19/09/2023

Tọa đàm Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh

(KTVN) – Ngày 18/9, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức tọa đàm với chủ đề “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh”. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh 2023 với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các hiệp hội và đơn vị tư vấn trong lĩnh vực liên quan đến công trình xanh và tiết kiệm năng lượng.

Quang cảnh Tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: “Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường. Việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc tọa đàm

Thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, nhiều chính sách, quy định đã được ban hành và đưa vào thực hiện. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã nêu việc thúc đẩy phát triển công trình xanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, việc phát triển công trình xanh trong thời gian qua cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài những tác động của đại dịch Covid-19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn về tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án…

Tọa đàm tổ chức với chủ để “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” là một trong những hoạt động của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2023. Đây là dịp để các bên liên quan trao đổi, thảo luận những cơ hội, thách thức, kiến nghị, đề xuất các nội dung, giải pháp để dỡ bỏ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh, chuyển đổi xanh ngành Xây dựng trong thời gian tới.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, trong những năm vừa qua, tốc độ đô thị hóa của Thành phố Hà Nội nhanh và mạnh mẽ, sự bùng nổ dân số do gia tăng dân số cơ học kèm theo nhu cầu phát triển các công trình cao tầng (gồm nhà ở và các công trình thương mại dịch vụ) và các công trình nhà ở tại Thành phố Hà Nội đã đem tới các mặt trái của đô thị hóa. Các đô thị lớn nhà Hà Nội luôn cần phát triển công trình xanh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại tọa đàm

Với Thủ đô, mục tiêu chính của ”Công trình xanh” là giữ gìn bảo vệ môi trường, tạo lập môi trường sống hòa mình với tự nhiên. Thủ đô Hà Nội khác với các thành phố trên thế giới do có 70% tổng diện tích đất tự nhiên dành cho hành lang xanh, không gian xanh nhằm giữ cân bằng sinh thái đô thị, điều hóa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, tăng sức tải cho môi trường. Vì vậy, mục tiêu quan trọng và lâu dài đối với thành phố Hà Nội là giữ gìn “lá phổi xanh” song song với quá trình triển khai các “Công trình xanh”. Hà Nội hiện đang triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt liên quan đến thực hiện quy hoạch, triển khai hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW vá các văn bản có liên quan…

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng; trao đổi kinh nghiệm về các thành tựu đã đạt; đánh giá tiềm năng phát triển; thảo luận về các rào cản, thách thức và đưa ra các đề xuất tháo gỡ các cản trở, nhằm thúc đẩy đầu tư và phát triển công trình xanh ở Việt Nam.

Tại tọa đàm, các tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế đã có chia sẻ về tiềm năng phát triển và đầu tư vào công trình xanh ở Việt Nam và những dự đoán về xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai trên thế giới và Việt Nam; thông tin về các dự án, biện pháp hỗ trợ, chính sách ưu đãi cụ thể.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế tham gia trong lĩnh vực này chia sẻ thuận lợi và khó khăn khi triển khai đầu tư và xây dựng công trình xanh ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những quan điểm, kiến nghị thiết thực nhằm tháo gỡ các rào cản để phát triển công trình xanh.

Từ những đề xuất của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước thông tin về kế hoạch ban hành cơ chế, chính sách, ưu đãi nhằm khuyến khích và ưu tiên việc phát triển công trình xanh và công trình tiết kiệm năng lượng…

Tuyết Ngân