22/03/2016

Thép tăng giá do áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Ngay sau khi Bộ Công thương ra quyết định áp thuế phòng vệ thương mại tạm thời cho mặt hàng thép nhập khẩu (mức 23,3% với phôi thép và 14,2% cho thép dài), giá thép trên thị trường đã tăng từ 5-10%. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do tâm lý sợ giá tăng nên các đại lý, nhà thầu xây dựng đầu cơ tích trữ.


Ảnh minh họa.

Tại Hà Nội, bà Lương Minh Huệ, chủ đại lý kinh doanh thép trên phố La Thành cho biết, những ngày qua, cửa hàng liên tục nhận được thông tin giá thép tăng vọt từ các nhà máy. Đầu tháng 3, giá thép cuộn khoảng 11 triệu đồng/ tấn nhưng đến ngày 17/3 đã tăng lên khoảng 11,4 triệu đồng/ tấn. Một số đại lý phân phối thép khác cũng cho biết, trong những ngày qua, giá thép tăng liên tục và ngày nào họ cũng phải điều chỉnh giá bán để gửi đến các khách hàng.

Về phía đơn vị sản xuất, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thép Việt cho biết, chỉ một ngày sau khi quyết định của Bộ Công thương ban hành, các xe tải đã nối đuôi nhau xếp hàng trước cửa nhà máy của Pomina dưới Bà Rịa – Vũng Tàu để mua thép. Dù Cty đã nỗ lực giao hàng cho các tài xế chở hàng nhưng số phiếu xuất hàng rất nhiều, lại tập trung đông hơn mức bình thường nên vẫn còn xe chờ bên ngoài.

Lý giải tình trạng các đại lý, nhà phân phối điều nhà xe đến lấy thép nhiều hơn một cách bất thường, ông Thái cho biết, có rất ít DN thép tự sản xuất được phôi thép nên phải nhập khẩu. Khi Việt Nam áp thuế tự vệ trên 23% với phôi thép sẽ khiến các DN này ngưng sản xuất và giới kinh doanh suy đoán giá sau ngày 21/3 sẽ cao hơn so với thời điểm hiện nay nên đổ xô đi mua.

Ông Thái cũng cho biết, hiện giá sản phẩm tại nhà máy của công ty đã tăng 5% (thấp hơn mức tăng hiện nay của nhiều nhà máy khác) so với trước khi có quy định của Bộ Công thương.

Bên cạnh đó, giá thép tăng lên còn có nguyên nhân là do ra tết, các công trình xây dựng bắt đầu vào mùa, giá các loại nguyên VLXD đều có xu hướng tăng.

Liên quan đến việc áp thuế phòng vệ thương mại, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định: Thuế tự vệ là cách làm đã được áp dụng từ lâu trên thế giới để bảo vệ nền sản xuất trong nước tại các quốc gia. Việc Việt Nam áp dụng chính sách này là hoàn toàn đúng đắn, đảm bảo cho việc ngành thép phát triển một cách đồng bộ và thật sự vững mạnh.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, nếu như năm năm 2014 lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam là xấp xỉ 600 nghìn tấn thì đến năm 2015, con số này tăng lên mức 1,88 triệu tấn, tăng tới 218%. Đối với thép dài, con số tăng trưởng hàng nhập khẩu cũng liên tục tăng cao, năm 2015, lượng thép dài nhập khẩu lên tới 1,28 triệu tấn.

Chính vì thế, “nếu không có biện pháp phòng vệ thì nhiều DN trong nước sẽ có nguy cơ phá sản. Tuy rằng,việc áp dụng thuế bổ sung sẽ gây ra nhiều ý kiến trái chiều giữa các DN nhập khẩu và sản xuất nhưng xét trên lợi ích lâu dài cho toàn ngành thì đây là biện pháp đúng đắn nhất. Với mức thuế này sẽ giúp hạn chế phần nào lượng hàng nhập khẩu từ các nước, gỡ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước”, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định.

Thực tế cho thấy, thép nhập khẩu tràn ngập với giá rẻ đang là mối đe dọa lớn với các doanh nghiệp nội địa. Bởi vậy, năm 2016, cùng với đẩy mạnh sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, mối lo lớn của các doanh nghiệp nội là làm sao chống chọi với hàng nhập khẩu. Theo nhận định của VSA, quy mô ngành thép của Trung Quốc quá lớn nên buộc phải tiêu thụ bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu và hiện tượng này không chỉ gây khó khăn cho Việt Nam mà cho cả EU…

Căn cứ vào tình hình cung cầu thép thế giới, VSA cho rằng, giá thép xây dựng trong năm 2016 sẽ khó có khả năng tăng cao do cung đang quá dư so với cầu và quốc gia có sản lượng thép lớn như Trung Quốc vẫn đang thực hiện các chính sách đẩy mạnh xuất khẩu. VSA cũng đề nghị doanh nghiệp thép trong nước liên kết chặt chẽ để gia tăng tính cạnh tranh, bảo vệ sản xuất trong nước trước sự xâm lấn của hàng nhập khẩu.

Ngày 7/3/2016, Bộ Công Thương ra Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài. Mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam với các mã HS cụ thể.

Vân Anh/Báo Xây dựng