Thực tế này đã khiến khâu quyết toán nhiều dự án gặp vướng mắc, tổng mức đầu tư đội vốn hàng ngàn tỷ đồng/dự án, nảy sinh nhiều tiêu cực, thất thoát.
Vẫn nặng bao cấp, lạc hậu
Dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) về 5 dự án đường sắt đô thị (metrto) tại Hà Nội và TPHCM đội vốn đầu tư trên 132.000 tỷ đồng, ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng, nhìn nhận dự án đầu tư công thực hiện theo hình thức PPP, BOT, trong thời gian vừa qua hầu hết đều vượt tổng mức đầu tư.
Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này do hạn chế trong việc quản lý chi phí định mức và đơn giá xây dựng, khâu xác định chi phí chưa phù hợp với thực tiễn, tính chưa đúng chưa đủ, do thị trường biến động không đúng với dự tính, hoặc xác định tổng mức đầu tư chưa đúng.
“Việc quản lý định mức và đơn giá xây dựng hiện nay còn mang tính bao cấp, công nghệ lạc hậu… dẫn đến tăng chi phí của dự án. Hệ thống định mức được xây dựng, hình thành từ thời bao cấp, càng thêm xa rời thực tế của nền kinh tế thị trường…” – ông Phạm Văn Khánh phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, cho rằng nguyên nhân đội vốn của các dự án PPP, BOT đúng là do hệ thống đơn giá, định mức lạc hậu, không theo kịp tốc độ phát triển chung của ngành xây dựng. Song việc đội vốn ít hay nhiều cần phải xem xét lại thời gian, thời điểm quyết toán.
Bởi không ít công trình được xác định từ năm 2005 nhưng quyết toán phải đợi đến 2015, khi đơn giá xây dựng đã biến động rất nhiều. Cũng chính do quy định đơn giá, định mức chưa sát thị trường, công tác quản lý lỏng lẻo, nên rất dễ bị lợi dụng sự chênh lệch của đơn giá để trục lợi.
Là nhà thầu từng tham gia nhiều dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, ông Lê Văn Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đánh giá một số hạng mục định mức vừa lạc hậu vừa bất hợp lý. Chẳng hạn, đối với các hạng mục ngầm, hầu hết định mức của Nhà nước cao hơn thực tế và đó là nguyên nhân gây đội vốn. Tuy nhiên, một số hạng mục thấp hơn thực tế, nếu làm theo định mức này nhà thầu sẽ lỗ.
Chưa kể, do một số hạng mục không có trong định mức nhà nước, nhà thầu buộc phải trình qua một đơn vị khác để thẩm tra. Song tréo ngoe ở chỗ, đơn vị thẩm tra đó cũng thiếu sự am hiểu và kinh nghiệm, kết quả cho ra bất hợp lý đã làm nảy sinh tranh chấp giữa nhà thầu với chủ đầu tư. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện một hệ thống định mức, đơn giá hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Xây dựng hệ thống định mức và giá mới
Lilama hiện là tổng thầu xây lắp Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, cũng như làm tổng thầu lắp đặt các thiết bị của Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2. Cả 3 công trình này đều áp dụng phương pháp tính của Nhà nước về bộ định mức, giá, đơn giá. Tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Lilama đang phải áp dụng song song 2 bộ định mức của Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương.
Chủ đầu tư cho biết rất nhiều lần tìm cách để giảm chi phí thông qua các bộ định mức do Bộ Xây dựng ban hành. Thế nhưng, các bộ định mức do Bộ Xây dựng ban hành chủ yếu là định mức xây dựng các công trình dân dụng, nhà ở, thấp hơn so với mức của các công trình công nghiệp có tính chất phức tạp như nhà máy nhiệt điện.
Còn Bộ Công Thương tuy có một số định mức áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện nhưng không đầy đủ do ban hành từ lâu. Do đó, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 không hấp dẫn nhà thầu tham gia vì biết trước nguy cơ lỗ nặng.
Trước những bất cập trên, cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”, giao Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện. Đề án này nhằm khắc phục những bất cập về quản lý chi phí trong xây dựng và dịch vụ đô thị hiện nay; đảm bảo tính công bằng, tính đúng, tính đủ trong điều kiện và năng suất khác nhau; nâng cao hiệu quả đầu tư phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Hiện Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với lộ trình vạch ra cụ thể tới năm 2022. Trong năm 2018, cơ quan này sẽ tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, soát hệ thống định mức đang áp dụng, do chính bộ này hoặc các bộ chuyên ngành, UBND tỉnh đã công bố. Qua rà soát, nếu cần thiết sẽ cắt bỏ những định mức lạc hậu, làm rõ những công nghệ đã sử dụng để tránh việc lựa chọn công nghệ cũ để áp dụng đơn giá của máy móc, công nghệ mới trong việc tính chi phí đầu tư.
Thứ hai, hoàn thiện 13 phương pháp xác định định mức và đơn giá mới theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Thứ ba, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý để vừa đáp ứng cơ chế hiện nay cho đến khi có hệ thống định mức và đơn giá mới, vừa đảm bảo điều kiện cho việc hình thành hệ thống định mức và giá mới. Cuối cùng là chuẩn bị để xây dựng cơ sở dữ liệu cho hệ thống định mức và giá mới.