03/12/2019

Tìm giải pháp thoát ngập úng

Dù đã có hàng chục các công trình chống ngập cùng hàng loạt các giải pháp đưa ra song đến nay các dự án chống ngập trọng điểm của TP Hồ Chí Minh vẫn “tắc” cùng sự loay hoay của chính quyền thành phố. Tại kỳ họp HĐND TPHCM sắp tới, vấn đề chống ngập cho thành phố tiếp tục được đưa ra. Vậy giải pháp nào để các công trình chống ngập của thành phố được triển khai hiệu quả? Ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM trao đổi với PV Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.

TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết được tình trạng ngập úng

TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết được tình trạng ngập úng

PV: Thưa ông, thời gian qua TPHCM đã triển khai nhiều công trình chống ngập cũng như đã đưa ra các giải pháp để giải quyết, song tại sao đến nay vấn đề này chưa được tháo gỡ triệt để?

Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Hiện nay ngoài việc bị tác động bởi biến đổi khí hậu thì còn một hạn chế lâu nay của TP trong quá trình phát triển đô thị là chưa xác định được vấn đề cốt nền. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng làm hạn chế khả năng tiêu thoát tự nhiên.

Trong quá trình phát triển, chúng ta chưa xem xét gắn kết quy hoạch hạ tầng ngầm, trong đó có vấn đề cấp thoát nước, do đó dẫn đến không chỉ ngập úng cục bộ mà ngày càng mở rộng phạm vi do đô thị hóa nhanh.

Thành phố đã có nhiều cuộc hội thảo kết hợp với việc trao đổi kinh nghiệm với các đoàn quốc tế để chọn phương án khả thi nhất nhằm giải quyết tình trạng ngập úng. Vì đô thị phát triển lớn như TPHCM nếu không giải quyết tốt vấn đề ngập úng, cùng những vấn đề hạn chế khác như ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường thì hiệu quả đầu tư sẽ bị hạn chế. Hiện một số dự án, công trình giải quyết chống ngập với số vốn khá lớn nhưng đang đi vào giai đoạn thực hiện, nên trong bối cảnh này, giải quyết vấn đề ngập úng của thành phố chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, cũng phải nói ý thức của người dân về bảo quản và xử lý hệ thống tiêu thoát nước tự nhiên chưa tốt cũng góp phần tắc nghẽn. Do vậy cộng hưởng nhiều yếu tố tạo nên việc xử lý ngập úng không khả quan.

Được biết TPHCM đã khảo sát kinh nghiệm của các nước cũng như mời chuyên gia của các nước đến để giúp đỡ nhưng tại sao chưa chọn được phương án tốt nhất, thưa ông?

– Hiện nay thành phố đã nghiên cứu, liên kết với Hà Lan và Chính phủ Hà Lan sẽ viện trợ cho thành phố bằng việc sẽ chọn khu vực cửa ngõ Đông Bắc, cụ thể là quận 9 để nghiên cứu độ triền dốc của địa hình, nhằm xử lý hệ thống thoát nước làm sao cho tốt nhất. Singapore cũng đã trao đổi kinh nghiệm hình thành các họng giếng để thu hút nước vào đó rồi xử lý để tái sử dụng cho quá trình tưới tiêu, hoặc phục vụ cho các công trình khác. Giải pháp này vừa thu hút nước, giảm tình trạng ngập úng lại tái sử dụng lại được.

Theo ông trong bối cảnh hiện nay, TPHCM có nên quy hoạch lại hệ thống thoát nước gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới?

– Tôi cho rằng việc khảo sát, đánh giá lại hạ tầng ngầm của lịch sử phát triển đô thị trước đây và trong bối cảnh lúc này là cần thiết. Vì tốc độ đô thị không những không gắn kết, có khi lại cô lập, phá vỡ hệ thống thoát nước chung. Đây là bài toán đặt ra đòi hỏi trong quá trình phát triển đô thị phải xem xét toàn diện cả kiến trúc quy hoạch không gian, lẫn kiến trúc quy hoạch phần hạ tầng.

Từ thực tế cho thấy việc triển khai các dự án chống ngập cũng đang vướng do nguồn ngân sách khó khăn. Theo ông cần xử lý vấn đề trên như thế nào?

– Đúng là hiện đang có khó khăn trong ngân sách, vì vốn đầu tư cho việc triển khai các dự án này có thể lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Để tạo ra hình ảnh đô thị phát triển trong tương lai của thành phố theo tôi không chỉ vốn ngân sách mà thành phố có thể xã hội hóa, mời gọi các thành phần kinh tế cùng chung tay xử lý tốt vấn đề môi trường, trong đó có yếu tố tiêu úng.

Kỳ họp HĐND nào của thành phố vấn đề ngập úng cũng được đặt ra. Tuần này HĐND TPHCM sẽ họp và vấn đề giải quyết ngập úng sẽ được xem xét như thế nào, thưa ông?

– Từ ngày 7 đến ngày 9/12 tới, HĐND TPHCM sẽ họp. Trong đó, một loạt vấn đề như: Xem xét lại hoạt động của các hệ thống xe buýt công cộng được vốn ngân sách của thành phố tài trợ; thực hiện Nghị quyết 19 của thành phố làm sao để thành phố sạch, xanh, kiểm soát hiện trạng xây dựng không phép, sai phép, trong đó có vấn đề UBND thành phố, các sở chuyên ngành phải báo cáo đầy đủ về lộ trình khảo sát, xem xét, đánh giá cũng như các công trình khoa học cho việc giải quyết thoát úng nước của thành phố. Ví như xem xét và đánh giá công trình chống ngập 10 ngàn tỷ đồng, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh xem giải pháp đã ổn thỏa chưa? Nâng lên 1 thước vậy hiện trạng nhà dân thấp dưới đó hay như thế nào? Vấn đề tiêu thoát nước sẽ được giải quyết như thế nào? UBND thành phố phải trả lời để HĐND thành phố giám sát kỹ lưỡng.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ/Đại đoàn kết