Tín hiệu tích cực cho thị trường căn hộ condotel
Các doanh nghiệp và cả những người đã mua căn hộ – khách sạn (condotel) rất phấn khởi với Công văn 703/BTNMT-TCQLĐĐ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, trong đó có condotel.
Doanh nghiệp mừng
Công văn nêu rõ, thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất, nhưng không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn, thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm.
Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng sẽ được Nhà nước xem xét gia hạn.
Về việc cấp giấy chứng nhận, các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định, thì việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho bên nhận chuyển nhượng được thực hiện theo quy định tại Điều 32, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; khoản 22, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Bộ TN&MT đề nghị sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan thì thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản rất phấn khởi với quy định mới này. Đại diện một doanh nghiệp chuyên phát triển dự án nghỉ dưỡng cho biết, công ty ông hiện có tới 4 dự án tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quy Nhơn đã đi vào hoạt động và bán hàng theo hình thức condotel cho khách hàng từ năm 2017, song vì chưa có quy định nên chưa cấp được sổ cho khách hàng. Điều này khiến Công ty gặp nhiều áp lực từ phía khách hàng. Bên cạnh đó, công ty của ông còn vướng nhiều dự án khác chưa được cấp phép xây dựng phát triển dù nộp hồ sơ pháp lý đã lâu, chỉ vì luật chưa rõ ràng về loại hình sản phẩm này.
“Công văn 703 sẽ rộng cửa cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, các địa phương cũng sẽ mạnh dạn trong việc cấp phép phát triển dự án, không lo bị sai luật”, vị này nói.
Ông Mai Trung Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, áp dụng Công văn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ, các địa phương sẽ giải quyết được tồn đọng từ các dự án đã xây dựng và các dự án condotel đã bán sẽ ra được sổ cho khách.
Còn đó phân vân
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, vẫn còn nhiều điều cần quan tâm ở công văn này. Có nhiều quy định còn gây băn khoăn, chẳng hạn Công văn có đoạn: “Trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản…”
Theo ông Phượng, các dự án du lịch được phê duyệt theo Luật Du lịch, trong các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đều không có căn cứ theo Luật Kinh doanh bất động sản, nay lại áp dụng các dự án du lịch theo Luật Kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp không hiểu ra sao.
Cũng theo ông Phượng, đối tượng “bất động sản” trong Luật Kinh doanh bất động sản không nêu rõ gồm những gì, nên có nhiều hình thức đất không biết xếp vào loại gì. Chẳng hạn đất nghĩa địa có được ra sổ cấp cho người sống không? Hay như các ki-ốt của tiểu thương ở chợ có được cấp sổ không.
“Nếu dự án không thuộc điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản (trong giấy đăng ký đầu tư, quyết định giao đất), thì các hành vi của chủ đầu tư mua bán đối tượng “vật” (là công trình căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng) không phải là hành vi kinh doanh bất động sản, từ đó doanh nghiệp không thể được mở bán tài sản hình thành trong tương lai, không thể ký hợp đồng bán với khách hàng”, ông Phượng phân tích.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, Công văn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ có nội dung hướng dẫn cấp “sổ đỏ” cho condotel là hoàn toàn phù hợp với thực tế thị trường hiện nay. Song, Bộ Xây dựng cũng cần hoàn thiện “Quy chuẩn xây dựng nhà chung cư”, xác định khái niệm “căn hộ du lịch”, thay thế khái niệm “căn hộ lưu trú” và cần giải thích rõ khái niệm “căn hộ du lịch” là “căn hộ nằm trong nhà chung cư hỗn hợp, hoặc tòa nhà độc lập phục vụ mục đích cho thuê lưu trú”.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng nên đề xuất Chính phủ quy định cách tính phần diện tích “căn hộ du lịch” thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở hữu chung, tương tự như cách tính đối với căn hộ chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở, để làm cơ sở cấp “sổ đỏ” cho người mua “căn hộ du lịch”.
“Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xem xét đề xuất bổ sung loại hình nhà phố du lịch vào Điều 48, Luật Du lịch để thống nhất quản lý cho phù hợp hơn với loại hình bất động sản du lịch”, ông Châu kiến nghị.