20/05/2016

Tạo dựng những đô thị xanh

Bây giờ, xu hướng thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang được giới nghiên cứu và cả các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Họ xem đây như một yếu tố cốt lõi để cạnh tranh.


Các chuyên gia cho rằng, chi phí nguyên vật liệu tăng, yêu cầu bảo vệ môi trường và nhu cầu thị trường là những động lực thúc đẩy giới chủ đầu tư tìm kiếm các thiết kế xanh, tiết kiệm môi trường cho các tòa cao ốc của mình. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra rằng, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng chưa cao, bên cạnh việc thiếu tính liên kết từ khâu thiết kế đến khâu hoàn thiện cuối cùng của dự án là trở ngại lớn hiện nay.

Trong một hội thảo về công trình xanh mới đây, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng đây là một quá trình dài hơi, chứ không phải là tầm nhìn chỉ trong một hoặc hai năm. Điều quan trọng là, Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN tham gia chương trình thiết kế xanh và tiết kiệm năng lượng.

Người ta đã tính được mỗi năm toàn cầu tiêu thụ tới 40% vật liệu (các loại) khai thác trực tiếp từ tự nhiên để xây dựng các công trình (đường giao thông, nhà máy, nhà cửa, cầu cống…). Các công trình xây dựng ấy lại tiêu thụ từ 36 – 45% nguồn năng lượng của mỗi quốc gia. Chỉ riêng nước cho hoạt động xây dựng trên toàn cầu đã chiếm 1/6 nguồn cung cấp nước sạch.

Trong đó, các thành phố phát triển quá mức, tiêu thụ một lượng hàng hoá khổng lồ: Năng lượng, lương thực thực phẩm và nước… Rồi các thành phố lại đưa các loại rác, nước thải, khí ô nhiễm ra bên ngoài thành phố. Cả hai quá trình này đều phá vỡ sự cân bằng sinh thái – từ khu vực đô thị đến mức độ quốc gia và toàn cầu. Thế nên, người ta chống sự ra đời những thành phố siêu lớn do nó không đủ khả năng xử lý các loại rác thải làm ô nhiễm dòng chảy nước mặt, nước ngầm, ven biển…

Không những thế, sự phát triển đó đã “góp phần” làm nhiệt độ trái đất khắc nghiệt hơn – thế là dẫn tới việc phải làm mát hoặc sưởi ấm các thành phố, như vậy, chi cho năng lượng lại cao hơn – hậu quả lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng theo. Chu trình này như một vòng luẩn quẩn của con người trong cuộc chiến với chính các hậu quả do nó gây ra.

Tại Việt Nam, hơn 20 năm qua chúng ta có thêm hơn 200 đô thị mới ở các qui mô, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người theo đó cũng giảm, mỗi năm giảm 5m2/người… Thế nhưng, dường như sự gia tăng này chưa có một tỷ lệ tương xứng về chất lượng sống tại các đô thị.

Ở thời điểm này, chúng ta cũng mới chỉ bắt đầu, mới chớm vào vạch xuất phát để tạo lập một cuộc sống xanh. Thế nên, hướng đi, lựa chọn của chúng ta cần tỉnh táo, cân nhắc những hạn chế, tận dụng những lợi thế để phát triển. Chúng ta không thể ào ạt lấy đất nông nghiệp làm khu đô thị, chia rừng, chia mặt biển làm khu nghỉ dưỡng, làm resof; dùng tiền ngân sách ào ạt nhập “công nghệ mới” trên giấy mà thực chất lại là những công nghệ cũ, lạc hậu, biến đất nước thành một “bãi rác công nghệ” cho cả thế giới. Chúng ta không thể sống xanh khi những lựa chọn, quyết định chỉ nhăm nhe cho lợi ích cá nhân hay một vài nhóm lợi ích nào khác! Bài học về những khu đô thị với nhà cao tầng san sát lơ thơ mảng xanh, những bãi biển bị khoanh vùng chia lô… còn đó.

Mong mỏi một cuộc sống xanh là điều mà tất cả đều hướng tới. Nhưng cũng cần xem khả năng, năng lực của chúng ta như thế nào để tìm cho mình một lối đi thích hợp trong xu hướng mới của thời cuộc. Tất cả đều không dễ, nó phụ thuộc vào tầm nhìn xanh, tư duy xanh, hành động xanh.

Cẩm Tú/Báo Xây dựng