Thành phố Hồ Chí Minh: Coi trọng quy hoạch không gian ngầm
Dân số thành phố Hồ Chí Minh tăng nhanh, nên không gian trên mặt đất ngày càng chật chội. Do đó, thành phố Hồ Chí Minh đang coi quy hoạch không gian ngầm là nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển đô thị. Trước mắt, thành phố sẽ tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng đô thị ngầm khu trung tâm thành phố rộng 930ha và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Còn nhiều vướng mắc
Dân số thành phố Hồ Chí Minh là gần 9 triệu người, nhưng thực tế có khoảng 13 triệu người thường xuyên lưu trú tại đây, trong khi diện tích chỉ có 2.095km2. Vì vậy, những công trình ngầm như hầm sông Sài Gòn, hầm các cao ốc và hầm đường sắt đô thị dài hơn 2,3km là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, chưa kể những bất cập đang tồn tại trong phát triển không gian ngầm.
Hiện, thành phố Hồ Chí Minh chưa có một quy hoạch tổng thể để phát triển không gian ngầm khiến nhiều dự án bị ảnh hưởng. Điển hình như việc từ năm 2005, thành phố đã định hướng quy hoạch 8 địa điểm để thu hút đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm kết hợp với các trung tâm thương mại, dịch vụ. Năm 2010, thành phố “khoanh vùng” 4 địa điểm ở khu vực trung tâm để tiếp tục làm dự án, gồm: Công viên Lê Văn Tám, Sân khấu Trống Đồng, sân bóng đá thuộc Công viên Tao Đàn và Sân vận động Hoa Lư. Tuy nhiên, đến nay, chưa có bất kỳ dự án nào được triển khai.
Riêng dự án bãi đỗ xe ngầm khu vực Sân khấu Trống Đồng (cạnh Công viên Tao Đàn, quận 1), được UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương thuê đất để thực hiện dự án trong 50 năm (tính từ năm 2015). Dự án có diện tích hơn 5.300m2, vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, gồm 7 tầng hầm và 3 tầng nổi, có sức chứa hơn 700 ô tô và 400 xe máy. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa thể triển khai do UBND thành phố yêu cầu nhà đầu tư phải thay đổi một phần thiết kế do công trình nằm trong vùng ảnh hưởng của tuyến đường sắt đô thị (metro) ngầm số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh, do thiếu quy hoạch chung nên việc triển khai các dự án, kết nối các không gian ngầm gặp nhiều khó khăn, khi công trình ngầm hiện do nhiều cơ quan khác nhau quản lý. Ngành Giao thông – Vận tải có thể quy hoạch công trình giao thông ngầm, nhưng nếu công trình ấy có yếu tố thương mại thì cần sự vào cuộc của ngành Công Thương. Ngoài ra, nếu các công trình xây dựng có tầng ngầm muốn kết nối với các công trình ngầm nêu trên thì cần có sự vào cuộc của ngành Xây dựng.
Lồng ghép vào đề án Điều chỉnh quy hoạch chung
Nhiều chuyên gia cho rằng, xây dựng quy hoạch không gian ngầm là “bài toán” khó về năng lực quy hoạch, chi phí đầu tư… Vì vậy, trước mắt việc quy hoạch nên bám dọc theo các tuyến metro và khu vực nhà ga ngầm. Theo ông Takahashi, đại diện vùng Đông Nam Á của Tập đoàn Nikken Sekkei Civil (tư vấn gói thầu 1A, 1B của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên), quy hoạch không gian ngầm cần căn cứ trước hết vào quy hoạch các tuyến metro và hệ thống đường giao thông trên mặt đất đã được phê duyệt.
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã thông tin, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý cho triển khai quy hoạch với nhà ga Bến Thành (đầu mối giao thông 4 tuyến metro của thành phố). Theo đó, cùng với ga ngầm, sẽ có những dự án khác được xây dựng tạo thành tổ hợp ga ngầm – trung tâm thương mại ngầm – quảng trường ngầm Bến Thành.
“Các công trình được thực hiện song song với quá trình xây dựng ga ngầm Bến Thành sẽ hạn chế việc một lần nữa phải đào đường. Nơi đây sẽ hình thành nên một không gian ngầm khổng lồ dưới lòng đất, và là điểm thu hút du lịch mới của thành phố Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Thanh Nhã nói.
Để tạo sự thống nhất, tháo gỡ vướng mắc trong quy hoạch không gian ngầm, đầu tháng 3-2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định chưa triển khai ngay việc thực hiện khảo sát thu thập dữ liệu không gian xây dựng ngầm, công tác này sẽ do đơn vị tư vấn đề xuất cụ thể đối với các khu vực có dự kiến phát triển không gian xây dựng ngầm. Thành phố sẽ đưa nội dung quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị lồng ghép vào đề án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, đang được các cấp, ngành nỗ lực hoàn thành.
“Trước mắt, thành phố sẽ tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng đô thị ngầm khu trung tâm thành phố rộng 930ha và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong quý I-2021, Sở Quy hoạch – Kiến trúc hoàn thiện việc lập kế hoạch thực hiện, ra đề thi, trình UBND thành phố phê duyệt”, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đình Hưng cho biết.
An An/Hà Nội mới