05/06/2020

Thu hồi trụ sở cũ của các bộ, ngành: Cần cơ chế để thực hiện

Tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào ngày 9/6, ngoài việc xem xét cho Hà Nội được bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, thì Dự thảo Nghị quyết này cũng quy định về cơ chế để Hà Nội có thể xử lý những cơ quan không chịu trả trụ sở cũ. Liệu phương án trên có khả thi? Vấn đề còn nằm ở trách nhiệm của các bộ, ngành.

Nhiều bộ, ngành đã có trụ sở mới nhưng vẫn chưa bàn giao trụ sở cũ cho TP Hà Nội.  Ảnh minh họa

Nhiều bộ, ngành đã có trụ sở mới nhưng vẫn chưa bàn giao trụ sở cũ cho TP Hà Nội. Ảnh minh họa

Theo Dự thảo Nghị quyết này, Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh). Khi thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội cho rằng, quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc bán tài sản công có nhiều khó khăn, quy trình và thủ tục phức tạp, kéo dài. Vì vậy, để đảm bảo quy định này có tính khả thi thì UBND TP Hà Nội cần chủ động có đề án tổng thể và đánh giá đầy đủ nguồn thu, lộ trình và kế hoạch, tổ chức thu từ lĩnh vực này trên địa bàn Thành phố, để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Vấn đề thu hồi trụ sở cũ không phải là vấn đề mới, đã được phản ánh nhiều lần. Khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền với đất sau khi trừ đi chi phí di dời, xây dựng trụ sở mới của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn để hỗ trợ cho TP Hà Nội có thêm nguồn lực đầu tư tốt hơn một số cơ sở hạ tầng quan trọng theo Chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030. Thậm chí trước Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Thúy- Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng đặt vấn đề: “Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội còn nhiều bất cập, hầu hết là tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, tận dụng quỹ đất sau di dời làm cơ sở 2”. Theo bà Thúy, điều này là không đúng với chủ trương quỹ đất sau di dời giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của địa phương.

Căn cứ theo các quy định hiện hành thấy rằng, việc thực hiện chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ. Và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Như vậy lộ trình và sự chỉ đạo của Chính phủ đã có. Tuy nhiên theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay có 9 bộ, ngành, cơ quan Trung ương hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới bao gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Thế nhưng, trong các bộ, ngành đã đầu tư xây dựng trụ sở mới đến nay chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, Bộ Tài chính đã có quyết định thu hồi 4 cơ sở của Bộ để bố trí cho các cơ quan khác quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc. Hiện vẫn còn một số cơ quan tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP Hà Nội khai thác, sử dụng, điển hình như Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trước vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng bày tỏ quan điểm rằng, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND TP Hà Nội cần thực hiện nghiêm chủ trương bàn giao quỹ đất sau khi di dời để TP Hà Nội sử dụng theo quy hoạch được duyệt, ưu tiên đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Từ thực tế băn khoăn khi nhiều bộ, ngành sau khi xây trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho TP Hà Nội, do đó ông Vũ Hồng Thanh- Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất: “Chính phủ cần biện pháp xử lý nếu không có giao cơ chế thì Hà Nội cũng chưa chắc thực hiện được chủ trương lớn của Quốc hội”.

Từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiều khóa, cũng như là ĐBQH khóa XIII, bà Bùi Thị An cho rằng, đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, là vấn đề kỷ cương phép nước, đã xây dựng trụ sở mới thì phải trả lại trụ sở cũ cho TP Hà Nội. “Đã có nơi làm việc mới vậy còn giữ trụ sở cũ để làm gì?”- bà An nêu vấn đề và cho rằng: “Quốc hội và Chính phủ đã ra nghị quyết về vấn đề này thì phải thực hiện. Nếu ai không thực hiện cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Phải trả lại đất cho TP Hà Nội để thực hiện đúng mục tiêu đã đặt ra là xây dựng các công trình văn hóa công cộng. Do đó trong năm 2020 cần xử lý dứt điểm không thể để kéo dài. Cơ quan Nhà nước mà còn chây ì thì người dân sẽ như thế nào? Vấn đề là luật pháp, và kỷ cương phép nước. Kiến tạo phải trên nền luật pháp, thi hành theo luật. Giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu để thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị”.

H.Vũ