19/05/2015

Thư viện, nhà thiếu nhi phải nhường chỗ cho khách sạn

Gần đây dư luận tại TP.Mỹ Tho, Tiền Giang xôn xao trước thông tin nhiều công trình văn hóa, giải trí phải dời  khỏi trung tâm thành phố để nhường chỗ cho khách sạn và trung tâm thương mại, mà điển hình là thư viện, trung tâm văn hóa và nhà thiếu nhi tỉnh.

Thư viện nằm cạnh khách sạn - và sắp bị di dời - Ảnh: H.PH

Thư viện nằm cạnh khách sạn – và sắp bị di dời – Ảnh: H.PH

Ra tận ngoại ô

Nhân viên đang làm việc tại Thư viện Tiền Giang cho biết theo chủ trương của tỉnh thì thư viện sẽ dời về khu quảng trường ở xã Đạo Thạnh, ngoại ô TP.Mỹ Tho, để nhường chỗ cho… khách sạn Mê Kông đang xây dựng ở bên cạnh. Tuy nhiên, do hiện nay khu quảng trường này chưa hình thành, nên trước mắt thư viện sẽ tạm dời tới tòa nhà cũ của TAND TP.Mỹ Tho (đường Hùng Vương).

Thư viện hiện tại với tòa nhà 1 trệt, 2 lầu nằm trên khu “đất vàng” 3.000 m2 tọa lạc ngay vị trí trung tâm, với 2 mặt tiền cạnh công viên và bờ hồ, đã được định giá hơn 7,8 tỉ đồng sẽ giao cho khách sạn Mê Kông. Với giá này, nhiều người cho là quá “bèo” bởi cũng trên con đường này, một căn nhà cấp 3 nằm trên khu đất 300 m2, đang rao bán với giá 10 tỉ đồng.

Một nhân viên thư viện ngậm ngùi: “Ngay từ lúc khách sạn mới khởi công, chúng tôi đã đoán trước thế nào rồi thư viện cũng bị đuổi đi. Bởi thư viện nằm cạnh khách sạn cũng giống như mặt người đẹp mà có nốt ruồi. Nhưng ai cũng tưởng khi nào thư viện mới xây dựng xong chúng tôi mới dời đi. Còn bây giờ thì phải dời ngay vì khách sạn sắp hoàn thành, trong khi thư viện mới vẫn chưa có”.

Nằm đối diện Thư viện tỉnh là Trung tâm VH Tiền Giang tọa lạc trên khu đất 3 mặt tiền với diện tích gần 6.000 m2. Theo Văn bản số 5730 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa ký ngày 13.11.2014, thì không chỉ Thư viện tỉnh mà cả Trung tâm VH và Bảo tàng tỉnh đều phải dời đi nơi khác. Theo đó, vị trí mới của bảo tàng được xác định “nằm giữa khu trung tâm thương mại và thư viện”. Còn khu đất của Trung tâm VH hiện nay “sẽ đầu tư khách sạn hơn 10 tầng”.

Ông Lý Thiện Hoàng, Giám đốc Trung tâm VH, cho biết chính ông cũng bất ngờ vì đến khi nhận được văn bản của UBND tỉnh mới biết chuyện di dời: “Chủ trương của tỉnh thì phải chấp hành thôi. Chỉ có điều xưa nay các thiết chế văn hóa phải đặt ở khu trung tâm của đô thị chớ không ai đem ra ngoại thành hoặc đặt ở khu hành chính”.

Tương tự, Nhà thiếu nhi Tiền Giang (tọa lạc trên diện tích 2,7 ha) cũng phải di dời gấp. Anh Trần Thanh Nguyên, Bí thư Tỉnh đoàn Tiền Giang, cho biết trước mắt nhà thiếu nhi sẽ cắt 1 ha để bàn giao cho nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại ngay trong năm nay. Do vậy, một số trò chơi sẽ phải dời tạm sang khu đất bên cạnh. Khi nào có nhà thiếu nhi mới sẽ dời đi toàn bộ.

Công ty xổ số kiến thiết định giá thư viện

Vì sao không đợi xây xong thư viện mới rồi hãy di dời? Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Tiền Giang, để tìm câu trả lời, nhưng ông Minh bảo gặp ông Trần Thanh Phúc, Phó giám đốc, vì đây là lĩnh vực do ông Phúc phụ trách. Còn ông Phúc thì lại đề nghị chúng tôi nên gặp ông Minh!

Nhưng theo bà Trần Kim Mai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tỉnh đã giao cho UBND TP.Mỹ Tho phối hợp với Sở Xây dựng điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể của Mỹ Tho theo hướng phát triển đô thị loại 1 là trung tâm thương mại. Trong đó có việc điều chỉnh lại một số vị trí hiện hữu của đô thị Mỹ Tho. Khi chúng tôi hỏi bà, riêng khu đất thư viện sau khi dời sẽ giao lại cho ai, bà Mai nói rằng: “Chưa tiết lộ được”, nhưng cho biết “đã có một số nhà đầu tư tới hỏi và nhận hồ sơ rồi, chớ đất của nhà nước làm gì có chuyện bán hoặc hóa giá”.

Thế nhưng, theo “biên bản xác định giá” ngày 24.3.2015 giữa đại diện các cơ quan: Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở VH-TT-DL, Thư viện tỉnh và… Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Tiền Giang, thì các bên đã đồng ý ký tên, xác định giá trị của khu nhà thư viện hơn 7,8 tỉ đồng. Điều lạ là Công ty XSKT Tiền Giang tham gia ký tên, định giá thư viện với tư cách gì?

Không ai phản đối việc TP có thêm nhiều dự án mới. Điều quan trọng là việc phát triển các khu thương mại, dịch vụ phải hài hòa với các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng và được người dân đồng tình. Cách đây mấy năm, nhiều người cảm thấy tiếc khi rạp hát xưa của Bạch Công tử được cải tạo thành nhà sách rồi sau đó nhà sách lại thêm chức năng “kinh doanh siêu thị”.

Không ai tới Mỹ Tho… chỉ để ngủ 

Liên quan đến việc xây khách sạn, ông L.V.P, Giám đốc một công ty lữ hành tại Mỹ Tho, nói: “Đúng là TP.Mỹ Tho có nhu cầu về khách sạn, nhất là khách sạn hạng sang. Cứ mỗi lần tổ chức lễ hội lớn thì không đủ chỗ cho khách nghỉ. Trong khi đó thì lượng du khách tới Mỹ Tho hằng tuần khá đông, nhưng họ tới rồi về trong ngày, không ai ở lại.

 

Theo tôi, muốn thu hút khách du lịch thì không chỉ có khách sạn mà phải phát triển đồng bộ các dịch vụ vui chơi, giải trí, phải có chỗ cho họ xài tiền. Nhưng TP.Mỹ Tho xưa nay có thói quen rất lạ là cứ khoảng sau 21 giờ đêm thì quán xá, nhà dân đều đóng cửa ngủ hết, đường phố vắng tanh. Từ khi có đường cao tốc thì khoảng cách đi lại giữa Sài Gòn và Mỹ Tho chỉ hơn một tiếng đồng hồ. Tôi nghĩ không có du khách nào từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho chỉ… để ngủ”!

 

Theo Thanh niên