Thị trường bất động sản cho thuê tại Hà Nội và TPHCM hiện diễn biến ra sao?
Sau 2 năm, thị trường bất động sản cho thuê trầm lắng do nhu cầu sụt giảm mạnh bởi ảnh hưởng dịch Covid-19. Bước sang những tháng đầu năm nay, phân khúc này đang dần hồi phục, đặc biệt loại hình nhà trọ, phòng trọ nhu cầu tìm kiếm tăng đột biến.
Diễn biến của dịch Covid-19 có những tác động rất rõ đến nhu cầu tìm kiếm, mức độ quan tâm bất động sản, đặc biệt là bất động sản cho thuê.
Suốt 2 năm qua, những đợt dịch bệnh “leo thang” cũng là lúc thị trường cho thuê trầm lắng do nhu cầu sụt giảm mạnh: Công nhân, lao động rời bỏ các thành phố lớn về quê để tránh dịch, sinh viên về quê học online, mặt bằng cho thuê đóng cửa vì lệnh giãn cách, vắng khách… Hàng loạt dãy phòng trọ cho thuê, căn hộ, mặt bằng ế ẩm trong một thời gian dài.
Loại hình nhà trọ, phòng trọ tăng đột biến ở cả Hà Nội và TPHCM
Tuy nhiên từ sau Tết âm lịch, các hoạt động kinh doanh dần trở lại, nhu cầu tìm kiếm bất động sản cho thuê tại Hà Nội và TPHCM tăng đột biến, đặc biệt là nhà trọ, phòng trọ phục vụ nhóm lao động ngoại tỉnh dần tăng trở lại.
Cụ thể, tại Hà Nội, loại hình nhà trọ, phòng trọ cho thuê tăng đột biến 237%. Lượng tìm kiếm nhà riêng cho thuê cũng tăng 77%, căn hộ cho thuê tăng 73%. Đáng chú ý, mức độ quan tâm văn phòng cho thuê cũng tăng 17%, trong khi trước đó gần như đi ngang. Hai loại hình bất động sản cho thuê có mức độ quan tâm tăng không đáng kể là cửa hàng, kiot và nhà mặt phố cho thuê.
Đáng chú ý, lượng tin đăng cho thuê ki ốt, nhà mặt phố lại tăng khá mạnh, dù lượng tìm kiếm tăng không nhiều. Cụ thể, lượng tin rao cho thuê cửa hàng, ki ốt tăng 46%, tin rao cho thuê nhà mặt phố tăng 62% so với tháng 1/2022. Điều này cho thấy các chủ mặt bằng cho thuê đã nhanh nhạy khi nhìn thấy xu hướng người lao động quay trở lại các thành phố lớn tìm việc, chuẩn bị sẵn mặt bằng và chào thuê để kịp đón khách.
Còn tại TPHCM, lượng tìm kiếm nhà trọ, phòng trọ cho thuê trong tháng 2 tăng 142%, nhà riêng cho thuê tăng 80%, căn hộ cho thuê tăng 53% so với tháng 1. Riêng phân khúc văn phòng cho thuê, nhu cầu tìm kiếm tại TPHCM cao hơn hẳn Hà Nội, với 32%.
Giá chào thuê văn phòng tại TPHCM hiện vẫn giữ ở mức ổn định đối với các văn phòng hạng A nhưng có điều chỉnh tăng nhẹ với những tòa nhà hạng B chào thuê tại trung tâm.
Với loại hình căn hộ cho thuê, nguồn cung cho thuê có xu hướng giảm nhẹ 2% so với tháng trước nhưng nhu cầu tìm thuê sản phẩm này lại tăng đột biến lên đến 53%.
Nhóm căn hộ được tìm kiếm thuê nhiều rơi vào các dự án trung cấp, bình dân với tầm giá thuê vào khoảng 5-12 triệu đồng/tháng và tập trung ở các khu vực vùng ven TPHCM như quận 9, Thủ Đức (cũ), quận Gò Vấp, Tân Phú và Nhà Bè, Bình Chánh.
Còn giá thuê nhà phố, trung tâm thương mại vẫn ở mức thấp nhưng bắt đầu nhích lên. Các mặt bằng có giá thuê tầm 30-80 triệu đồng/tháng khá đắt khách.
Sức nóng mạnh nhất thị trường cho thuê tháng 2 vừa qua rơi vào loại hình cho thuê nhà trọ, giá thuê dao động từ 1,5-3 triệu đồng/tháng được tìm kiếm nhiều. Tuy nhiên nguồn cung khá hạn chế khi lượng tin rao cho thuê nhà trọ trên địa bàn TPHCM chỉ tăng nhẹ so với tháng trước và ít biến động so với cùng kỳ.
Khác với căn hộ mỗi năm nguồn cung mới dồi dào hơn, các khu nhà trọ trong nội thành có nguồn cung cho thuê có hạn, số lượng không nhiều nên việc tìm thuê không dễ dàng. Các tháng vừa qua, phần nhiều nhu cầu thuê tập trung ra các quận, huyện vùng ven TPHCM do khó tìm kiếm nhà trọ nội thành cũng như mong muốn có được mức giá thuê thấp hơn.
Dự báo bất động sản cho thuê phục hồi vào nửa cuối năm nay
Đánh giá về phân khúc bất động sản cho thuê trong thời gian tới, chuyên gia của Batdongsan.com.vn cho rằng thị trường bán lẻ TPHCM khởi sắc sẽ thúc đẩy giá thuê mặt bằng phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Đây hầu hết là những dự án có kế hoạch khai trương từ năm 2021 nhưng bị trì hoãn do dịch bệnh đang điều chỉnh kế hoạch khởi động trong năm 2022.
Việt Nam đã mở cửa trở lại sau 15/3 kéo nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh, kinh tế trở lại bình thường. Lượng lao động quay trở lại sẽ giúp thị trường cho thuê tăng trưởng mạnh trong các tháng tới.
Để cải thiện tình hình cho thuê và tỷ lệ lấp đầy trong tương lai, bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc Cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội đã đưa ra các giải pháp dành cho nhà phát triển bất động sản để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách thuê và giải quyết bài toán về mặt bằng.
Thứ nhất, các đơn vị cho thuê bán lẻ nên cân nhắc điều chỉnh lại phương án giá thuê và thời hạn thanh toán tiền thuê trong thời gian Covid. Ví dụ, các hộ kinh doanh có thể được phép thanh toán hàng tháng, thay vì đóng gộp 3 tháng như trước. Để giảm áp lực tài chính cho các nhãn hàng trong giai đoạn phục hồi hoạt động kinh doanh, giá thuê có thể giảm 20-30% và sẽ được thanh toán bù vào các năm sau của hợp đồng.
Thứ hai, hoạt động truyền thông marketing cũng cần được các nhà phát triển chủ động xem xét và thực hiện để tăng nhận diện cũng như kéo nhiều nhãn hàng bán lẻ về thuê để đảm bảo tỷ lệ lấp đầy tốt và ổn định. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, rất nhiều hộ kinh doanh, tuy bày tỏ nguyện vọng và thiện chí, vẫn đang có thái độ dè dặt trong việc đi thuê cửa hàng trực tiếp. Vì vậy, bản thân các đơn vị cho thuê cần tạo ra những chương trình marketing nhấn mạnh về ưu đãi, tiện ích và chính sách hỗ trợ để thu hút không chỉ khách thuê mà cả người mua sắm đến với dự án trong khoảng thời gian hồi phục hiện nay.
Thứ ba, diễn biến dịch bệnh khó dự đoán cũng yêu cầu nhà phát triển bất động sản phải luôn chuẩn bị phương án dự phòng để sẵn sàng thích nghi. Một phương án tiềm năng mà đơn vị cho thuê có thể cân nhắc là việc phân bổ hoặc tái cơ cấu mặt bằng.
Nền kinh tế Việt Nam dự đoán sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 và ngành bán lẻ, nhất là bán lẻ trực tuyến, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, thị trường bán lẻ vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ đến từ các chủ đầu tư cũng như kế hoạch tiêm liều bổ sung để sớm thích nghi với bình thường mới. Những hoạt động kinh doanh nào bị ảnh hưởng nặng nề trong năm qua thì nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh trong năm nay, đặc biệt là bất động sản cho thuê, bất động sản du lịch, dịch vụ khi Chính phủ đẩy mạnh mở cửa các hoạt động kinh tế và du lịch quốc tế được nối lại.
Phong Linh/Doanh nghiệp và Tiếp thị