật tự xây dựng đô thị theo quy hoạch và theo các quy định, quy chế quản lý tại các địa phương còn hạn chế, do khối lượng công việc lớn, dẫn đến còn nhiều tình trạng xây dựng không phép, không đúng thiết kế dẫn đến phá vỡ tầng cao, mật độ và kiến trúc cảnh quan khu vực. Kiến trúc các công trình điểm nhấn đô thị còn ít được quan tâm, đặc biệt tại các khu vực đô thị cũ. Cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật tại các khu dân cư đô thị nhìn chung chưa đồng bộ, mạng lưới giao thông trong và ngoài đô thị chưa phát triển, gây trở ngại cho các mối liên thông giữa đô thị với các vùng lân cận cũng như với hoạt động: làm việc – nghỉ ngơi – sinh hoạt của người dân trong đô thị; không đảm bảo tiêu chuẩn tiện nghi của một số đô thị trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quá trình đô thị hóa chưa được kiểm soát triệt để.

Chia sẻ về yếu tố “Con người” trong thiết kế cảnh quan các khu dân cư – góc nhìn từ lý thuyết Thiết kế Đô thị, PGS.TS.Phạm Thuý Loan đã đặt ra câu hỏi, làm thế nào để thiết kế không gian đặt con người làm trung tâm? Trong quá trình tư duy và thiết kế, cần đặt ra mục tiêu để con người tiếp xúc với môi trường nhiều nhất có thể. Thiết kế không gian cần lưu tâm đến tầm nhìn thị giác, tâm lý thị giác và trật tự không gian, hài hoà về vần luật và nhịp điệu và các giác quan khác. Không gian đô thị có chất lượng: Sống động, an toàn, bền vững, lành mạnh. Kiến tạo các Khu đô thị mới là cơ hội tuyệt vời để tạo ra các môi trường cho/vì con người.

PGS.TS.KTS Phạm thúy Loan chia sẻ về yếu tố “con người” trong thiết kế cảnh quan đô thị mới

PGS.TS.KTS Phạm thúy Loan chia sẻ về yếu tố “con người” trong thiết kế cảnh quan đô thị mới

Ông Vũ Mai Phong – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark chia sẻ về kinh nghiệm kiến tạo cảnh quan Khu đô thị Ecopark – theo góc nhìn từ nhà đầu tư. Các khu đô thị, muốn phát triển tốt, cần giải quyết tốt bài toán với dân cư hiện hữu, đây là một trong những yếu tố giúp tăng giá trị khu đô thị và thúc đẩy sự phát triển. Khi thiết kế, Ecopark lựa chọn đô thị sinh thái là xu hướng, kiến trúc cảnh quan là chìa khoá chính. Do đó, Ecopark có một lượng cây khổng lồ, với triết lý xây dựng công trình trong công viên. Ngôn ngữ thiết kế cảnh quan sẽ quyết định việc lựa chọn chủng loại cây phù hợp. Cảnh quan sẽ tạo nên sức hấp thu của sản phẩm bất động sản. Tuy nhiên, cây xanh cũng sẽ ảnh hưởng tới chi phí quản lý, vận hành và ảnh hưởng đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Sắp tới, Ecopark dự kiến sẽ chinh phục những thử thách mới về cảnh quan, đó chính là dự án đưa vườn lên cao Sol Forest Ecopark, với hy vọng, mỗi ban công là một khung tranh thơ mộng, lãng mạn trên nền trời.

Dự án Vườn trên cao Sol Forest Ecopark được Ông Vũ Mai Phong – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark chia sẻ tại tọa đàm

Dự án Vườn trên cao Sol Forest Ecopark được Ông Vũ Mai Phong – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark chia sẻ tại tọa đàm

Ths. KTS Nguyễn Thanh Tú – Giảng Viên Đại học Xây dựng chia sẻ về Yếu tố cảnh quan trong “Khung đánh giá và hướng dẫn khu đô thị Xanh”. Không gian cảnh quan đô thị phải gắn liền cảm thụ của con người với cảnh quan xung quanh. Nhiệm vụ của Thiết kế cảnh quan (và Thiết kế đô thị) làm sao để con người có thể cảm nhận và sử dụng những không gian được thiết kế, tạo dựng những cảm xúc tích cực và dễ chịu nhất. Cảnh quan đô thị là sự kết hợp của cảnh quan môi trường xây dựng nhân tạo, cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan xã hội. Một khu đô thị có cảnh quan đẹp là khu đô thị có sự tạo dựng hài hoà giữa không gian kiến trúc cảnh quan nhân tạo và thiên nhiên, mà trong đó có sự hiện diện và quan tâm tới con người. Một không gian đô thị có cảnh quan Xã hội hấp dẫn là một không gian sống động với sự hiện diện và đa dạng các loại hình hoạt động con người; tạo nên bản sắc, tinh thần xã hội cho khu đô thị; có tính văn hoá, tính gắn kết cộng đồng; kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ông Lê Tuấn Long – Tổng giám đốc Eden Landscape chia sẻ về Landscape – Marketing “Ứng dụng trong thiết kế cảnh quan Đô thị và Thị trường Bất động sản”. Eden Landscape là một trong những đơn vị tiên phong trong Landscape – Marketing. Khi bắt đầu làm nghề, Eden đã nhận định, cảnh quan sẽ trở thành một xu thế tất yếu trong tương lai. Chia sẻ về thành công của mình, ông Lê Tuấn Long nhận định, thành công của Eden là định đúng lợi thế bản thân trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, am hiểu bản địa, thích ứng nhanh linh hoạt, chi phí hợp lý, cùng bản sắc văn hoá. Khi thiết kế cảnh quan, Eden luôn áp dụng tiêu chí của tháp Maslow về tiêu chí đánh giá không gian, trong đó, nhu cầu về cảm xúc, tự tôn, bản ngã là đỉnh cao nhất của con người về cảm nhận cảnh quan.

Ông Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, chia sẻ theo góc độ của chuyên gia

Ông Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, chia sẻ theo góc độ của chuyên gia

Qua những tham luận của tác giả, rõ ràng, việc định hướng xây dựng khu đô thị gắn liền hạ tầng và cảnh quan, xem trọng sự kết nối giữa thiên nhiên và con người, sẽ đem lại nhiều giá trị bền vững lâu dài cho chủ đầu tư và những người dân sống trong đó. Ông Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, chia sẻ theo góc độ của chuyên gia, ông đánh giá cao vai trò của cảnh quan trong phát triển các đô thị mới tại Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, các chủ đầu tư lớn đã biết chú trọng về phát triển không gian trong đô thị. Cảnh quan là yếu tố sẽ giúp nâng tầm chất lượng cuộc sống con người. Toạ đàm là hoạt động chuyên môn đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của việc phát triển cảnh quan trong thời gian sắp tới.

Phát biểu kết luận buổi toạ đàm, PGS.TS KTS Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cảm ơn các ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đồng thời yêu cầu đơn vị NCKH tổng hợp là cơ sở xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ Quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Vũ Nguyện