08/07/2019

Thống nhất phương án vay lại vốn Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông

Ngày 8-7, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa 15, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài đối với Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh -Hà Đông theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, trên cơ sở nội dung dự thảo Thỏa thuận cho vay lại đối với Dự án, giá trị vay lại được xác định dự kiến khoảng 98,35 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 2.306 tỷ đồng. Lãi suất cho vay lại 4%/năm tính trên số dư nợ vay lại. Các loại phí khác theo thỏa thuận vay nước ngoài (bao gồm phí cam kết, phí trả nợ trước hạn và các chi phí khác phát sinh tính trên toàn bộ số vốn vay ODA, vay ưu đãi được tiếp nhận…).

Lãi phạt chậm trả: Trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gôm gôc, lãi, phí và các chi phí liên quan khác, bên vay lại phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn. Lãi và lãi phạt chậm trả được tính trên cơ sở số ngày thực tế áp dụng với một năm có 360 ngày.

Thời hạn cho vay lại từ khi Hợp đồng cho vay lại có hiệu lực đến ngày trả nợ gốc cuối cùng (21-7-2025) theo quy định tại Thỏa thuận vay nước ngoài.

Thời điểm nhận nợ: Bên vay lại nhận nợ khoản vay lại từ khi Dự án hoàn thành giai đoạn xây dựng và được chuyến giao chính thức từ Bộ GT-VT vận tải. Thời điểm chuyến giao chính thức được xác định là thời điểm hai bên ký kết biên bản bàn giao Dự án.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 18.001 tỷ đồng, tương đương 868,04 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc là hơn 13.867 tỷ đồng, tương đương 669,62 triệu USD, còn lại là phần đối ứng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH-ĐT tại phiên thảo luận

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH-ĐT tại phiên thảo luận

Trong đó, phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải áp dụng với giá trị 92,52 triệu USD bao gồm hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy – toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Song, năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã ký phụ lục hợp đồng tăng phần chi phí liên quan này lên 98,35 triệu USD.

Thảo luận về báo cáo kinh tế-xã hội TP 6 tháng đầu năm liên quan đến nội dung vay lại chi phí ODA và các chi phí liên quan đến vận hành, khai thác Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Hà Nội là địa phương tự cân đối được ngân sách, do vậy quá trình hưởng thụ nguồn vốn ODA của Trung ương theo quy định là phải nhận vay nợ lại nguồn vốn này trên cơ sở xác định thời điểm nhận nợ tại thời điểm khi Bộ GT-VT triển khai bàn giao chính thức Dự án cho Hà Nội và Dự án chính thức đi vào hoạt động, khai thác. Các khoản kinh phí liên quan đến chi phí khai thác, vận hành thì Hà Nội nhận lại phần chi phí theo Dự án mà Bộ GT-VT giao Chủ đầu tư thực hiện.

Trong nguồn kinh phí để thanh toán cho các khoản nợ này, theo dự trù kinh phí năm 2019, TP đã có cân đối để bảo đảm trả nợ theo tiến độ cũng như yêu cầu Hiệp định đã ký kết với các nhà tài trợ. Thành phố Hà Nội đã cân đối nguồn kinh phí cho nguồn vay lại này, không tính vào bội chi ngân sách năm 2019.

Trên cơ sở rà soát tiến độ triển khai hình triển khai các dự án ODA và tình hình vay nợ của TP, dư nợ dự kiến đến 2020 của TP là 11.737 tỷ đồng. “Khoản vay lại được tính trong mức dư nợ vay hàng năm của TP Hà Nội và không tính vào bội chi Ngân sách địa phương”, UBND TP nêu rõ.

Về nguồn chi trả nợ hàng năm, UBND TP bố trí nguồn chi trả nợ gốc, lãi, phí và chi phí liên quan trong dự toán ngân sách hàng năm của Thành phố, đảm bảo thanh toán nợ vay đầy đủ, đúng hạn.

Vân Hà/Pháp luật và Xã hội