Thiết kế ga hàng không – Những yếu tố chính cần đạt được
4 TIÊU CHÍ QUAN TRỌNG CẦN ĐẠT ĐƯỢC
Ga hàng không với tính chất là một công trình có quy mô xây dựng rất lớn, phục vụ cho một phương thức giao thông vận chuyển hiện đại – tốc độ cao, lắp đặt và sử dụng các công nghệ phức tạp, sử dụng cho số lượng hành khách rất lớn tại mọi thời điểm, nhu cầu sử dụng phức tạp và đa dạng theo mọi lứa tuổi, quốc tịch, tôn giáo… nên đây là loại hình công trình xây dựng có rất nhiều các yêu cầu về thiết kế xây dựng rất cao. Tuy nhiên, bên cạnh các hệ thống tiêu chí khác nhau, thiết kế công trình ga hàng không cần đạt được đầy đủ 4 tiêu chí quan trọng sau:
– Đảm bảo vai trò là công trình đầu mối giao thông. Trước hết, cần nhấn mạnh cảng hàng không (quốc tế hoặc nội địa) là công trình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông quốc gia. Vì vậy, thiết kế tổ chức sân bay cần đạt được tiêu chí đầu tiên là công trình đầu mối giao thông. Đây là tiêu chí quan trọng nhất mà thiết kế sân bay cần đạt được. Các phương án thiết kế (quy hoạch và kiến trúc) cần đạt được trước tiên tính kết nối giao thông thuận tiện và nhanh chóng, trong đó sân bay là công trình đầu mối có thể liên kết trực tiếp tới tất cả các hình thức giao thông vận tải của đô thị bao gồm đường bộ (xe buýt, phương tiện cá nhân), giao thông tốc độ cao (xe buýt nhanh BRT, tầu điện cao tốc MRT, tầu điện ngầm, tầu hỏa…). Thiết kế quy hoạch sân bay bên cạnh hệ thống đường giao thông kết nối thuận tiện còn phải là tổ hợp đồng bộ các chức năng giao thông như: bãi đỗ xe cá nhân, ga đường sắt, trạm xe buýt… để có thể kết nối thuận tiện và phục vụ hiệu quả cho người dân.
– Đảm bảo tính an ninh và an toàn: Vì đây là một công trình giao thông của một phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa có nhiều tính chất đặc thù như tốc độ nhanh, chuyên chở đông người, đòi hỏi các quy trình vận hành và sử dụng nghiêm ngặt… nên việc thiết kế công trình sân bay phải đảm bảo các quy trình về an ninh, an toàn hàng không theo một hệ thống tiêu chuẩn nghiêm ngặt và đồng bộ. Trước hết cần nhấn mạnh yếu tố an ninh an ngay từ các giải pháp thiết kế công trình, bao gồm: Tổ chức phân tuyến giao thông của hành khách bên trong công trình sân bay phải đảm bảo tính một chiều phục vụ công tác an ninh, an toàn; Các không gian phục vụ công tác an ninh (như khu vực kiểm tra an ninh, khu vực cách ly, khu vực kiểm tra đặc biệt cũng cần được tổ chức đồng bộ), có các phòng không gian phợ phù hợp với các yêu cầu lắp đặt các thiết thiết bị đảm bảo an toàn an ninh…
Có các giải pháp an ninh (Gồm an ninh khu vực airside khác khu vực landside) – an toàn cho các đối tượng sử dụng khác nhau như nhân viên mặt đất, phi công và phi hành đoàn, khách sử dụng…
Vì phục vụ đông người, đối tượng sử dụng đa dạng và phức tạp nên giải pháp thiết kế cũng cần nghiên cứu tích hợp các giải pháp phòng chống các sự cố trong quá trình sử dụng như cháy, nổ, bạo động, mất an ninh an toàn… như tổ chức các tuyến thoát hiểm, phòng cách ly.
– Đảm bảo tính tiện nghi. Vì đây là công trình phục vụ cho giao thông mật độ cao, thời gian phục vụ không giới hạn (24/24 giờ), đối tượng sử dụng đa dạng thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau về lứa tuổi, quốc tịch, ngôn ngữ, sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng…với các nhu cầu sử dụng chung và đặc thù riêng khác nhau nên việc đảm bảo tính tiện nghi sử dụng cho các đối tượng là tiêu chí quan trọng thứ 3 mà thiết kế sân bay cần đạt được.
Thiết kế ga hàng không cần đạt được tính tiện nghi trong giao thông thông qua việc tổ chức phân luồng giao thông hành khách, tránh được các xung cắt về tuyến giao thông hành khách đến và đi, giữa vận chuyển hành khách với hàng hóa.
Thiết kế gia hàng không cũng tích hợp các giải pháp tổ chức hệ thống các không gian phụ trợ bao gồm không gian không gian dịch vụ ăn uống và mua sắm (cửa hàng miễn thuế, quà lưu niệm, quán café, tiệm ăn…; các không gian nghỉ chờ (phòng chờ, phòng nghỉ lưu trú qua đêm…). Trong thời gian gần đây, các không gian ga hàng không hiện đại cũng bắt đầu sử dụng các giải pháp thiết kế có tích hợp các không gian khách sạn lớn và khu văn phòng, trung tâm mua sắm quy mô lớn ngay trong ga hàng không.
– Là công trình có tính biểu tượng. Vì đây là điểm tiếp cận đầu tiên đối với hành khách, đặc biệt là hành khách quốc tế lần đầu đặt chân đến một quốc gia nên công trình nhà ga hàng không phải đạt được tiêu chí về tính biểu tượng. Đây là tiêu chí thứ 4 mà thiết kế ga hàng không cần đạt được. Ngôn ngữ và hình khối công trình cần đạt được quy mô và tính nghệ thuật, để có thể gây ấn tượng với hành khách lần đầu bắt gặp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ các nguyên tắc về hình ảnh thị giác để đạt được hiệu quả thẩm mỹ kiến trúc bởi trong thực tế, với quy mô xây dựng rất lớn và tốc độ di chuyển nhanh của các phương thức giao thông tiếp cận ga hàng, hành khách chỉ có thể cảm nhận được đầy đủ công trình từ trên cao hoặc từ rất xa trong khi phần lớn các cảm nhận trực tiếp khi sử dụng bên trong công trình lại rất mờ nhạt.
MỘT SỐ THIẾT KẾ VỀ SÂN BAY QUỐC TẾ TRÊN THẾ GIỚI
Ga hàng không quốc tế Teminal 3 – Sân bay Thủ đô Bắc Kinh
Cảng hàng không quốc tế Thủ Đô Bắc Kinh là sân bay quốc tế phục vụ thủ đô Bắc Kinh. Đây là sân bay nhộn nhịp nhất Trung Quốc, lượng khách tăng trưởng 2 con số kể từ năm 2003, là sân bay bận rộn nhất châu Á về lượng máy bay hoạt động. Sân bay này cách trung tâm Bắc Kinh 20 km về phía đông bắc.
Ga hàng không quốc tế Teminal 3 có tổng diện tích lên đến 1.480 ha. Thay vì xây dựng những sảnh kéo dài, sân bay này được thiết kế với 2 khối tam giác khổng lồ đối diện nhau và hành khách di chuyển qua lại bằng tàu. Phần mái của sân bay đặc biệt được thiết kế theo hình con rồng, bên cạnh đó thiết kế bên trong cũng kết hợp nhuần nhuyễn các màu đỏ và vàng “truyền thống”, tất cả nhằm tạo nên nét hiện đại nhưng vẫn có ý nghĩa văn hóa đậm nét Trung Quốc. Sân bay được mở rộng để thu toàn cảnh bên ngoài và nó chỉ có một tán mái che mát duy nhất. Các cửa sổ có hướng đón ánh nắng mặt trời giúp định hướng và đón lấy các nguồn ánh sáng thay đổi trong ngày. Màu sắc trong sân bay thay đổi từ đỏ sang vàng khi hành khách bước vào tòa nhà.
Được tích hợp với một đường ray tàu chạy thẳng đến trung tâm thành phố cùng các tiện ích khác như 72 cửa hàng phục vụ đủ các loại đồ ăn, khu siêu thị bán lẻ rộng 16.200m2, khu hàng miễn thuế và gần 7.200m2 dịch vụ tiện ích như ngân hàng, trung tâm thương mại… sân bay này đảm bảo du khách có một thời gian trung chuyển thoải mái nhất.
Đây là phương án thiết kế có đường cánh cung mở thoải và chạy thẳng rất thuận tiện cho việc mở rộng phát triển ga hàng không cũng như đảm bảo các yêu cầu về sử dụng trong tình hình mới. Hệ thống các cửa ra máy bay bố trí theo đường thẳng cũng rất thuận tiện cho việc định hướng và di chuyển ra tầu bay của hành khách. Cách bố trí cửa ra máy bay này cũng cho phép sử dụng với các loại tầu bay mới có trọng tải lớn trong tương lai.
Sân bay quốc tế Lyon-Saint Exupéry (Pháp)
Lyon-Saint Exupéry được xây dựng theo hình hai mái vòm thép giống như một con chim đang sải cánh bay. Kiến trúc sư Santiago Calatrava đã thiết kế phòng chờ chính St Exupéry của sân bay giống như một cánh chim dang rộng bao phủ lên trần nhà và có thể đón ánh sáng tự nhiên xuyên qua các khe hở. Mái vòm bên trên nhà ga được xem như điểm nhấn kiến trúc đáng chú ý nhất của sân bay này.
Đây là công trình có cấu trúc đặc biệt, sảnh đón nằm ở phía ngoài rất xa so với 2 khối dịch vụ mặt đất ở phía sau và kề sát với hệ thống bãi đỗ xe và ga đường sắt đô thị ở ở phía trước – 2 cánh. Việc thiết kế hình khối ấn tượng của phần sảnh đón đã mang đến “danh tiếng” bởi sự ấn tượng về kiến trúc cho công trình ngay sau khi hoàn thành. Công trình cũng giúp kiến trúc sư Santiago Calatrava dành được nhiều giải thưởng thiết kế kiến trúc lớn của thế giới. Khối mái chính được thiết kế bắt nguồn từ hình ảnh cánh chim cất cánh lên cao.
Các khối dịch vụ mặt đất bố trí ở 2 cánh cung phía sau, đảm bảo được tính an ninh và an toàn, đồng thời tận dụng cạnh lớn của cánh cung để bố trí cửa ra tầu bay cho phép tạo ra bán kính mở rất rộng thuận tiện cho hành khách và vận hành các loại máy bay cỡ lớn trong tương lai. Cách tổ chức này cũng cho phép mở rộng sân bay bằng cách gia tăng lượng “cánh cung” kết nối trực tiếp xung quanh sảnh chính.
Năm 2009, sân bay được nối với tuyến xe điện cao tốc gọi là Leslys.
Sân bay Hồng Kông International Airport
Sân bay Quốc tế Hồng Kông sân bay dân dụng chính của Đặc khu hành chính Hồng Kông, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là một trong những sân bay lớn nhất châu Á và cả thế giới cùng là cửa ngõ của đông Á và Đông Nam Á. Tọa lạc trên đảo Chek Lap Kok, sân bay Hồng Kông được cấu tạo bằng cách san bằng một quả núi rồi dùng đất đá đó đắp thêm, lấn ra biển để mở rộng diện tích đất bằng phẳng. Trong mấy năm liền, hành khách khắp nơi đã chọn Sân bay Hồng Kông là “Sân bay tốt nhất thế giới” theo thống kê của Skytrax.
Được thiết kế bởi Foster và Partners, Công trình xây dựng mất 6 năm mới khánh thành năm 1998. Công suất hiện tại của sân bay Hồng Kông là 45 triệu khách và 3 triệu tấn hàng hóa/năm. Năng suất theo dự tính theo kế hoạch là: 87 triệu khách và 9 triệu tấn hàng vận chuyển/năm. Sân bay gồm 70 cửa, 63 hãng hàng không hoạt động và nhà ga có thể cùng lúc có năm máy bay Airbus A380.
Đây là nhà ga lớn thứ ba thế giới (570,000m²). Lúc đầu, Terminal 1 là nhà ga hành khách sân bay lớn nhất xây dựng, với tổng diện tích sàn tổng 550.000 m². Sau đó, phía Đông sân bay đã được mở rộng thêm 39.000 mở rộng để thêm SkyMart, một trung tâm mua sắm. Bên trong sân bay quốc tế Hồng Kông có một bến xe điện phục vụ khách đi lại từ nhà ga này sang nhà ga khác ở sân bay trong trường hợp đặc biệt. Ngoài ra ở phòng chờ chuyến bay, có một quầy bar phục vụ khách và mạng internet wireless phục vụ khách hàng có như cầu truy cập internet (có ở phòng chờ hạng thương gia). Ở nhà ga T1 và T2, có những quầy hàng lưu niệm phục vụ khách có nhu cầu mua các sản phẩm lưu niệm của Hồng Kông và một vài nơi khác ở Trung Quốc. Các cửa ra máy bay đều có nhân viên phục vụ rất chu đáo. Sân bay có phục vụ xe lăn, công cụ đặc biệt dành cho người khuyết tật.
Sân bay Incheon International Airport Hàn Quốc
Sân bay Quốc tế Incheon là sân bay ở quốc tế chính của thủ đô Seoul (Hàn Quốc) và là sân bay lớn nhất Hàn Quốc. Đây là một trong những cảng trung chuyển hàng không lớn nhất và nhộn nhịp nhất trên thế giới, là cửa ngõ quan trọng vào Đông Á và cả châu Á. Kể từ nằm 2005, Sân bay Incheon lọt vào danh sách những sân bay tốt nhất thế giới do Hội đồng cảng hàng không quốc tế (Airports Council International – ACI) đánh giá khảo sát và được đánh giá là 1 trong 3 sân bay 5 sao trên thế giới.
Tọa lạc khoảng 70 km (43 dặm) về hướng Tây của Seoul, thủ đô và là thành phố lớn nhất ở Hàn Quốc, Sân bay Incheon là trung tâm hoạt động chính của các hãng Korean Air, Asiana Airlines và Polar Air Cargo. Sân bay này bắt đầu hoạt động vào năm 2001.
Sân bay Incheon hiện tại có 1 sân golf, các dịch vụ spa, các phòng nghỉ cá nhân, khách sạn, sòng bạc, các khu vườn trong nhà ga, các khu mua sắm, giải trí, các khu ăn uống rộng lớn và 1 Bảo tàng văn hóa Hàn Quốc./.
Vừa qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thuộc Bộ giao thông vận tải đã tổ chức triển lãm và lấy ý kiến người dân về phương án kiến trúc nhà ga hành khách, sân bay Long Thành tại Hà Nội (ngày 28/11 đến 12/12), tại Đà Nẵng (16-25/12), tại Đồng Nai (28/12-11/1/2017) và TPHCM (13/1-23/1/2017) trên cơ sở 9 phương án thi tuyển đã được Hội đồng Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án kiến trúc Nhà ga hành khách – Cảng hàng không quốc tế Long Thành lựa chọn. Qua các nhận định trên một số báo chí và phương tiện thông tin, các phương án trưng bày đã nhận được ý kiến đông đảo của chuyên gia & người dân và khách tham quan. Trong số 9 phương án thiết kế, có 3 phương án có mái hình lá cọ, hoa sen, nội thất tre… được Hội đồng xét chọn và người dân tham dự triển lãm đánh giá cao. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa thống nhất lựa chọn 3 phương án LT03, LT04, LT07 được đa số bình chọn để trình Chính phủ quyết định. |
KTS. LÊ VIỆT SƠN, THS.KTS.PHẠM HOÀNG PHƯƠNG/TẠP CHÍ KTVN SỐ 204