02/10/2024

Tạo dựng bản sắc trong kế thừa và phát triển kiến trúc Hà Nội

(KTVN 252) Sứ mệnh tạo dựng một nền kiến trúc có bản sắc là nhiệm vụ đặt ra không chỉ đối với các kiến trúc sư mà còn đối với cả các nhà quản lý. Mặc dù bản sắc trong kiến trúc bao gồm nhiều thuộc tính có thể gọi ra, nhưng dường như nó vẫn là một thách thức lớn trước nghệ thuật sáng tạo không gian. Bản sắc đã được đề cập trong luật Kiến trúc, được thể hiện trong điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội với các nội dung đặc điểm, tính chất tiêu biểu, được thể hiện trong văn hóa, nghệ thuật với các đặc trưng lối sống cộng đồng, vẻ đẹp thuần khiết của tri thức bản địa, sự thuần phong mỹ tục của các dân tộc. 

Bản sắc văn hóa luôn được làm giàu bởi sự tiếp thu các kỹ thuật xây dựng và công nghệ tiên tiến trong sử dụng vật liệu xây dựng…Tất cả không chỉ được thể hiện trong một công trình kiến trúc, mà còn trong cả không gian đô thị, không chỉ một đô thị mà còn tạo nên phong cách cho các đô thị, cho cả nền kiến trúc Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này, nội dung xin đề cập tới các vấn đề về: (1) Nhận diện về bản sắc trong kiến trúc Hà nội; (2) Những thách thức trong việc giữ gìn bản sắc kiến trúc Hà Nội; (3) Hướng đến xây dựng một nền kiến trúc Hà Nội giàu bản sắc, vì cộng đồng.

Trung tâm Hà Nội về đêm

NHẬN DIỆN VỀ BẢN SẮC KIẾN TRÚC HÀ NỘI

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Hà Nội là một thành phố đặc biệt có giá trị về kiến trúc với tuổi đời của một Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trong không gian kiến trúc đô thị Hà nội vẫn còn lưu giữ và thẩm thấu các lớp di sản, công trình kiến trúc đại diện của các thời kỳ phong kiến, thuộc địa đến thời bao cấp và đổi mới, hiện đại theo hướng hội nhập phát triển. Sự đa dạng của hình thái kiến trúc Hà Nội cũng như sự phong phú của hình thái thiên nhiên đã tạo nên một hình ảnh riêng độc đáo của Hà Nội. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể quản lý phát triển kiến trúc Hà Nội một cách bền vững khi và chỉ khi đã đọc và hiểu về Hà Nội. Ta có thể xem đó cũng chính là nhận diện về bản sắc kiến trúc Hà Nội.

Không ảnh Khu phố cổ Hà Nội năm 1920

Trước hết, bản sắc kiến trúc Hà Nội xuất phát từ tinh thần của một đô thị truyền thống, mà phần Thị được tạo cảm hứng từ các khu phố di sản độc đáo có tính lịch sử, với các cấu trúc không gian có nguồn gốc nông nghiệp, với các làng xóm, các khu định cư luôn biến đổi hình thái phi nguyên tắc để tạo nên các kiểu hình thái phi hình học. Bên cạnh đó phần Đô đã để lại những di sản kiến trúc hoành tráng từ Hoàng Thành Thăng Long với dấu ấn của các triều đại phong kiến, với Văn Miếu thể hiện truyền thống học hành thi cử của cư dân kẻ chợ xưa.

Phố cổ Hà Nội năm 1950

Khi chế độ phong kiến buộc phải chấp nhận và nhượng đất cho Thực dân Pháp tại Hà Nội, người ta đã đặt câu hỏi: Bản sắc sẽ thẩm thấu gì từ cấu trúc không gian thành phố vườn độc đáo của các khu phố thuộc địa cũ được nhiệt đới và địa phương hóa, kết hợp với các khu vực đô thị mới hiện đại? Và, bản sắc sẽ lưu giữ gì từ hình ảnh một đô thị được đan xen, pha trộn các kiến trúc di sản có từ thời phong kiến, thuộc địa với phong cách Hiện đại, Décor và Đông Dương cùng các phong cách địa phương Châu Âu? Rõ ràng là, Hà Nội đã không dừng lại ở sự tiếp nhận di sản thời ký phong kiến, mà còn liên tục phát triển liên tục qua các thời kỳ. Hà nội đã trải qua thời kỳ đổi mới và tới hiện đại ngày nay, cùng với sự tiếp thu, hấp thụ tính quốc tế và sự phát triển của khoa học công nghệ mới trong xây dựng đô thị.

Một biệt thự trong khu phố Pháp cũ

Từ không gian văn hoá lịch sử, tự nhiên đến bản sắc kiến trúc Hà Nội

Về tổng thể, Hà Nội được hình thành, bao bọc bởi vùng không gian tự nhiên lịch sử và văn hoá khu vực trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng. Có thể nhận diện điều đó qua cách phân vùng văn hóa gắn với các đặc điểm địa hình tự nhiên như: Trung tâm là vùng văn hóa Thăng Long, nơi đóng đô của các triều đại và định cư từ thời Kẻ Chợ. Nó có sự giao thoa với các vùng văn hóa Kinh Bắc phía Bắc sông Hồng – vùng đất của Phật giáo, nơi hội tụ của các đình chùa lớn, lâu đời; vùng văn hóa xứ Đoài phía Tây có nguồn gốc đất Tổ, có các di tích thắng cảnh từ thời Vua Hùng, Thánh Tản viên và dãy Ba Vì; vùng văn hóa Sơn Nam (phía Nam) là nơi đồng bằng định cư sông nước, gắn bó với các dòng sông và nhiều làng nghề truyền thống.

Vượt ra ngoài phạm vi, vùng không gian tự nhiên này còn có vai trò ý nghĩa là vùng trung tâm lịch sử, văn hóa của cả khu vực Bắc Bộ, của nước Việt Nam cổ và là trung tâm vùng Thủ đô của nước Việt Nam hiện đại ngày nay.

Trong cái tổng thể của đặc điểm không gian văn hoá – lịch sử và tự nhiên nói trên là nguồn gốc, đồng thời là một phần cơ sở cơ bản trong việc định hướng tổ chức quy hoạch – kiến trúc không gian toàn Thành phố Hà Nội và mỗi phân vùng, khu vực cho đến cách thức tổ chức kiến trúc công trình trong đó cũng sẽ tạo nên bản sắc kiến trúc.

Cụ thể hơn, có thể cảm nhận về bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc qua các yếu tố: Một là Kiến trúc Cung đình qua các triều đại nghìn năm cho đến các thức kiến trúc của các thành quách, đình chùa miếu mạo; Hai là kiến trúc của  các ngôi nhà ở truyền thống đơn giản cho đến cấu trúc làng xã, không gian truyền thống với cổng làng, giếng nước – sân đình khu vực đồng bằng sông Hồng. Kiểu kiến trúc này luôn hướng đến sự phù hợp hài hòa điều kiện địa hình đồng bằng tự nhiên vốn có nhiều sông, hồ, cây xanh tại phần lớn các khu vực thành thị. Trong khi đó, khu vực nông thôn, nông nghiệp lại đa dạng hơn khi có cả đồng bằng, trung du – đồi núi thấp và vùng núi.

Cửa Đoan Môn – Hoàng Thành Thăng Long

Từ điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán đến các giá trị kiến trúc truyền thống

Kiến trúc tự thân nó đều hướng đến sự hòa quyện giữa yếu tố điều kiện tự nhiên và yếu tố thích ứng. Cụ thể là sự phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế bao gồm: khí hậu nhiệt đới nóng ẩm gió mùa, nắng nóng về mùa hè, lạnh về mùa đông cũng như thay đổi nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm dẫn đến coi trọng sự thông thoáng, nhất là thông thoáng tự nhiên, chuyển tiếp không gian, coi trọng các yếu tố bao che như mái, hiên chịu mưa – nắng và chuyển tiếp vi khí hậu tăng cường chống nắng nóng; mặt khác, về kết cấu và vật liệu được xây dựng và sử dụng đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo sự vững chắc chịu được gió bão thiên tai.

Từ những đặc điểm phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế nêu trên sẽ dẫn đến các đặc thù về văn hóa, phong tục tập quán, các giá trị kiến trúc truyền thống đặc trưng khác của kiến trúc Hà Nội. Đó là:

Đối với kiến trúc truyền thống, cách thức tổ chức không gian ưu tiên lựa chọn cho các công trình đón hướng gió tốt phía Nam, tránh nắng nóng các hướng Đông – Tây, coi trọng các khoảng không gian chuyển tiếp từ sự phân chia cổng – sân vườn – nhà đến các hàng hiên, không gian kết nối chức năng, coi trọng và tạo lập không gian giao tiếp cộng đồng, tương quan chính phụ, tỷ lệ cân đối, có tính mở và coi trọng không gian mở, không gian xanh;

Một ngôi nhà truyền thống đồng bằng Bắc Bộ

Các thức kiến trúc đơn giản, bố cục phong cách ngôn ngữ kiến trúc có tính Á Đông với tỷ lệ các thức kiến trúc thanh thoát, nhẹ nhàng, gần gũi với con người. Tuy nhiên, những đường nét tinh hoa truyền thống cũng luôn được chú trọng trong điêu khắc, chạm trổ hoặc điểm xuyết;

Đối với không gian bên ngoài nhà, công trình kiến trúc truyền thống luôn được đặt trong khuôn viên có sân trước, sân sau và vườn cây tạo cảnh quan tự nhiên và phù hợp khí hậu, đón gió mát phía trước, ngăn gió lạnh phía sau và tạo bóng râm nhất là các hướng nắng nóng, bên trong khuôn viên còn được bố trí các yếu tố mặt nước như ao, am, giếng nước kết hợp với sân, một số mặt nước lớn như hồ trong các công trình công cộng. Trong đình, chùa còn có bố trí thêm các công trình trên mặt nước như thủy đình, tạo nên các bố cục cảnh quan hữu tình.

Ô Quan Chưởng

Việc tổ chức không gian kiến trúc truyền thống qua các lối vào khuôn viên thông qua các cổng, tam quan…cũng hết sức được chú trọng. Tùy theo tính chất, mức độ quan trọng và quy mô công trình mà cảnh quan được sắp đặt, bố cục cho tương xứng.

Tuy nhiên, bản thân công trình dù to nhỏ vẫn cần dẫn dắt con người tiếp cận nó bằng những cảm xúc được trân trọng, kể cả việc tăng cường trang trí nhằm tạo điểm nhấn đầu tiên cho tổng thể, trở thành một trong những khu vực biểu tượng quan trọng của kiến trúc truyền thống Hà Nội. Điều này cho thấy rất rõ từ các cửa ô, cổng thành, tam quan đình, chùa, di tích, cổng trại cho đến các cổng làng dù có khiêm nhường nhưng đều rất thân quen. Ngoại trừ các thành quách, dinh thự, hầu hết các tường rào ngăn cách công trình, nhà truyền thống đều sử dụng các hàng rào cây xanh tự nhiên.

Đối với các nhà ở hình thành tại các phố thị, việc phân chia đất đai đã hình thành nên dạng nhà ống liền kề truyền thống hiện còn nhiều nguyên bản tại khu phố Cổ, với cách bố trí không gian có nhà trước, nhà sau đan xen với các khoảng sân trong được trồng cây, một số nhất định có cả sân trước tiếp giáp phố, tạo nên một mô hình vừa đảm bảo cùng tham gia mặt phố vốn có mật độ xây dựng cao, tiết kiệm đất nhưng vẫn duy trì được môi trường sống tốt, hướng đến tự nhiên, đây là một dạng kiến trúc đặc trưng của đô thị Hà Nội cần bảo vệ, đã và đang được phát huy.

Cấu trúc nhà ống truyền thống Khu phố Cổ

Đối với vật liệu xây dựng, nhà ở truyền thống chủ yếu sử dụng gỗ, tiếp đến ở một mức độ ít hơn là sử dụng gạch nung, đá tự nhiên, vật liệu bao che mái sử dụng ngói đất nung, các vật liệu hoàn thiện trang trí từ đơn giản cho đến tinh xảo.
Nền móng công trình sử dụng gạch nung, đá tự nhiên, nền đắp đất và lát bằng gạch nung; Hệ thống kết cấu không gian công trình chủ yếu sử dụng hệ kết cấu cột, vì kèo mái gỗ tổ chức theo các bước gian có số lẻ, với các hình mặt bằng tiêu biểu gồm các nhà chữ nhất, chữ đinh, chữ nhị và tổ hợp (nếu có).

Bao quanh thân công trình phần lớn sử dụng vách gỗ, cửa bức bàn, tường gạch hoặc kết hợp; mái thường có tỷ lệ chiều cao lớn so với thân nhà, sử dụng kết cấu gỗ với các dạng vì kèo nóc gỗ dân gian đa dạng đồng thời là nơi tạo hình điêu khắc trang trí phần không gian chuyển tiếp trong ngoài và nội thất, cùng với hệ hoành, rui, mè lợp gạch màn và ngói đất nung âm dương, mũi hài hay ngói vẩy. Đặc biệt các góc mái công trình thường được tổ chức theo dạng đầu đao tạo sự mềm mại thanh thoát cùng với các thức trang trí các con giống, đường diềm thể hiện tinh thần ngôi nhà được làm từ đất nung hoặc vữa, đây cũng là một nét đặc trưng kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Một biệt thự cũ phong cách Đông Dương nhắc lại các đường nét kiến trúc truyền thống

Đối với các công trình cổng, tháp… vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch nung, một số được sử dụng đá và mái ngói.

Đối với kỹ thuật xây dựng thủ công truyền thống gồm: sản xuất và lắp dựng các cấu kiện gỗ; xây tay thủ công, sắp xếp đá tự nhiên đối với các công trình, cấu kiện gạch đá; hoàn thiện trang trí bằng các vật liệu từ nguyên bản cho đến sản phẩm đầu cột, vì nóc, huỳnh cửa và chi tiết chạm khắc, với màu sắc vật liệu tự nhiên cho đến sử dụng sơn ta thường có màu trầm và các vật liệu tạo màu tương phản cho các chi tiết, công trình cao cấp.

Quy hoạch đô thị trung tâm Hà Nội với trục không gian xanh Sông Hồng, sông Đuống và các vành đai xanh làm trung tâm xen giữa các phân khu đô thị

Yêu cầu đối với công trình kiến trúc xây dựng mới, cải tạo sửa chữa để đáp ứng các yêu cầu về bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc

Về tổ chức không gian

Việc tổ chức không gian kiến trúc Hà Nội cần phát huy và đáp ứng các yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng, trong đó bao gồm cả việc tổ chức không gian tổng thể khu vực cho đến không gian mỗi công trình kiến trúc.

Một góc đô thị mới phía Tây Nam Hà Nội

Về tổng thể, việc tổ chức không gian cảnh quan đô thị cần hướng đến sự phù hợp đối với điều kiện tự nhiên và xã hội mỗi vùng, khu vực, từ các phân vùng văn hóa tự nhiên cho đến các khu vực dân cư cảnh quan cụ thể, trong đó tôn trọng và phát huy các đặc điểm địa hình tự nhiên, nhất là các khu vực cảnh quan sông, hồ, các khu vực biến đổi địa hình và vùng núi; tôn trọng và phát huy các giá trị tập quán, văn hóa truyền thống của khu vực, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức tổng thể không gian cảnh quan phù hợp, phát huy điều kiện tự nhiên theo hướng tạo lập tầm nhìn cảnh quan đẹp, hòa hợp cảnh quan thiên nhiên, đón các hướng khí hậu tốt, cũng như đảm bảo sự phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, phát huy giá trị văn hóa của mỗi vùng, địa phương.

Đối với cảnh quan kiến trúc đô thị, các điểm dân cư nông thôn, việc tổ chức không gian cần chú trọng tạo lập và duy trì sự kết nối, liên tục của các tuyến, trục, chuỗi các không gian mở, giao tiếp cộng đồng, trong đó có các không gian mang tính hạt nhân, điểm nhấn, thuận lợi cho tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội kết hợp với các chức năng dịch vụ/ không gian phù hợp điều kiện tự nhiên, tập quán, văn hóa truyền thống và văn minh hiện đại, tạo sự sống động, tự nhiên cho đời sống đô thị, nông thôn.

Đối với mỗi tổ hợp công trình và công trình, cần đề cao sự phù hợp điều kiện tự nhiên gắn bó địa hình, hiện trạng cảnh quan sinh thái, với bố cục mặt bằng thông thoáng, tranh thủ tối đa hướng gió mát, tránh các hướng nắng nóng, tiết kiệm năng lượng; tạo các không gian chuyển tiếp, kết nối tránh nắng, mưa cho tuyến và giữa các khối chức năng; tạo sự thông thoáng tự nhiên, chú trọng tạo lập các không gian cộng đồng, không gian mở và cây xanh;
Bố cục không gian cần có sự chuyển tiếp ngoài và trong công trình, có tương quan chính phụ về không gian sử dụng và hình khối, trong đó khối không gian chức năng chính thường được gắn với sân không gian mở chính hoặc không gian trung tâm; khuyến khích sự điểm xuyết, đan xen các không gian mở, không gian xanh trong mặt bằng tổng thể công trình.
Ngoài ra, đối với công trình cải tạo sửa chữa, chỉnh trang, cần giữ gìn và phát huy các giá trị di sản vật thể, phi vật thể của nơi chốn, các khoảng không gian mở hay vườn cây còn lại; đối với phần sửa chữa cải tạo, bổ sung công trình cần hướng đến sự ngăn nắp, đồng điệu và đảm bảo tính thống nhất.

Về hình thức kiến trúc

Công trình luôn cần tạo lập được các diện, mảng chính, khối chính đối với hướng tiếp cận chính cũng như phù hợp với cảnh quan chung của khu vực. Hình thức kiến trúc trong khi tạo ấn tượng tích cực cần hướng đến sự đơn giản, nhẹ nhàng, thanh thoát có tỷ lệ cân xứng, gần gũi với con người, với mái và lớp bao che phù hợp khí hậu nhiệt đới, tạo bóng mát… giảm nhiệt và hiệu ứng lồng kính và che chắn mưa nắng; tránh sử dụng các hình khối, mảng đặc, các mảng kính lớn thiếu thông thoáng.

Nhà ga T1 Sân bay Quốc tế Nội Bài

Khuyến khích sử dụng các đường nét, thức kiến trúc truyền thống theo hướng hiện đại, đơn giản, không sao chép; đối với các khu vực chi tiết cần điểm nhấn, điểm xuyết có thể sử dụng các họa tiết truyền thống theo hướng cách điệu, hiện đại.

Trung tâm Hội nghị Quốc tế

Tăng cường sử dụng cây xanh và các yếu tố kiến trúc xanh trên công trình, khuyến khích tổ chức các vườn cây trên thân và mái công trình.

Một ngôi nhà ở hiện đại khai thác nét đặc trưng kiến trúc truyền thống

Về sử dụng kỹ thuật, vật liệu xây dựng

Việc sử dụng kỹ thuật, công nghệ, vật liệu xây dựng hiện đại phải đáp ứng các yêu cầu hiệu quả có được từ việc sử dụng kỹ thuật, vật liệu truyền thống trong thời đại hiện nay, đồng thời hướng đến phát triển bền vững, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại tương lai; bảo vệ, phục hồi, phát triển các nguồn tài nguyên, cụ thể:

Đảm bảo tính bền vững, thích hợp với biến đổi khí hậu, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm như chống nắng nóng, mưa nhiều, thích nghi chịu đựng được biến đổi nhiệt độ khí hậu giữa ngày và đêm trong ngày, giữa mùa nóng và mùa lạnh trong năm; chịu được các thiên tai, gió bão bất thường.

Chọn lọc sử dụng các vật liệu truyền thống có nguồn gốc từ tự nhiên như đất, đá, gạch đá ong, cát, sỏi và tre, gỗ, sơn ta các loại vào các công trình, vị trí, không gian truyền thống quan trọng hoặc yêu cầu trang trí có tính truyền thống, đảm bảo phù hợp và hiệu quả.

Sử dụng các kỹ thuật, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp hóa, hiện đại, có tính thân thiện và bảo vệ môi trường sinh thái, không gây tác động xấu, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; Khuyến khích sử dụng các kỹ thuật, vật liệu công nghệ có tính tiết kiệm và tái tạo năng lượng.

NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI BẢN SẮC KIẾN TRÚC HÀ NỘI

Có thể nói, kiến trúc Hà Nội dù chưa thực sự đạt được hẳn sự hài lòng nhưng vẫn luôn giữ được vẻ đẹp tự thân và sự cảm nhận tích cực từ sâu thẳm của cộng đồng.Tuy nhiên, sẽ không nói đến những mặt được đến hôm nay, mà khách quan nhìn lại, kiến trúc Hà Nội nói chung và tính cộng đồng nói riêng đang có những tồn tại làm ảnh hưởng đến bản sắc kiến trúc Hà Nội, đó là:

Sự phát triển nóng của nền kinh tế xã hội trong thời gian vừa qua, mà lĩnh vực kinh doanh bất động sản là một trong những động lực chính và nhu cầu dịch cư đô thị từ các địa phương ngoài Hà Nội, đã dẫn đến các hệ lụy về sức ép sử dụng đất, thu hẹp cảnh quan không gian mở, các giải pháp giảm chất tải hệ thống hạ tầng đô thị làm ảnh hưởng cảnh quan kiến trúc…

Việc bảo vệ và phát huy giá trị kiến trúc Khu phố Cổ luôn chịu nhiều thách thức

Sự lộn xộn, manh mún trong xây dựng tại các khu vực dân cư hiện hữu; việc cơi nới, lắp đặt các không gian, quảng cáo ngoài kiểm soát; các thiết bị, mái tạm, mái vẩy, bồn chứa nước…, đặc biệt tại các khu vực dự án chậm triển khai tại các nút giao lộ với các khu nhà tạm manh mún đã làm xấu xí bộ mặt kiến trúc của Thành phố ở rất nhiều nơi;

Sự thực dụng trong đầu tư, tư vấn thiết kế kiến trúc cũng đã góp phần tạo nên nhiều khu vực, nhiều công trình có ngôn ngữ hình khối, tỷ lệ, vật liệu…tạo nên những chất lượng kiến trúc kém. Có thể nói trong khoảng đoạn thời gian vừa qua, Hà Nội không nhiều các công trình kiến trúc tạo ấn tượng.

Các phương cách vì nhu cầu duy trì và phát triển đời sống tự phát đe dọa biến đổi tiêu cực các không gian và di sản truyền thống các khu vực nông thôn, ngoại thành của Thành phố.

Ngoài những sức ép về phát triển tạo nên những thách thức đối với kiến trúc, Hà Nội cũng có những khó khăn trong công tác quản lý hướng tới việc xây dựng một nền kiến trúc giàu bản sắc, vì cộng đồng. Có thể nhìn thấy rõ rằng, ngoài sự mong muốn, quyết tâm của Nhà nước và chính quyền, chúng ta sẽ dùng biện pháp nào, công cụ nào để định hướng, kiểm soát kiến trúc của từ một ngôi nhà cho đến một khu vực không gian hay cả một khu đô thị?
Chúng ta sẽ chỉ có định hướng phát triển không gian, quy chế kiến trúc, thiết kế đô thị, nhưng chúng ta không thể định chế hết được suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm của người dân. Thật khó lòng sinh ra thêm được một thủ tục hành chính về kiểm soát kiến trúc khi cấp phép xây dựng công trình, chúng ta còn phải phụ thuộc vào cả người chủ đầu tư và các nhà tư vấn kiến trúc, cũng như của cả một nền văn hóa dân trí.

Ở một khía cạnh khác, sự khu biệt giữa các ngành quản lý đô thị và cả tư tưởng thiếu tính cộng đồng của từng cá thể cũng là rào cản để hướng tới tạo lập các không gian cộng đồng; cũng như năng lực thực thi thiếu phản biện, giám sát và kém hữu hiệu của hệ thống quản lý xây dựng đô thị dẫn đến những điều nhức nhối đáng tiếc trong kiến trúc Thủ đô.

HƯỚNG TỚI XÂY DỰNG MỘT NỀN KIẾN TRÚC HÀ NỘI GIÀU BẢN SẮC, VÌ CỘNG ĐỒNG

Đứng trước cơ hội di sản và những thách thức, ngoài việc hướng tới việc giữ gìn, phát huy bản sắc và tiếp nhận tích cực tính quốc tế hóa, kiến trúc Hà Nội cũng cần phải chú trọng và phát huy khía cạnh hệ quả các động thái đó mang lại, đó là tác động tích cực đến tính cộng đồng, có vậy, kiến trúc Thủ đô mới phát triển bền vững khi giữ được bản sắc riêng và sự lành mạnh, hữu ích cho cộng đồng.

Và, để làm điều đó, trong khi đồng hành cùng triển khai các giải pháp nhiệm vụ mục tiêu chung kinh tế xã hội, thực hiện các Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 22/12/2023 thực hiện “Định hướng Phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội” và Kế hoạch số 255/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 04/CTr-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc văn hoá, giữ gìn kiến trúc truyền thống, kiến trúc Thủ đô Hà Nội cần phải hướng tới góp phần tạo nên một đô thị đáng sống bền vững, với việc chú trọng các giải pháp định hướng phát triển như sau:

(1) Xây dựng định hình khái niệm Bản sắc văn hóa kiến trúc Thủ đô Hà Nội  và các định hướng phát triển tiến bộ và lành mạnh, làm cơ sở tư tưởng và hành động cho các hoạt động quản lý, hành nghề và đầu tư khai thác quy hoạch – kiến trúc, trong đó coi trọng việc gìn giữ, khuyến khích bản sắc văn hóa dân tộc kết hợp với các tiến bộ tri thức quốc tế, đề cao tính phục vụ cộng đồng từ cảm nhận về tinh thần cho đến công năng sử dụng;

(2) Lập và trình phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô  đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”, trong đó bao gồm các nội dung về các phân vùng văn hóa – kiến trúc, định hình không gian kiến trúc cảnh quan toàn thành phố và các khu vực, phân khu, các định hướng bảo vệ, phát huy di sản kiến trúc, cảnh quan và sinh thái; chỉnh trang sắp xếp các khu vực hiện hữu; xây dựng và phát triển các khu đô thị mới…

Trên cơ sở đó, hoàn thành và ban hành Quy chế Quản lý Kiến trúc Thành phố, triển khai rà soát, lập danh mục các công trình, khu vực cảnh quan và các thực thể kiến trúc di sản và hiện tại có giá trị; đề xuất các biện pháp bảo vệ và phát huy hữu hiệu, định hướng việc sửa chữa, khắc phục kiến trúc các khu vực hiện hữu; kiến trúc và xây dựng các khu đô thị mới với tinh thần bảo vệ và đề cao các giá trị cộng đồng, các di sản thiên nhiên, lịch sử và truyền thống, với các giải pháp cụ thể.

(3) Bảo vệ, giữ gìn và phát huy các khu vực cảnh quan, cấu trúc không gian di sản gồm các khu vực Phố Cổ, Phố Cũ và các khu vực di sản khác, kể cả các khu vực cảnh quan sinh thái tự nhiên như các vườn cây, sông hồ mặt nước hay các khu vực dân cư hiện hữu, làng xóm đô thị hóa; đặc biệt chú trọng các khu vực không gian điểm nhấn, trong đó Hà Nội cần phải tính đến các giải pháp mang tính bền vững như:

Nhìn nhận các hệ quả áp lực biến đổi ngày nay là những điều phải tính tới hoặc thỏa hiệp, các không gian sống có thể được cải thiện mở rộng tại các vị trí có tầm nhìn không làm ảnh hưởng hình thái di sản; hoặc nhìn nhận một cách thận trọng việc chiếm dụng cố hữu các không gian xung quanh một số biệt thự cũ để kinh doanh hiện nay là một biểu hiện nhu cầu chuyển hóa hình thái đô thị di sản qua các thời kỳ phát triển, tất nhiên việc giữ gìn các đặc điểm cốt lõi chính của cảnh quan di sản vẫn phải được đưa lên thành nguyên tắc hàng đầu;

Thiết kế cải tạo chỉnh trang phố cổ Lãn Ông

Việc bảo vệ di sản phải hướng đến việc mang đến quyền lợi hợp pháp cho các chủ sở hữu, cũng như nhà nước phải có phần trách nhiệm trong việc chỉnh trang nâng cấp, làm ngăn nắp, hấp dẫn và hấp dẫn các đoạn tuyến phố, trong đó kể cả phần chỉnh trang sửa chữa của từng ngôi nhà sở hữu riêng..

Có giải pháp sửa chữa, khắc phục các tồn tại, manh mún, lộn xộn tại các khu vực dân cư hiện hữu, đặc biệt tại các khu vực làng xóm đô thị hóa trước đây, quản lý cải tạo chỉnh trang theo hướng tạo lập sự gọn gàng, ngăn nắp, văn minh sạch sẽ; tuyên truyền, hướng dẫn chính quyền cơ sở và người dân có hiểu biết và trách nhiệm của chính bản thân mình trong việc đóng góp giữ gìn và cải thiện giá trị cảnh quan đô thị; để mỗi khu vực này với những dấu ấn chuyển hóa kiến trúc của nó sẽ trở thành các khu vực không gian thú vị, hấp dẫn đối với người dân và du khách;

Chú trọng tạo lập các không gian giao tiếp cộng đồng hơn nữa trong đô thị từ các khu vực không gian mở, công viên vườn hoa, các tuyến phố đi bộ hữu ích;
(4) Trong thời gian tới, trên cơ sở xem xét đánh giá cảnh quan kiến trúc đô thị toàn thành phố, đặc biệt tại khu vực đô thị trung tâm và các khu vực cửa ngõ, kết hợp với các khu vực phát triển theo định hướng kết nối giao thông (TOD) được xác định tại đồ án quy hoạch chung Thủ đô, thành phố sẽ phải lập kế hoạch, danh mục các khu vực cần nâng cấp cảnh quan hoặc sửa chữa, khắc phục, trong đó trọng tâm là các điểm “tối” của các không gian đô thị trên các khu vực đô thị trung tâm và triển khai thực hiện cụ thể. Việc xác định các ô phố, khu vực xuống cấp cần được tái cấu trúc tạo nên các khu vực kiến trúc cảnh quan mới văn minh, hiện đại cũng sẽ được xem xét.

(5) Định hướng xây dựng các khu đô thị mới văn minh, hiện đại, chú trọng tạo lập các không gian chức năng sử dụng và giao tiếp cộng đồng, các không gian mở, cây xanh cùng các hình ảnh kiến trúc cảnh quan tích cực nhất, trong đó:

Các không gian mở, không gian cộng đồng phải được ưu tiên bố trí tại các vị trí kết nối hữu hiệu, đóng góp tối đa cho các hoạt động giao tiếp và hoạt động chung của cộng đồng và không gian công cộng thành phố, thay vì khu biệt gián đoạn tại bên trong từng đơn vị để rồi dành các vị trí tốt nhất cho kinh doanh lợi nhuận dẫn đến kết quả không gian đô thị đơn điệu, thiếu chiều sâu..

Hướng tới các khu đô thị mới nhiều không gian sinh thái và giao tiêp cộng đồng

Về tổ chức không gian, ngoài việc coi trọng tính giao tiếp và tiếp cận thân thiện với cộng đồng, các tổ hợp không gian đô thị cho đến các công trình riêng lẻ cần coi trọng tính tập quán, truyền thống, phù hợp tích cực với khí hậu và cảnh quan xung quanh trong khi vẫn hướng đến các giải pháp kiến trúc có tính mới, tiền phong, hiện đại, thể hiện đúng với thời đại phát triển;

Tăng cường các giải pháp quản lý nhằm giảm chất tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm môi trường sống trên cơ sở kết hợp tôn trọng cảnh quan kiến trúc không gian, trong đó:

Kiến tạo và phát huy các không gian cộng đồng trong đô thị

Việc cài đặt các giải pháp cải thiện hạ tầng kỹ thuật hoặc tiện ích đô thị phải được cân nhắc hòa hợp và tôn trọng cảnh quan, nhất là các khu vực truyền thống; không làm ảnh hưởng đến không gian và chiều sâu đô thị;

Khuyến khích tìm tòi các hình thức ấn tượng mới, hiện đại cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, coi đó là các cơ hội tạo các điểm nhấn kiến trúc của khu vực và phải tranh thủ khai thác phát huy;

(6) Có các giải pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy cảnh quan không gian truyền thống các khu vực nông thôn, trong đó:

Giữ gìn các nét truyền thống khu vực làng quê ngoại thành là một trong những ưu tiên

Khẩn trương hoàn thành lập các quy hoạch chi tiết và quy chế kiến trúc các điểm dân cư nông thôn, và xác định mục tiêu coi đó là công cụ tốt nhất trong việc quản lý xây dựng, kiến trúc của khu vực nông thôn trong bối cảnh pháp lý hiện nay;

Thiết lập được các quỹ đất mới ứng xử với nhu cầu phát triển mới trong sự giữ gìn tối đa đất nông nghiệp, và để có cơ sở giữ gìn bảo vệ các hình thái kiến trúc, không gian làng quê truyền thống;

Coi trọng và phát huy các khu vực trung tâm cộng đồng như đình làng, cụm di tích, sân chơi giao tiếp cộng đồng bằng các giải pháp bảo vệ, chỉnh trang đồng thời tăng cường bổ sung thêm các không gian sinh lợi tạo hơn sức sống một cách đúng mực, hợp lý;

(7) Đối với kiến trúc công trình:

Đặc biệt khuyến khích tính hiện đại, tính mới trong khi vẫn giữ được tổng thể cảnh quan thống nhất, cảnh quan truyền thống và phù hợp tập quán, khí hậu. Khuyến khích việc tạo lập các điểm nhấn không gian cảnh quan công trình có hình thức kiến trúc khác biệt tích cực.

Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng dân sinh, các công trình công cộng, văn hóa cộng đồng; các dạng nhà ở xã hội, các cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ đời sống sức khỏe và tinh thần của người dân;
Và để cụ thể, hiện thực hóa các định hướng mục tiêu đó, tới đây Hà Nội sẽ phải lập kế hoạch quản lý và phát triển kiến trúc để triển khai tổ chức thực hiện nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc kiến trúc Hà Nội, đồng thời có thể sẽ phải nghiên cứu bổ sung thêm các chính sách kiểm soát phù hợp về dân cư và phát triển tại cả các khu vực đô thị và nông thôn.

Đối với sự nghiệp phát triển và giữ gìn phát huy bản sắc chung của nền Kiến trúc Việt Nam, Hà Nội tự thấy mình có trách nhiệm to lớn và sẽ cố gắng hết mình để xứng đáng với vai trò Thủ đô của cả nước, đồng thời Hà Nội cũng luôn có sự ghi nhận các tiến bộ vượt bậc của không gian kiến trúc các tỉnh thành trong cả nước gần đây.

Toàn cảnh phía Bắc Trung tâm Hà Nội

Với sự gọn gàng ngăn nắp và văn minh hiện đại của nhiều khu phố, nhiều đô thị, cùng sự xuất hiện của rất nhiều công trình tạo ấn tượng sâu sắc được hình thành từ các chủ đầu tư tích cực, các kiến trúc sư mới tài năng và cả các nhà quản lý đầy khát vọng.

Với quỹ di sản các công trình kiến trúc di tích, lịch sử; các công trình kiến trúc có giá trị; thủ đô Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Hà Nội là thủ đô của cả nước, với Luật Thủ đô có nhiều nội dung để Hà Nội chủ động trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, sử dụng nguồn lực đất đai sẽ là nguồn vốn phát triển mạnh về kiến trúc.

Hà Nội cũng là nơi để cả nước hướng đến, mang lại luồng gió mới cho việc định hình phát triển kiến trúc Việt Nam. Cùng với các địa phương trên cả nước cũng như các tỉnh thành trong khu vực, Hà Nội luôn hướng đến xây dựng một nền kiến trúc giàu bản sắc, vì cộng đồng cho một Thủ đô Hà Nội Văn hiến – Văn minh – Hiện đại hôm nay và ngày mai.

Ths.KTS Nguyễn Trọng Kỳ Anh – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội