Thành lập đội quản lý trật tự xây dựng
Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND thành phố về Đề án thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế trong việc quản lý tình trạng vi phạm trật tự xây dựng hiện nay.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến 2019, trên địa bàn có khoảng 15 nghìn trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó xây dựng không phép là hơn 8.500 trường hợp, chiếm 71% tổng số công trình vi phạm trên toàn thành phố. Nếu tính riêng trong sáu tháng (1-9 -2019 đến 15-2-2020), kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về quản lý trật tự xây dựng, thành phố đã phát hiện 576 công trình vi phạm. So với thời điểm trước đó, số vụ vi phạm bình quân đã được kéo giảm từ 8,6 vụ/ngày xuống còn 3,5 vụ/ngày. Sở Xây dựng cho rằng, tuy số vụ vi phạm giảm nhưng việc chấp hành và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các đối tượng vi phạm chưa cao. Cụ thể, từ năm 2013 đến 2017, chỉ có 55% số trường hợp vi phạm chấp hành quyết định xử phạt. Từ năm 2018 đến 2019, tỷ lệ chấp hành dưới 50%. Nguyên nhân là do sự yếu kém trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị địa phương.
Đánh giá về tính hiệu quả công việc sau khi lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã, thị trấn sáp nhập về Thanh tra Sở Xây dựng thành phố (từ năm 2013), Sở Nội vụ thành phố cho biết: Công tác phối hợp giữa các lực lượng thanh tra đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải sửa đổi. Trong một số trường hợp, quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa đội thanh tra địa bàn quận, huyện với UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn chưa thống nhất, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ngoài ra, biên chế thanh tra Sở Xây dựng lớn, được bố trí phân tán tại khối cơ quan Sở Xây dựng và 24 đội thanh tra địa bàn quận, huyện khác nhau dẫn đến công tác nắm bắt tư tưởng, tâm tư, tình cảm và công tác quản lý, giáo dục công chức, thanh tra viên, nhân viên chưa kịp thời. Các trường hợp thanh tra xây dựng vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, nội quy cơ quan phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật vẫn còn nhiều. Trong sáu năm (2013 – 2019), có 409 trường hợp thanh tra xây dựng vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, nội quy cơ quan phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật. Trong đó, 14 công chức bị buộc thôi việc, các mức còn lại là cảnh cáo, khiển trách, phê bình…
Theo Sở Nội vụ, từ các quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý cho thấy, chính quyền địa phương là cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm chính trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị cho nên cần phải có một lực lượng chuyên môn, chuyên trách để giúp chính quyền địa phương thực hiện công tác này. Do đó, việc thành lập thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện quản lý là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế hoạt động công vụ hiện nay. Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết: Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 26 quy định Thanh tra xây dựng còn hai cấp là Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở. Theo đó, toàn bộ thanh tra xây dựng tại thành phố đưa về Sở Xây dựng quản lý với khoảng 1.000 biên chế. Ở cấp quận, phường chỉ còn các đội trật tự đô thị phụ trách trật tự lòng đường, vỉa hè. Chính điều này đã tạo “khoảng trống” trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và chính quyền địa phương. Nhận thấy bất cập này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ cho thành phố được thực hiện đề án thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện. Việc thành lập này trên cơ sở sáp nhập các đội thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện. Đề xuất của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu thành phố lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan và có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ.
Trong quá trình chờ đợi hoàn thiện đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Xây dựng thành phố đã chủ động ký kết liên tịch với các quận, huyện nhằm phối hợp giữa đội thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng với lãnh đạo UBND quận, huyện để quản lý trật tự xây dựng. Điểm đặc biệt của nội dung ký liên tịch này là giao quyền cho UBND cấp xã kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng không phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch; xây trên đất không được phép; kiểm tra, xử lý các công trình nhà ở riêng lẻ, công trình do UBND cấp huyện cấp phép; dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới bảy tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2… Đây cũng là một phần nội dung trong đề án thành lập đội quản lý trật tự xây dựng.
Vũ Nguyên/Báo Nhân dân