Ngày 1/12/2022, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh – Phó Trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp lần thứ hai của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tham dự phiên họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; chuyên gia thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chủ trì phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, đồng thời tổ chức các hội thảo ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để tiếp thu ý kiến góp ý của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trên cả nước, làm việc với các hội, hiệp hội chuyên ngành để tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia.
Tại phiên họp lần 2, Ban soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các dự thảo trước khi gửi Bộ Tư pháp xem xét theo quy trình. Các thành viên dự họp tập trung góp ý cho một số vấn đề trọng tâm đang được dư luận xã hội quan tâm như sở hữu chung cư có thời hạn, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, công nhân, diện tích căn hộ chung cư; các yêu cầu quản lý, vận hành nhà chung cư (Luật Nhà ở (sửa đổi)); một số nội dung liên quan đến sàn giao dịch bất động sản, chung cư mini, căn hộ du lịch, huy động và sử dụng vốn, chuyển nhượng dự án bất động sản (Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)).
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao các ý kiến góp ý từ các thành viên, đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu tiếp thu đầy đủ. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh cần tập trung rà soát nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật có liên quan; rà soát các nội dung chưa đạt sự thống nhất giữa các Bộ ngành, địa phương; hoàn chỉnh đánh giá tổng kết, tiếp thu giải trình ý kiến góp ý của các Bộ ngành, địa phương; làm rõ một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, từ đó lựa chọn các phương án để trình cấp có thẩm quyền thẩm định.
Trần Đình Hà/moc.gov.vn