08/10/2021

Thẩm tra về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chiều 07/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể theo hình thức trực tuyến để thẩm tra Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Cùng dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực to lớn và quan trọng bậc nhất trong phát triển kinh tế – xã hội, liên quan đến việc phân bổ dân cư, lao động, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng, môi trường, quốc phòng và an ninh. Vì vậy, đất đai phải được phân bổ hợp lý với tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương tạo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh và phải bảo đảm được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.

Những năm qua, việc triển khai thực hiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020 đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phân bổ sử dụng góp phần phát triển kinh tế xã hội, phát triển cơ cấu hạ tầng, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó diện tích đất trồng lúa được giữ bảo đảm phục vụ an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu; độ che phủ rừng được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện; chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao thiếu tầm nhìn; quản lý quy hoạch chưa tốt, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần tùy tiện chưa bảo đảm lợi ích chung; tính kết nối giữa các ngành địa phương chưa cao; một số chỉ tiêu chưa cân đối khả năng thực hiện, tính khả thi thấp dẫn đến tình trạng quy hoạch treo, dự án treo; nguồn lực đầu tư cho quy hoạch còn hạn chế… Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được để tiếp tục phát huy, đồng thời nhận diện rõ những vấn đề tồn tại, nguyên nhân để có giải pháp cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cách mạng công nghiệp 4.0

Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Trước khi trình Quốc hội, nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp thứ 4 (tháng 10/2021).

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Theo đó, diện tích đất nông nghiệp là hơn 27,7 triệu ha (giảm hơn 251.000 ha so với năm 2020). Riêng diện tích đất trồng lúa là 3,57 triệu ha, giảm gần 350.000 ha.

Trong khi đó, đất phi nông nghiệp đến năm 2030 được xác định là 4,9 triệu ha (tăng hơn 965.000 ha so với năm 2020).

Dự kiến quy hoạch đến năm 2030, đất trồng lúa giảm, đất đô thị tăng

Diện tích đất khu công nghiệp đến năm 2030 gần 211.000 ha, tăng hơn 120.000 ha so với năm 2020 (tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm, các trục kinh tế ven biển, gắn kết với hạ tầng giao thông).

Đến năm 2030, cả nước có 45 khu kinh tế với diện tích là 1,65 triệu ha, tăng 15.400 ha so với năm 2020.

Quy hoạch sử dụng đất giao thông đến năm 2030 gần 922.000 ha (không bao gồm diện tích đất hành lang giao thông), tăng gần 200.000 ha so với năm 2020.

Theo tờ trình Chính phủ, tính đến 31/12/2020, hiện trạng đất quốc phòng hơn 243.000 ha. Với quan điểm ưu tiên xây dựng nền quốc phòng toàn dân và căn cứ nhu cầu sử dụng đất để phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2030 là hơn 289.000 ha, tăng gần 46.000 ha so với năm 2020.

Hiện trạng đất an ninh của cả nước được thống kê, kiểm kê là hơn 52.700 ha. Diện tích đất do Bộ Công an hiện đang quản lý, sử dụng là hơn 69.200 ha, bao gồm đất an ninh và các loại đất khác. Quy hoạch sử dụng đất an ninh đến năm 2030 là hơn 72.300 ha, tăng hơn 19.600 ha so với năm 2020, đảm bảo bố trí đủ quỹ đất đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của Bộ Công an và các địa phương làm trụ sở, thao trường, trường bắn… phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc gia.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng thông tin hiện trạng đất đô thị đến 31/12/2020 là 2,03 triệu ha. Đến năm 2030, diện tích đất đô thị của cả nước là 2,95 triệu ha, tăng gần 926.000 ha, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.

Trong kỳ quy hoạch 2021-2030 dự kiến sẽ tiếp tục khai thác hơn 714.000 ha đất chưa sử dụng gồm: đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất đồi núi chưa giao cho các đối tượng sử dụng đưa vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp.

Đến năm 2030, quỹ đất chưa sử dụng của cả nước còn lại khoảng 505.600 ha.

Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tuần sau, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ hai (dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới).

TH