Thị trường bất động sản rúng động vì Thông tư 36?
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) đang phát triển tốt như hiện nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng thị trường phát triển nóng sẽ dẫn đến “bong bóng”.
Vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về tác động của dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đến thị trường BĐS. Ảnh: Mạnh Cường
Giới đầu tư BĐS hồi hộp
Thời gian gần đây, thông tin Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang dự thảo sửa đổi Thông tư 36 theo hướng siết chặt tín dụng, trong đó quy định các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, thay vì được 60% như hiện nay. Giới hạn đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng giảm rất mạnh, từ 200% xuống còn 80%. Tương tự, giới hạn đối với ngân hàng hợp tác xã giảm từ 60% xuống chỉ còn 40%. Dự thảo Thông tư cũng xếp “các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS” vào “nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250%” thay vì hệ số 150% như hiện nay. Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN đã khiến các doanh nghiệp BĐS lo lắng, phản ứng.
Theo văn bản kiến nghị mới nhất của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), không nên sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của NHNN trong thời điểm hiện nay. Vì như vậy sẽ gây khó cho thị trường, nhất là với thị trường vừa mới hồi phục. Lý do là các doanh nghiệp BĐS hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào hai nguồn vốn chính là vốn vay từ ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA khẳng định hiện nguồn vốn của thị trường BĐS được huy động từ khách hàng phần lớn lại có nguồn gốc từ tín dụng ngân hàng. Thị trường vốn nước ta vẫn đang thiếu các nguồn vốn khác như các quỹ đầu tư, quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán…
Ông Đoàn Chí Thanh, TGĐ Cty TNHH Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn tỏ ra lo lắng. Ông Thanh cho rằng dự thảo này của NHNN sẽ có tác động xấu đến thị trường và làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư.
Doanh nghiệp uy tín chẳng ngại
Theo đánh giá của CBRE – đơn vị nghiên cứu và tư vấn BĐS, hiện niềm tin vào thị trường được đẩy mạnh thông qua số dự án chào bán mới, cũng như lượng giao dịch tăng vọt trong năm 2015 ở tất cả các phân khúc. Đơn vị này cho biết, ngoài phân khúc trung và cao cấp, phân khúc bình dân cũng chiếm một phần lớn của nguồn cung do nó là lựa chọn số một cho hầu hết khách mua để ở.
Tuy nhiên, trước các thông tin cho rằng dự thảo sửa đổi Thông tư 36 sẽ gây khó khăn cho thị trường thì Cty BĐS Hưng Lộc Phát lại khẳng định không quá e ngại. Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Hưng Lộc Phát khẳng định, bản thân doanh nghiệp của ông không phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng nên khi có siết tín dụng hay không thì Hưng Lộc Phát cũng không bị ảnh hưởng.
Bằng chứng là dự án Hưng Lộc Phát 1 triển khai trong bối cảnh thị trường khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn xây dựng hoàn thành và giao nhà đúng tiến độ cho khách hàng. Dự án Hưng Phát 2 chủ đầu tư chỉ thu 20% số tiền căn hộ của khách hàng đến khi nhận nhà. Sắp tới, Cty Hưng Lộc Phát sẽ chính thức công bố dự án khu căn hộ cao cấp The Golden Star để kỷ niệm 15 năm thành lập. Mức giá được công bố lần này rất hấp dẫn chỉ từ 25,3 triệu đồng/m2 (rẻ hơn từ 2-3 triệu so với các dự án chung khu vực).
Ông Lực cho biết, cách làm của Cty là đi chậm mà chắc, không đầu tư dàn trải. Làm dự án nào cũng tập trung mọi khả năng về tài chính, con người để chăm chút cho dự án đó nhằm gây dựng niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm của công.
Cùng sự việc này nhưng ông Ngô Quang Phúc, Phó TGĐ Him Lam Land lại có cái nhìn khác. Theo ông Phúc, sẽ chưa thể khẳng định chuyện dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN tác động tốt hay xấu đến thị trường, vì quan trọng là uy tín của chủ đầu tư.
“Chúng ta phải khẳng định với nhau là sẽ có tác động về mặt tâm lý đối với thị trường, qua đây chắc chắn sẽ có sự “thanh lọc”, các chủ đầu tư đã có thương hiệu và sản phẩm tốt sẽ không lo lắng, và quan trọng nữa là người dân sẽ được tiếp cận với các sản phẩm tốt hơn, giảm rủi ro đối với dự án xấu”, ông Phúc chia sẻ.
Mạnh Cường/Báo Xây dựng