Thị trường BĐS TP.HCM: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư châu Á
Trên đà hồi phục của thị trường bất động sản cả nước nói chung, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp địa ốc TP.HCM chào đón sự hợp tác của các công ty, quỹ đầu tư ngoại quốc.
Ồ ạt rót vốn, hợp tác đầu tư
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM đã có bước chuyển mình khá rõ rệt. Minh chứng cho điều này là ngày càng nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, trong đó chủ yếu đến từ Châu Á, ồ ạt xuống tiền hợp tác đầu tư với doanh nghiệp có tiềm lực.
Mới đây, Creed Group vừa hoàn tất ký kết hợp tác đầu tư số vốn 200 triệu USD vào Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển BĐS An Gia (An Gia Investment). Để đi đến quyết định đầu tư quy mô nói trên, ông Toshihiko Muneyoshi – Chủ tịch Creed Group cho biết, đây là thời điểm đầu tư thích hợp khi kinh tế Việt Nam đang có bước chuyển mình tích cực. Bên cạnh nhiều chính sách tạo sự thông thoáng cho thị trường BĐS, Chính phủ cũng đang hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào thị trườngViệt Nam. Riêng tại TP.HCM, đây là một trong những đô thị lớn nhất nước, dân số tập trung đông nhưng quỹ nhà ở đang rất hạn chế.
Thị trường địa ốc TP.HCM đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Đình Bảo – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) cho biết, Công ty đang lên kế hoạch tăng vốn, mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư để phát triển nhiều dự án nằm trong quỹ đất dồi dào mà Khang Điền đang sở hữu ở khu vực phía Đông thành phố. Theo ông Bảo, ngoài hai “ông lớn” là VinaCapital và Dragon Capital I, một số quỹ đầu tư cũng đã tham gia hợp tác vào Khang Điền như SAM, Mutual Fund Elite và Vietnam Holding.
Nằm trong kế hoạch chuyển hướng vào thị trường BĐS ở TP.HCM, có thể kể đến “mối lương duyên” của một số tập đoàn lớn của nước ngoài, như Global Emerging Market (GEM) của Mỹ với Công ty Cổ phần TV – TM – DV Địa ốc Hoàng Quân có giá trị 20 triệu USD dưới hình thức mua cổ phiếu trên sàn trong vòng 30 tháng. Hay hai tập đoàn Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad với Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long trong Dự án Flora Anh Đào (Quận 9).
Doanh nghiệp tiềm lực, dự án tốt dễ hút vốn ngoại
Theo đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế, trong số các kênh đầu tư khác như chứng khoán, USD, gửi tiết kiệm thì BĐS đang là điểm nóng thu hút vốn ngoại. Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thu hút vốn đầu tư ngoại trực tiếp (FDI), trong 7 tháng đầu năm nay lĩnh vực BĐS tiếp đà duy trì ở vị trí thứ hai, với 15 dự án đăng ký mới và 7 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm gần 1,7 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư.
Thực tế nhận thấy tại thị trường BĐS TP.HCM, khi quyết định xuống tiền, các công ty, quỹ đầu tư nước ngoài thường nhắm đến các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, làm ăn uy tín để hợp tác. Bên cạnh đó, vấn đề họ quan tâm đến là những dự án phân khúc giá từ trung đến cao cấp, nằm ở vị trí tốt, kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi như Quận 2, 9, Thủ Đức…
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, cách đây 5 năm, khi thị trường BĐS đang lâm vào hoàn cảnh bế tắc thì đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư khối ngoại quay trở lại tìm kiếm cơ hội. Qua nhiều vụ hợp tác cho thấy dòng tiền ngoại đổ vào thị trường BĐS chủ yếu đến từ các nhà đầu tư mới.
Về góc độ quản lý, Nhà nước đang có những hỗ trợ có hướng tích cực lên thị trường thông qua các chính sách mở của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi. Những dấu hiệu lạc quan trên thị trường BĐS nói chung đang thu hút người mua như nguồn cung dồi dào, thanh khoản tốt, giá cả đang ở mức hợp lý… thì việc hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài tham gia cũng làm cho thị trường có tính cạnh tranh cao và phát triển bền vững hơn.
Theo Infonet.vn