30/08/2016

Tháo gỡ những vướng mắc cần bắt đầu từ thay đổi tư duy quản lý đô thị

Chiều 26/8/2016, tại TP.HCM, đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các: Cục, Vụ, Viện và Thanh tra đã làm việc với Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM và Sở Xây dựng TPHCM về hướng dẫn giải quyết các vướng mắc về quy hoạch và xây dựng trên địa bàn TPHCM. Rất đáng tiếc là cuộc họp không có mặt đại diện lãnh đạo Thành phố, mặc dù trước đó Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND Thành phố mời dự họp.


Sau thời gian thực hiện Luật Xây dựng điều chỉnh 2014, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và các văn pháp luật có liên quan, Sở QH-KT và Sở Xây dựng đã báo cáo những vướng mắc, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã trả lời và chỉ đạo các Cục, Vụ, Viện cùng dự họp, giải thích, hướng dẫn từng vấn đề mà hai Sở đề nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho rằng: Những vướng mắc không phải lúc nào cũng tháo gỡ từ cơ chế mà phải biết thay đổi từ chính mình trong tư duy khoa học về quản lý đô thị và lề lối làm việc. TP. HCM là một đô thị đặc biệt, quản lý về trật tự đô thị thông qua quy hoạch xây dựng luôn đặt ra những bức thiết cần phải giải quyết đối với chính quyền thành phố phải đáp ứng yêu cầu luôn có sự biến động trước nhu cầu của xã hội.

Từ khi Thông tư 06 hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị được ban hành tnăm 2013 đến nay, nhiều đồ án quy hoạch xây dựng vẫn chỉ dừng lại ở bản vẽ mặt bằng, thiếu ý tưởng về không gian và yếu kém về nghiên cứu không gian kiến trúc. Thiết kế đô thị là công cụ hữu hiệu mà các nước phát triển sử dụng trong quản lý trật tự đô thị. Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố cần tập trung làm tốt, trước mắt ở một số ít đồ án thiết kế đô thị mẫu, từ đó mới triển khai nhân rộng.

Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên đối mặt với triều cường và úng ngập cục bộ nhiều vị trí, thành phố phải chi nhiều khoản kinh phí để đo đạc bản đồ nền nhưng các đơn vị tư vấn, các kỹ sư chưa cập nhập công nghệ mới, kết quả là vừa chậm vừa thiếu chính xác dẫn đến việc khó có thể kiểm soát được các cốt nền cao độ xây dựng trong thành phố; các quy hoạch xây dựng chưa tính toán cụ thể đến việc xử lý hạ tầng thoát nước, một phần có tác động lớn là từ bản đồ đánh giá hiện trạng cốt nền đô thị; không ít nơi đường mới làm hoặc sau khi sửa chữa nâng cấp cao hơn nền nhà dân hiện trạng, gây khó khăn và xáo trộn trong sinh hoạt.

Việc công khai quy hoạch đã được Luật quy định, nhưng người dân vẫn còn rất khó khăn khi muốn tiếp cận thông tin quy hoạch xây dựng, đặc biệt là các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Để khắc phục điều này đề nghị TP.HCM công khai thông tin quy hoạch không chỉ trên website của Sở QHKT và phải kết nối với các phương tiện truyền thông; những bản vẽ cung cấp không đầy đủ thông tin phải thay đổi, chỉnh sửa sớm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cải cách hành chính, Sở Xây dựng TP. HCM cần tham mưu cho Thành phố sớm thực hiện công tác cấp phép xây dựng bằng điện tử, tiến tới người dân không phải gặp công chức để xin cấp giấy phép xây dựng. Mô hình trung tâm hành chính công ở tỉnh Quảng Ninh cần thiết được tham khảo, giảm thiểu bức xúc của doanh nghiệp và nhân dân khi tiếp xúc làm các thủ tục hành chính.

Về việc Bảo tồn dánh giá giá trị biệt thự cổ: các Sở ngành còn lúng túng dẫn đến việc trong thời gian qua có một số biệt thự có giá trị bị phá bỏ để dư luận lên tiếng. Biệt thự, nhà cổ, không chỉ mang giá trị kiến trúc mà nó còn mang giá trị về văn hóa lịch sử trong đó bao gồm: tính niên đại, tính tiêu biểu hay mang tính duy nhất,… vì thế cần phải xem xét lại trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Cần thiết phải mời chuyên gia cùng các cơ quan quản lý kiểm tra, đánh giá lại quỹ di sản các công trình kiến trúc cổ, cũ trên địa bàn thành phố.

Mai Thanh