Bảo tàng tương tác thông minh sẽ được xây dựng và thực hiện thí điểm tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.
Tham quan, tìm hiểu hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. (Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN)
Công trình sẽ đem lại nhiều tiện ích hiện đại cho người sử dụng thông qua các thiết bị di động cá nhân như xem, nghe các thông tin về bảo tàng, hiện vật, tài liệu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau; bên cạnh đó, còn cho phép người tham quan tương tác với các hiện vật, tài liệu thông qua mô hình bảo tàng ảo 3 chiều.
Nội dung này được báo cáo tại buổi làm việc của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với các đơn vị liên quan về kế hoạch thực hiện Bảo tàng tương tác thông minh, chiều 17/8.
Theo Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ Trẻ (Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị thiết kế kỹ thuật công trình này, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ triển khai 4 nội dung gồm: Ứng dụng tra cứu thông tin hiện vật trên di dộng; xem hiện vật trên thiết bị di dộng với công nghệ thực tại ảo tăng cường; triển lãm hiện vật tại tủ trưng bày Hologram, trưng bày hiện vật bằng hình ảnh 3D; tra cứu thông tin tại các bảng tương tác với các chức năng truy cập bản đồ bảo tàng, thư viện hiện vật, thuyết minh bằng âm thanh với nhiều ngôn ngữ.
Giai đoạn 1 của công trình này tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ sẽ được triển khai thí điểm tại tầng 2 của Bảo tàng với chuyên đề “Phụ nữ miền Nam qua hai cuộc kháng chiến.”
Bốn nội dung: Ứng dụng “Bản đồ tham quan”; ứng dụng tra cứu thông tin tại Khu truyền thống Cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định; hệ thống hiển thị, tương tác tại trạm giới thiệu về lịch sử tầng hầm địa đạo; trải nghiệm không gian thực tế ảo mô phỏng hầm địa đạo sẽ được triển khai thí điểm tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố đồng ý chủ trương, phương án thực hiện dự án Bảo tàng tương tác thông minh tại 2 địa điểm trên và trên cơ sở đó sẽ rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện tại nhiều địa điểm khác.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao các sở, ngành liên quan hướng dẫn các đơn vị thực hiện các thủ tục cần thiết trong triển khai thực hiện dự án này; đặc biệt, trong quá tình thực hiện dự án phải đảm bảo mọi hoạt động đúng theo quy định chung, không làm ảnh hưởng đến hoạt động đặc trưng, truyền thống của mỗi đơn vị.
Theo các đơn vị triển khai thực hiện công trình, đây là một nội dung quan trọng trong công tác hiện đại hóa hệ thống quản lý, trình diễn các hiện vật, tài liệu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các bảo tàng dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
Việc nâng cao chất lượng hoạt động của các bảo tàng trên địa bàn thành phố không chỉ nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử tốt hơn mà còn phát huy được tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, qua đó nâng cao chất lượng du lịch xứng tầm với quy mô phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Thu Hoài (TTXVN/Vietnam+)