Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với một số vật liệu xây dựng (VLXD )có khả năng thay thế cát tự nhiên trong hoạt động xây dựng đã được ban hành tương đối đầy đủ và đang tiếp tục được nghiên cứu ban hành trong thời gian ngắn sắp tới. Để có thể sử dụng VLXD khác thay thế cát tự nhiên, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ ngành ban hành các Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9205:2012 về cát nghiền cho bê tông và vữa, sản xuất các loại VLXD thay thế cát tự nhiên trong xây dựng, xây dựng Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng, ban hành chỉ dẫn kỹ thuật xỉ gang và xỉ thép sử dụng làm VLXD.
Tiêu chuẩn Việt Nam về yêu cầu kỹ thuật của tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp cho công trình dân dụng, công nghiệp, chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong san lấp cho công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, TCVN về kỹ thuật thi công nghiệm thu tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu móng đường và đắp nền đường dự kiến ban hành trong năm 2017.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXD thay thế cát tự nhiên như cát nhân tạo nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, nguồn đá thải từ ngành công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là tận dụng được đá thải từ các mỏ than. Không ít địa phương có các nhà máy sản xuất cát nhân tạo hoạt động nhiều năm nay, có khả năng cung cấp nguồn cát lớn thay thế hoàn toàn cát tự nhiên, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày lớn về cát ngay cả khi phát triển ngành công nghiệp xây dựng.
Theo Bộ Xây dựng, để có được giải pháp tổng thể, đồng bộ và bền vững cần có chính sách thuế, phí nhằm hạn chế khai thác cát tự nhiên, mang tính không khuyến khích khai thác cát tự nhiên để dần đưa VLXD khác vào thay thế. Đồng thời, cũng dùng chính sách thuế, phí đối với các loại VLXD thay thế cát tự nhiên nhằm đảm bảo giá bán loại VLXD này có giá thành phù hợp nhiều nhất với nhu cầu sử dụng cát, mọi khu vực, mọi đối tượng có thể dễ dàng sử dụng.
Đặc biệt, cần sự phối hợp giữa các Bộ ngành và địa phương trong tính toán, cân đối nhu cầu, dự báo khả năng sử dụng cát, khả năng phát triển nguồn VLXD thay thế cát để có phương án hợp lý sử dụng vật liệu có sẵn tại địa phương, từng bước hạn chế tiến tới không sử dụng cát tự nhiên để san lấp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nhân tạo, sử dụng cát nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên, hoàn thiện các bộ định mức, kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với các loại VLXD thay thế cát tự nhiên trong xây dựng và san lấp nhằm đảm bảo có đầy đủ cơ sở để địa phương, tổ chức cá nhân thúc đẩy sử dụng VLXD thay thế cát tự nhiên. Đối với các địa phương tập trung nhiều các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất và địa phương lân cận, chỉ đạo sử dụng tro, xỉ nhiệt điện cho san lấp công trình xây dựng, công trình giao thông.
Các địa phương phải luôn tuân thủ việc quản lý, kiểm tra việc khai thác cát đúng quy định, nắm bắt thông tin về cát đầy đủ, chặt chẽ. Đối với những địa phương có nhu cầu sử dụng cát xây dựng lớn như: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…, cần lập kế hoạch, tiến độ cung ứng cát xây dựng trên toàn địa bàn để chủ động chỉ đạo kế hoạch cung cấp ổn định, phù hợp.
PGS.TS. Trần Văn Miền, Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, loại nguyên liệu thay thế cát tự nhiên là cát nhân tạo. Loại cát được nghiền từ đá, có cỡ hạt gần tương tự với cát tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa và có thể trộn lẫn theo tỷ lệ phù hợp với cát tự nhiên trong bê tông và vữa xây dựng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh ngoài đá xay, xỉ thép từ các nhà máy luyện kim sau khi tái chế cũng là một nguồn vật liệu thay thế cát xây dựng về lâu dài. Ngoài ra, tro, thạch cao có thể thay thế cát làm nền…
Số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng cho thấy, giai đoạn 2016 – 2020, trữ lượng cát xây dựng gồm cả cát san lấp được dự báo là khoảng 2,1 tỷ m3, trong khi chỉ riêng nhu cầu san lấp đã là 2,1 – 2,3 tỷ m3/năm. Như vậy, đến năm 2020, Việt Nam không đủ nguồn cung cát cho xây dựng.