Tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình số 61 phố Trần Phú
UBND Thành phố Hà Nội vừa báo cáo Bộ Xây dựng về rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng tại số 61 phố Trần Phú (phường Điện Biên, quận Ba Đình).
Về định hướng quy hoạch tại khu vực, theo Kết luận số 54-KL/TW ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị và các quy định liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình (Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013). Khu đất trên (lô G1) có định hướng di chuyển nhà máy sản xuất, xây dựng thành tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và chỗ đỗ xe. Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc gồm tầng cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%.
Về phương án quy hoạch, kiến trúc công trình, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình theo quy định. Trên cơ sở nội dung đề xuất đầu tư của chủ đầu tư, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã báo cáo UBND Thành phố, gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Xây dựng, UBND Thành phố, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã lấy ý kiến Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch Thành phố; đề nghị chính quyền địa phương lấy ý kiến cộng đồng dân cư… Các ý kiến cơ bản thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng công trình đa chức năng tại khu đất 61 phố Trần Phú.
Về không gian kiến trúc cảnh quan, công trình Postef cao 11 tầng, tương đương 42,9m, khối đế công trình có khoảng lùi 17m, khối tháp công trình có khoảng lùi 28 m so với chỉ giới đường Hùng Vương là phù hợp.
Về việc bảo tồn, phát huy giá trị bức phù điêu “Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ”, theo danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn quận Ba Đình đã được UBND thành phố phê duyệt (Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14/10/2016), địa điểm 61 phố Trần Phú, nơi có bức phù điêu, không thuộc danh mục kiểm kê di tích. Tuy nhiên, bức phù điêu ghi dấu sự kiện lịch sử cách mạng của quân và dân Thủ đô thời kỳ kháng kiến chống Mỹ. Do vậy, việc lưu giữ bức phù điêu là cần thiết.
Công trình tại số 61 phố Trần Phú vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Theo Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, TP Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, Nhà máy thiết bị bưu điện tại lô G1 (khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm.
Tuy nhiên, Khu trung tâm chính trị Ba Đình có tính chất là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị nên việc thay đổi này cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng.
Ngay khi dư luận xã hội lên tiếng phản ánh về việc cần xem xét lại phương án kiến trúc công trình bảo vệ bức phù điêu đắp nổi với hình ảnh dân quân, tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ, ghi lại sự kiện bắn rơi máy bay Mỹ, Bộ Xây dựng đã gửi Văn bản số 1145/BXD-QHKT gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng tại số 61 phố Trần Phú theo phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngày 6/4, Văn phòng UBND Thành phố đã có văn bản hỏa tốc số 1009/UBND-ĐT thông báo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy tại văn bản số 354-CV/TU ngày 6/4 về Dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình. Theo đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Quy hoạch-Kiến trúc, các sở, ngành thành phố có liên quan, UBND quận Ba Đình tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, quy trình, thủ tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng tại khu đất số 61 phố Trần Phú; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; báo cáo, đề xuất và dự thảo văn bản của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo Bí thư Thành ủy về tình hình triển khai, kết quả thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy trước ngày 8/4.
Ngày 9/5, chủ đầu tư đã có văn bản đề xuất được nghiên cứu lại tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án theo hướng giảm số tầng hầm, bảo tồn bức phù điêu và tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình.
Để có cơ sở xem xét toàn diện, thận trọng tác động của dự án, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội xem xét chỉ đạo thực hiện một số nội dung trước khi cho phép nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.
Một là, về phương án quy hoạch, kiến trúc công trình, giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các đơn vị liên quan tổ chức hội đồng gồm các chuyên gia, nhà khoa học… nghiên cứu, đánh giá phương án quy hoạch, kiến trúc, làm việc với nhà đầu tư để thống nhất biện pháp, tổ chức thi tuyển để lựa chọn phương án kiến trúc đóng góp cho không gian, cảnh quan khu vực theo hướng giảm số tầng hầm, chuẩn hóa chức năng, công năng công trình. Phương án quy hoạch, kiến trúc sau đó sẽ được công bố đầy đủ, rộng rãi trước công luận, bảo đảm công khai, minh bạch và sự đồng thuận.
Hai là, về bức phù điêu, giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc xem xét, đánh giá phương án quy hoạch, kiến trúc của dự án, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Ba Đình, nhà đầu tư nghiên cứu phương án bảo tồn, giữ nguyên trạng về quy mô, nghệ thuật và nội dung.
Căn cứ chủ trương, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành thành phố thực hiện, bảo đảm đồng bộ trong rà soát, đánh giá phương án quy hoạch, kiến trúc của dự án; đề xuất phương án giải quyết, xử lý phù hợp.