03/11/2023

Tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

(KTVN) – Là cố đô của vương triều Nguyễn, Huế lưu giữ phần lớn những di sản văn hóa quan trọng nhất mà vương triều này để lại, cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nổi bật là quần thể công trình kiến trúc thành quách, lăng tẩm, phủ đệ, đàn miếu, chùa chiền; lễ hội cung đình, nhã nhạc cung đình, múa cung đình, ca Huế; ẩm thực Huế, hệ thống sử liệu…Những giá trị di sản văn hóa này cần được bảo tồn, phát huy bài bản và chuẩn mực hơn.

Có lịch sử lâu đời với hơn 700 năm hình thành và phát triển, vùng Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế là nơi hội tụ, giao lưu, tiếp biến văn hóa lâu đời từ phương Bắc di cư vào, tiếp thu một số yếu tố văn hóa phương Nam bản địa, văn hóa Champa để tạo nên một bản sắc văn hóa riêng – văn hóa Huế.

Là cố đô của vương triều Nguyễn, Huế lưu giữ phần lớn những di sản văn hóa quan trọng nhất mà vương triều này để lại, cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nổi bật là quần thể công trình kiến trúc thành quách, lăng tẩm, phủ đệ, đàn miếu, chùa chiền; lễ hội cung đình, nhã nhạc cung đình, múa cung đình, ca Huế; ẩm thực Huế, hệ thống sử liệu…, trong đó có nhiều di tích đã được thế giới vinh danh.

Nhiều công trình thời Nguyễn trong Đại nội Huế đang được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế trùng tu. Ảnh Lê Hoài Nhân

Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn” do Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức ngày 31/10, tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) đã có nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử tham gia với 20 bài tham luận tập trung bàn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thời Nguyễn.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung thảo luận làm rõ những giá trị tiêu biểu của văn hóa thời Nguyễn; ảnh hưởng của văn hóa thời Nguyễn đến con người Huế; bảo tồn, phát huy giá trị to lớn của văn hóa thời Nguyễn đối với quá trình hội nhập và phát triển.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế đã đạt được những thành tựu to lớn mà nổi bật nhất là việc đưa Di sản Cố đô Huế từ tình trạng “cứu nguy khẩn cấp” sang thời kỳ “ổn định và phát triển bền vững”. Đã có khoảng 175 công trình di tích lớn nhỏ thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được đầu tư trùng tu, bảo tồn; cơ sở hạ tầng các khu di tích, tham quan được tu bổ hoàn nguyên và chỉnh trang đảm bảo môi trường cảnh quan; nghiên cứu, phục dựng nhiều nghi lễ, điệu múa cung đình, các tác phẩm âm nhạc cung đình triều Nguyễn… Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời Nguyễn ở Huế đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị chuyên môn chú trọng, tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa, góp phần giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân địa phương, phát triển kinh tế và tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích.

Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản thời Nguyễn vẫn còn  những hạn chế như: địa phương chưa có chính sách toàn diện và hài hòa với việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; thiếu đội ngũ chuyên gia bảo tồn di tích chuyên nghiệp; nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, tu bổ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế…

Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Trường Đại học Đông Á, để phát huy hiệu quả di sản văn hóa thời Nguyễn, địa phương cần xây dựng chính sách quản lý, có sự đầu tư thích đáng cho việc trùng tu, tôn tạo tất cả các loại hình di tích và có chính sách tuyên truyền, quảng bá hấp dẫn đối với di tích, di sản văn hóa Huế; xây dựng bộ quy tắc về công tác bảo tồn, trùng tu di tích lịch sử, văn hóa theo đúng chuẩn quốc gia, quốc tế; kiểm kê, xây dựng hồ sơ, số hóa các di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương cần lan tỏa việc bảo tồn và phát huy văn hóa thời Nguyễn ra cộng đồng, bằng cách thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục di sản văn hóa đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Minh Anh