08/07/2020

Thành phố Hồ Chí Minh: Từng bước lập lại trật tự xây dựng

Trước tình trạng xây dựng không phép tại các địa bàn vùng ven diễn ra phức tạp trong một thời gian dài, ngày 25-7-2019, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. Với những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, thành phố đã từng bước lập lại trật tự xây dựng, đưa công tác này dần đi vào nền nếp.

Lực lượng chức năng cưỡng chế phá dỡ một công trình xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Bình Chánh. Ảnh: Minh Kiệt

Lực lượng chức năng cưỡng chế phá dỡ một công trình xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Bình Chánh. Ảnh: Minh Kiệt

Cách làm kiên quyết, kết quả khả quan

Theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến 2019, toàn thành phố có khoảng 15.000 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, nhất là vào nửa đầu năm 2019, mỗi ngày có trung bình 8,5 vụ vi phạm. Quyết tâm chấn chỉnh tình trạng này, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU, trong đó đề cao vai trò cá nhân đảng viên, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị 3 cấp, chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép trong năm 2020.

Sau gần một năm quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, huyện Hóc Môn đã xử lý 533 công trình tồn đọng từ năm 2016 đến năm 2019, đạt 90,65%. Quận Thủ Đức cũng xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ nhiều năm tại các phường có tình hình phức tạp như Linh Trung, Hiệp Bình Chánh… với số lượng cao gấp 2 lần so với thời gian trước đó. Đặc biệt, tại huyện Bình Chánh, có 403 trường hợp vi phạm được kiểm tra, phát hiện, xử lý ngay từ đầu; 17 công trình vi phạm lớn được tiến hành tháo dỡ… “Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2020, số vụ vi phạm trật tự xây dựng tại thành phố đã giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin.

Nói về những giải pháp kiên quyết của thành phố đã thực hiện thời gian qua để lập lại trật tự xây dựng, ông Võ Văn Hoan cho biết, trước hết, mỗi đảng viên cam kết với tổ chức Đảng nơi sinh hoạt không vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch và xây dựng. Cùng với đó, bí thư, chủ tịch UBND quận, huyện và các phường, xã, thị trấn cam kết với cấp ủy cấp trên trực tiếp về việc lập lại trật tự xây dựng. Những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ được bố trí công tác khác. Phường, xã, thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức Đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh…

Tiếp tục giữ vững trật tự xây dựng

Trao đổi về những kết quả lập lại trật tự xây dựng của thành phố, ông Dương Trí Thành, 71 tuổi, ngụ tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) nhận xét: “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của thành phố khi nhiều công trình vi phạm lớn đã bị phá dỡ. Chủ công trình vi phạm chống đối còn bị đề nghị xem xét xử lý hình sự; nhiều cán bộ cơ sở sai phạm bị kỷ luật. Tôi tin rằng với cách làm quyết liệt này, thành phố sẽ duy trì được trật tự xây dựng một cách bền vững”.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TU, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thông qua chủ trương cho chủ tịch UBND huyện được tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, nếu có vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, mà không cần chờ Ban Thường vụ Quận ủy thông qua.

Còn theo Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng, huyện đang luân chuyển, hoán đổi một số lãnh đạo, cán bộ ở xã và các phòng ban để giảm thiểu tiêu cực về xây dựng trong quản lý địa bàn. Cùng với đó là tăng cường vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong việc giám sát, phát hiện, theo dõi kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Còn quận Thủ Đức tiếp tục yêu cầu bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND 12 phường ký cam kết với bí thư quận ủy, chủ tịch UBND quận và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, đất đai mà không xử lý kịp thời.

Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình thông tin, Sở đã ban hành quy trình 5 bước, hướng dẫn người dân xây nhà đúng quy định. Thành phố cũng sẽ sắp xếp lại bộ máy thanh tra xây dựng và đội quản lý trật tự xây dựng 24 quận, huyện để quản lý địa bàn tốt hơn; ban hành quy trình phối hợp kiểm tra giữa các bên, xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: “Để tiếp tục giữ vững và đưa công tác quản lý trật tự xây dựng đi vào nền nếp, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23-CT/TU và các chỉ đạo của UBND thành phố. Đồng thời phát huy sức mạnh của toàn dân để ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ đầu”.

An Tôn/Hà Nội mới