01/02/2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch sẽ tạo ra nguồn lực tối ưu

(KTVN) – Theo kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022, tư tưởng chỉ đạo phải xác định coi trọng công tác quy hoạch, quy hoạch để tạo ra nguồn lực, đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch sẽ tạo ra nguồn lực tối ưu.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 14, kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022, phổ biến và triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022, về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị, về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thông báo nêu rõ: Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị ban hành về phát triển đô thị Việt Nam bền vững.

Để triển khai, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ với quan điểm, mục tiêu nhằm cụ thể hóa một cách tốt nhất, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.

Một góc Đô thị TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: thanhnien.vn)

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đề ra 15 nhóm chỉ tiêu cụ thể hướng tới phát triển đô thị xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, thông minh và phát triển bền vững.

Các chỉ tiêu đề ra khá cao, vì vậy muốn hoàn thành cần có tư duy, cách tiếp cận mới cùng sự nỗ lực rất lớn trong thực hiện. Với yêu cầu này, trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 148/NQ-CP, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cùng các cơ quan tham mưu triển khai thực hiện phải tập trung lưu ý một số quan điểm chỉ đạo lớn.

Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, trên cơ sở đánh giá cụ thể hiện trạng để đưa ra mục tiêu, đề ra nhiệm vụ sát với tình hình thực tế, có tính khả thi.

Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, cần có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, của tỉnh, của vùng, phát hiện ra những tồn tại yếu kém nhằm đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.

Tư tưởng chỉ đạo phải xác định coi trọng công tác quy hoạch, quy hoạch để tạo ra nguồn lực, đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch sẽ tạo ra nguồn lực tối ưu. Ngược lại, không có đầu tư đúng mức cho công tác quy hoạch có thể gây lãng phí nguồn lực trong tổ chức thực hiện, phát triển thiếu bền vững, không tạo được đột phá. Công tác quy hoạch phải tổng thể nhưng thực hiện phải phân kỳ, có nguồn lực đến đâu làm đến đấy, triển khai có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với nguồn lực và thời gian, cần làm đâu chắc đó, việc nào phải xong việc đó, tránh dàn trải.

Quy hoạch, phát triển đô thị phải đa dạng hóa nguồn lực, kết hợp nội lực với ngoại lực, nguồn lực trong nước lẫn ngoài nước, nguồn lực của nhà nước với xã hội, nguồn lực của nhân dân, đẩy mạnh hợp tác công tư. Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn lực từ con người, đất đai, biển, sông nước, nguồn lực từ truyền thống lịch sử, văn hóa. Phân bổ, khai thác và sử dụng nguồn lực phải đảm bảo hiệu quả, hợp lý.

Phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp, các ngành. Tăng cường kiểm tra, giám sát. Tăng cường và thực hiện thực chất công tác tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị theo đúng chỉ đạo, quan điểm của Đảng.

Quang Tuyền