Thiết lập “kiến trúc mở” cho Smart City TP.HCM
Theo Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” vừa được UBND TP. HCM và Tập đoàn VNPT hoàn thiện và công bố, khung công nghệ của Đề án bảo đảm khả năng tương thích về công nghệ, giải pháp dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp theo các tiêu chuẩn phổ biến trên thế giới.
Cuối tuần qua, UBND TP. HCM tổ chức hội thảo công bố Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” .
Trước đó, ngày 29/9/2016, UBND TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Tập đoàn VNPT) về việc tư vấn Khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Theo nội dung đã ký kết, Tập đoàn VNPT là đơn vị thực hiện góp ý, tư vấn với nội dung Đề cương đề án xây dựng TPHCM trở thành Đô thị thông minh do UBND Thành phố dự thảo. Tập đoàn VNPT cũng là đơn vị tư vấn xây dựng khung kiến trúc tổng thể đô thị thông minh cho TPHCM bao gồm kiến trúc khung công nghệ; Tư vấn xây dựng lộ trình triển khai, thực hiện triển khai tích hợp các dịch vụ, hệ thống thông minh, từng bước xây dựng hệ sinh thái ứng dụng đô thị thông minh tại TPHCM.
Bên cạnh đó, Tập đoàn VNPT cũng đề xuất những giải pháp giúp TPHCM giải quyết các vấn đề liên quan đến những lĩnh vực ưu tiên như: giao thông, y tế và dịch vụ cho con người, an ninh công cộng, nước và nước thải, xây dựng, môi trường, năng lượng, phát triển giáo dục…
Lễ công bố Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. |
Sau hơn 1 năm khẩn trương thực hiện, đến nay Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã được UBND Tp HCM và Tập đoàn VNPT hoàn thiện với lộ trình triển khai theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2017 – 2020): Thiết lập nền tảng công nghệ cho smart city và triển khai thí điểm các dự án đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Thành phố.
Giai đoạn 2 (2021 – 2025): Triển khai đồng bộ giải pháp đô thị thông minh trong các lĩnh vực trọng tâm trên nền tảng công nghệ chung.
Giai đoạn 3 (sau 2025): Tiếp tục mở rộng, củng cố hạ tầng công nghệ và triển khai các giải pháp theo hướng ngày càng thông minh hơn.
Để đạt các mục tiêu của Giai đoạn 1. Tp HCM sẽ triển khai 5 giải pháp trọng tâm:
(1) Xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho thành phố để hoàn thiện, đồng bộ các dữ liệu từ các sở ban ngành, đơn vị trực thuộc.
(2) Phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố nhằm cung cấp các loại dữ liệu phục vụ người dân, cho phép người dân tham gia giám sát đô thị.
(3) Xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố – nơi tập trung phân tích các dữ liệu đa ngành, mô phỏng dự báo các xu hướng phát triển về kinh tế, dân số, nhu cầu nhân lực, nhà ở, năng lượng, nước/nước thải, giao thông, y tế, xử lý rác thải, ngập nước, giáo dục, nhu cầu vốn… phục vụ công tác xây dựng chiến lược cho Thành phố.
(4) Xây dựng Trung tâm điều hành thông minh – nơi sẽ tập trung khai thác các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày của thành phố trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp ứng cứu, xử lý tình huống và giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể, kịp thời, chuẩn xác.
(5) Thành lập Trung tâm An toàn thông tin hoạt động 24/24 đảm trách công tác bảo mật, an toàn thông tin, toàn vẹn dữ liệu, giám sát, ứng phó, phòng chống tấn công mạng cho Trung tâm dữ liệu thành phố, các hệ thống cơ yếu, cơ quan nhà nước, và có thể mở rộng cho báo đài, doanh nghiệp.
Song song với việc triển khai 5 giải pháp trọng tâm nêu trên, trong giai đoạn 1, các giải pháp trong một số các lĩnh vực được đề xuất trong Đề án sẽ được triển khai thí điểm tại Quận 1, Quận 12, và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2).
Đề án Xây dựng TPHCM trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” được xây dựng với cách tiếp cận linh hoạt. Đề án đã đề xuất một lộ trình triển khai làm định hướng tham chiếu. Do vậy, Thành phố không phải chờ xây dựng một kế hoạch chi tiết xuyên suốt tất cả các giai đoạn với tổng dự toán kinh phí lớn thì mới triển khai, mà thay vào đó, có thể cân đối ngân sách theo từng giai đoạn và mục tiêu phát triển hợp lý. Mô hình triển khai linh hoạt này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để UBND Tp HCM tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân trong suốt quá trình triển khai để giúp cải tiến liên tục các giải pháp phù hợp với nhu cầu của người dân.
Theo đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, Khung giải pháp đô thị thông minh cho TpHCM do Tập đoàn VNPT đề xuất được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc mở: Tất cả các đơn vị công nghệ trong và ngoài nước đều có thể tham gia triển khai. Tập đoàn VNPT cũng sẽ giúp TpHCM tìm kiếm các đối tác lớn trong và ngoài nước và sử dụng các công nghệ hiện đại nhất… để triển khai các mục tiêu của Đề án.
Việc triển khai Đề án Đô thị thông minh sẽ giúp TPHCM sớm cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cuộc sống của người dân Thành phố. Đây là một trong những giải pháp lớn nhằm góp phần thực hiện thành công 07 Chương trình đột phá của TPHCM, hướng đến mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính, khoa học và công nghệ lớn của cả nước và khu vực theo định hướng của Chính phủ.
Việc triển khai xây dựng đô thị thông minh mang ý nghĩa quan trọng với một đô thị đặc biệt như Thành phố Hồ Chí Minh. Là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của cả nước, dân số khoảng 8,43 triệu người, chiếm 9,1% tổng dân số cả nước và đóng góp 28,6% tổng thu năm 2016 của quốc gia, sự tăng trưởng của TP.HCM đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho biết: ” Bản Đề án đã xác định được Khung công nghệ cho đô thị thông minh tích hợp những công nghệ tiên tiến trong một mô hình kiến trúc thống nhất và có tính mở, kế thừa những thành quả về ứng dụng công nghệ thông tin của Thành phố trong những năm qua. Khung công nghệ sẽ là nền tảng để thành phố Hồ Chí Minh thiết lập những năng lực cơ bản của một đô thị thông minh, đó là: phân tích, dự báo trên nền tảng dữ liệu lớn, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các lĩnh vực chuyên ngành, cung cấp dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp, và các ứng dụng-tiện ích thông minh phục vụ mọi mặt của đời sống xã hội.
Với kiến trúc mở và công nghệ tiên tiến, Khung công nghệ cho phép Thành phố đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ theo từng giai đoạn, khởi đầu từ một quy mô phù hợp với điều kiện hiện tại và có khả năng từng bước mở rộng theo nhu cầu thực tế, từ đó giúp nâng cao hiệu quả đầu tư và tối ưu chi phí vận hành. Khung công nghệ cũng là một nền tảng mở để các doanh nghiệp, tổ chức và công ty khởi nghiệp cùng chung tay phát triển các hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ thông minh”.
Việc triển khai Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” là một định hướng hết sức quan trọng của Thành phố. Dựa trên các nội dung khung của Đề án đã đề xuất, TP.HCM sẽ làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị tư vấn… để làm rõ chi tiết các nội dung và xây dựng kế hoạch triển khai Đề án hàng năm với các tiêu chí, dự toán ngân sách thực hiện để thông qua UBND TP.HCM.
Với mong muốn xây dựng đô thị thông minh với người dân làm trung tâm, TP.HCM hy vọng sẽ nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân Thành phố qua tất cả các kênh góp ý nhằm có thể cập nhật, hoàn thiện Đề án và xây dựng kế hoạch triển khai Đề án hàng năm cho năm 2018 cũng như các năm tiếp theo bám sát nhất theo nhu cầu của người dân, nhằm giúp TP.HCM nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng môi trường sống, đầu tư, kinh doanh, góp phần thực hiện thành công 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016-2020, hướng đến mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; nhanh chóng hội nhập với xu hướng phát triển của thế giới về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; sớm sánh vai các thành phố lớn khác trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa.
Theo Báo Đầu tư