13/06/2017

Thành phố thông minh: Thành phố được số hóa và công nghệ hóa

Dân số thế giới dự kiến năm 2040 là 9 tỷ người, trong đó hơn 6 tỷ người sẽ sống tại các đô thị. Năm 2017, dân số thế giới đã lên tới con số hơn 7 tỷ người, bạn có thể hình dung vào năm 2040, dân số sống trong các đô thị gần với mức dân số hiện nay trên Trái đất. Mốc thời gian từ nay đến năm 2040 cũng không phải là nhiều, chúng ta chỉ còn khoảng 20 năm để xây dựng và chuẩn bị cho những đòi hỏi to lớn phải đáp ứng của thế giới tương lai.

Điều quan trọng làm nên thành phố thông minh chính là khả năng kết nối của vạn vật (IOT) thông qua công nghệ thông tin. Với tổng mức các sensor cảm biến dự kiến năm 2020 là 50 tỷ thiết bị, nhiều hơn rất nhiều dân số toàn cầu, thế giới số sẽ dần chiếm lĩnh và có tiếng nói quan trọng trong phát triển và quản lý thế giới thực. Giải pháp số hóa – liên kết và phát triển ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin chính là nền tảng của một thành phố tương lai – thành phố thông minh.


Các vấn đề của thành phố thông minh sẽ được giải quyết bằng công nghệ.

Thành phố thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các nhà nước quan tâm vào cuộc và biến thành các hành động, chuẩn bị cho sự phát triển này. Ngày 24/11/2014, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có bài phát biểu nổi tiếng, với quyết tâm đưa đất nước Singapore thành quốc gia thông minh (smart nation). Đất nước phát triển như Mỹ hay các nước châu Âu cũng đều đã có các định hướng tương tự cho các thành phố thông minh, quốc gia thông minh, nơi mà các ưu tiên sẽ tập trung nghiên cứu các giải pháp phục vụ cư dân đô thị bằng sự phát triển và kết nối công nghệ.

Thành phố thông minh dường như là một khái niệm rộng lớn và cũng chưa có một định nghĩa đầy đủ, nhưng về cơ bản đều đề cập tới việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông kết nối các cảm biến, mạng internet, xử lý dữ liệu lớn để phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống tại đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhìn chung, để đánh giá thành phố thông minh sẽ phải dựa trên mức độ thông minh của cơ sở hạ tầng tác động lên các lĩnh vực giao thông, y tế, xây dựng, năng lượng, quản trị… Mỗi quốc gia hoặc thành phố cần thiết xây dựng một chiến lược và các tiêu chí mà thông qua đó chính quyền sẵn sàng hỗ trợ và các doanh nghiệp có lợi ích để phát triển.


Thành phố thông minh cần có giải pháp tổng thể xuyên suốt.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, sự chuyển dịch đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng. Nhiều thành phố trên cả nước như TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Lào Cai… đang tìm giải pháp công nghệ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, doanh nghiệp và hỗ trợ giúp đỡ người dân. Các giải pháp công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin chính là các yếu tố quan trọng trong việc hình thành và cải biến đô thị bình thường trở thành thành phố thông minh.

Về phía doanh nghiệp, nhiều công ty lớn từ nước ngoài đã đến Việt Nam nghiên cứu và giới thiệu các giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh như Cisco, IBM. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Mobiphone, Viettel cũng đang cố gắng triển khai hệ thống cổng công nghệ thông tin và nền tảng phục vụ cho việc ứng dụng phát triển thành phố thông minh. Nhiều các giải pháp công nghệ của các công ty startup cũng đang cố gắng triển khai và ứng dụng, như giải pháp Tpizi.com số hoá toàn bộ dự án đô thị, phục vụ cho kinh doanh bất động sản, quản lý doanh nghiệp và quản lý nhà nước, cung cấp thông tin quy hoạch đến người dân; giải pháp đỗ xe Iparking sử dụng điện thoại di động để tìm điểm đỗ xe và trả tiền qua cổng thanh toán trực tuyến…

Người dân có lẽ là người được hưởng lợi nhiều khi các giải pháp công nghệ được triển khai trên nền tảng kỹ thuật số, có thể liệt kê một số dịch vụ trực tuyến mà ngày nay cư dân có thể tiếp cận các dịch vụ một cách nhanh chóng và thuận tiện, và nhiều trong số đó là các giải pháp miễn phí nhưng rất hữu ích như:

+ Bản đồ kỹ thuật số của google map là một trong những thành tựu của thế giới, nó không chỉ cung cấp trực tuyến thông tin địa lý của một đối tượng mà còn cung cấp giải pháp tìm đường và báo kết quả thời gian mà người dân có thể đi từ một vị trí này đến một vị trí khác.

+ Giải pháp xe taxi Uber hoặc Grab: dịch vụ taxi chỉ trong vài năm qua đã vượt mặt về quy mô so với taxi truyền thống.

+ Các giải pháp họp trực tuyến thông qua các nền tảng số khác nhau giúp các công ty tiết kiệm nhiều kinh phí, không phải đi lại giữa các thành phố hoặc các quốc gia.

+ Các giải pháp gửi tin nhắn nhận và gọi trên nền tảng kỹ thuật số như Zalo, Viber, Facebook… giúp người gọi liên lạc với nhau hoàn toàn miễn phí.

+ Giải pháp giáo dục online đang nở rộ giúp người học dễ dàng cập nhập thêm kiến thức từ các chuyên gia trên mạng.

+ Các giải pháp về thương mại dịch vụ trực tuyến: nơi người bán và người mua hoàn toàn có thể giao dịch nhanh chóng cùng với sự hỗ trợ của các dịch vụ chuyển đồ nhanh chóng.

+ Giải pháp số hóa và quản lý đô thị thông minh tpizi.com, giúp nhà nước quản lý quy hoạch và cấp phát quy hoạch trên nền tảng bản đồ số, người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin quy hoạch nhanh chóng và chính xác, doanh nghiệp bất động sản hoàn toàn có thể bán các bất động sản trên nền tảng bản đồ số này….


Số hóa bản vẽ thiết kế đưa lên trên nền tảng Internet để quản lý.

Công nghệ phát triển phục vụ con người, các giải pháp công nghệ giúp cho cuộc sống của cư dân đô thị tốt hơn, nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn. Tuy nhiên vấn đề vẫn cần giải pháp tổng thể xuyên suốt trên nền tảng kỹ thuật số, trong đó vừa có bàn tay quản lý của nhà nước, vừa đảm bảo nền kinh tế thị trường mà ở đây là nền kinh tế thị trường kỹ thuật số.

Có thể thấy trong thời gian vừa qua, nền kinh tế số đã có sự phát triển nhanh chóng, phổ cập và quản lý nhà nước tại các quốc gia trong đó có Việt Nam đang trong tình trạng đuổi theo sau như việc tranh luận và thu thuế của các hãng taxi công nghệ, các cá thể kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook… Khuyến khích phát triển nền tảng công nghệ, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vừa phù hợp với thành phố thông minh và vừa mang lại lợi ích nhà nước- người dân chắc chắn trong thời gian tới sẽ được các cấp các ngành tham mưu, đưa ra chính sách phù hợp.

Tác giả bài viết mong muốn nhà nước có một chiến lược chung, tuyên bố chung trong việc phát triển thành phố thông minh, đưa ra các tiêu chí của thành phố thông minh, các lộ trình phát triển, các mốc thời gian và nguồn lực thực hiện. Hơn nữa, các giải pháp để phát triển thành phố thông minh dựa trên nền tảng kỹ thuật số do doanh nghiệp công nghệ phát triển, do vậy, cũng nên có một cơ chế khuyến khích để các doanh nghiệp chuyển dịch mạnh sang lĩnh vực này.

Thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn- Đồng sáng lập Tpizi.com