Tiền Giang: Xôn xao chuyện di dời công trình văn hóa lấy đất “vàng” cho thuê
Câu chuyện “kinh tế lấn át văn hóa” ở Tiền Giang dù chưa chính thức triển khai nhưng đã có nhiều ý kiến.
Những ngày gần đây, tại tỉnh Tiền Giang dư luận xôn xao khi nghe tin nhiều công trình, địa điểm vui chơi giải trí, văn hóa của tỉnh sẽ bị di dời ra ngoại thành để nhường chỗ xây dựng các khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại… Câu chuyện “kinh tế lấn át văn hóa” dù chưa chính thức triển khai nhưng đã có nhiều ý kiến khác nhau.
Tại thành phố Mỹ Tho có lẽ Trung tâm Văn hóa Thiếu nhi tỉnh, thuộc Tỉnh đoàn quản lý nằm ở vị trí “đất vàng” nhất. Với diện tích khoảng 3 ha, có 3 mặt tiền. Cổng của Trung tâm là đại lộ Hùng Vương, thuộc phường 1. Đây là nơi sinh hoạt, luyện tập thể dục thể thao, vui chơi giải trí của các em thiếu nhi của thành phố Mỹ Tho và các huyện, thị xã trong tỉnh.
Theo Ban giám đốc trung tâm, thời gian qua hoạt động của Trung tâm rất hiệu quả, nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua toàn quốc. Hiện nay, Trung tâm vẫn hoạt động bình thường khi nào tỉnh xây dựng hoàn thành địa điểm mới thì mới chuyển nơi hoạt động.
Theo chủ trương của UBND tỉnh Tiền Giang thì Trung tâm Văn hóa thiếu nhi cùng với một số đơn vị khác phải di dời ra ngoại ô. Từ nay đến cuối năm đơn vị này phải bàn giao 1 ha đất giao cho nhà đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại.
Mặc dù chủ trương di dời các công trình kể trên còn ở dạng văn bản, chưa được công bố, nhưng người dân và cán bộ đảng viên trong tỉnh Tiền Giang rất quan tâm đến thông tin này. Ông Nguyễn Văn Giáp, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, hiện là Chủ tịch Hội Luật Gia tỉnh cho rằng, các cơ quan văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí khi di dời sang địa điểm mới phải phù hợp và tất nhiên phải tốt hơn vị trí cũ. Văn hóa và kinh tế phải phát triển hài hòa.
“Về vấn đề Trung tâm Văn hóa Thiếu nhi hay thư viện…dời đi phần này tôi chỉ nghe phong phanh thôi. Tôi nghĩ nếu dời đi thì phải có nơi tốt hơn nơi hiện nay, chứ nếu dời đi mà điều kiện không thuận lợi, không tốt hơn cho các cháu vui chơi, giải trí thì tôi hoàn toàn không đồng ý. Tôi chưa nghe cụ thể của UBND tỉnh quyết định là dời đi đâu. Tôi nghĩ giữa kinh tế và văn hóa thì phải hài hòa. Kinh tế phát triển phục vụ cho toàn xã hội, trong đó có phục vụ văn hóa”, ông Nguyễn Văn Giáp nói.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại trung tâm thành phố Mỹ Tho này ngoài Trung tâm Văn hóa Thiếu nhi tỉnh còn có một số đơn vị văn hóa khác nằm trong danh sách phải di dời theo Văn bản số 5730 do một Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký. Trong đó bao gồm: Thư viện tỉnh Tiền Giang, Nhà văn hóa Trung Tâm, phường 4, Nhà bảo tàng… Các cơ quan này theo quy hoạch mới của tỉnh là sẽ dời về khu Quảng trường ở xã Đạo Thạnh, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 3 km, cận kề với Quốc lộ 50.
Cán bộ, nhân viên Nhà văn hóa trung tâm khi nhận văn bản thông báo của UBND tỉnh Tiền Giang về việc này rất lo lắng cho hoạt động sau này. Ông Lý Thiện Hoàng, Giám đốc Nhà văn hóa Trung tâm Tiền Giang nói: “Gần đây có thông tin dời Trung tâm đi. Ở đây muốn đầu tư đường dài rất khó, đó là về chuyên môn. Vị trí mới cũng chưa biết dời về đâu. Các thiết chế văn hóa theo quy định của Bộ VHTT & DL thì phải nằm ở vị trí thuận lợi mới hoạt động văn hóa được. Đó là các vị trí ở trung tâm mới hoạt động được. Nhiều tỉnh người ta dời các thiết chế văn hóa ra ngoài ngoại ô cuối cùng cũng hoạt động không hiệu quả”.
Thư viện Tiền Giang có diện tích 3.000 m2, được xây dựng 1 trệt 2 tầng lầu, nằm tại vị trí “đắc địa” quay mặt về hồ nước thì sẽ giao cho khách sạn Mê Kông. Riêng Nhà văn hóa trung tâm (thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh) có diện tích gần 6.000m2, nằm ở mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cận kề với hồ nước thì phải nhường cho doanh nghiệp xây khách sạn cao tầng.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị văn hóa, vui chơi giải trí nằm trong diện phải di dời đều rất ngại tiếp xúc với báo chí và cho rằng chủ trương của Tỉnh ủy – UBND tỉnh thì phải thi hành. Do quan điểm là cán bộ công chức thì ở nơi đâu cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Điều đáng nói là Thư viện tỉnh phải sớm di dời trong hoàn cảnh chưa xây cơ quan ở vị trí mới mà phải thuê một chỗ tạm rất chật hẹp để hoạt động. Việc di dời một lượng thiết bị, sách báo lớn đến nơi mới rất nhiêu khê.
Thư viện vốn rất vắng khách lại đưa ra ngoại thành sẽ đìu hiu hơn. Bà Nguyễn Thị Quý, cán bộ Thư viện Tiền Giang lo lắng: “Chuyện di dời công nhân viên rất lo lắng, muốn làm sao cho Thư viện hoạt động ổn định. Làm sao cho mọi hoạt động thuận tiện hơn, tạo thuận tiện cho tất cả cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên thuận lợi đến mượn sách chứ đừng di dời xa quá”.
Di dời các cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí để nhường chỗ cho các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở kinh tế, thương mại là chủ trương của Tỉnh ủy-UBND tỉnh Tiền Giang nhằm phát triển thành phố Mỹ Tho lên Đô thị loại 1 là một trung tâm thương mại. UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, Ngành chức năng kết hợp với UBND thành phố Mỹ Tho điều chỉnh quy hoạch lại của thành phố, điều chỉnh lại một số vị trí của các cơ quan, đơn vị.
Về phía người dân thành phố Mỹ Tho thì cho rằng: phát triển thương mại dịch vụ, xây nhà cao tầng chỉ là một tiêu chí của đô thị loại 1; trong khi đó hiện nay dù là đô thi loại II nhưng thành phố Mỹ Tho vẫn còn nhiều mặt tồn tại, yếu kém cần phải khắc phục như: vệ sinh môi trường, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tỉ lệ hộ nghèo… Tại thành phố Mỹ Tho thời gian qua, có nhiều cơ sở văn hóa chưa được trùng tu, sửa chữa đúng mức hoặc giao cho doanh nghiệp làm kinh tế nhưng hiệu quả không cao.
Việc quy hoạch, phát triển đô thị Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang theo hướng văn minh, hiện đại là cần thiết. Song bên cạnh việc kêu gọi đầu tư các dự án phát triển kinh tế thì phải quan tâm đầu tư lĩnh vực văn hóa, xã hội phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của cộng đồng. Do vậy, việc di dời các cơ quan văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí tại thành phố Mỹ Tho ra ngoài ngoại ô để nhường chỗ cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở kinh tế, thương mại là điều mà lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cần cẩn trọng, cân nhắc. Cần lấy ý kiến của người dân trước khi ban hành quyết định để tạo sự đồng thuận trong nhân dân./.
Theo VOV