Tạo đột phá trong quản lý đô thị
Nếu chỉ hai năm trước đây, khái niệm đô thị thông minh (ĐTTM) vẫn còn tương đối mới tại Việt Nam thì đến nay, với sự phát triển như vũ bão về hạ tầng công nghệ thông tin, xu hướng đô thị hóa kèm theo các nhu cầu ngày càng cao về chất lượng cuộc sống của người dân, các mô hình ĐTTM đã bắt đầu thành hình và nở rộ.
Mô hình tiên tiến
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 774 đô thị lớn nhỏ, trong đó đô thị có quy mô lớn là hai đô thị đặc biệt gồm Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (quy mô trung bình bảy đến tám triệu người); khoảng gần 30 đô thị tương đối lớn bao gồm các đô thị loại I và loại II có quy mô từ 250 nghìn đến 1,5 triệu người. Khu vực đô thị hiện chiếm khoảng hơn 10% diện tích đất tự nhiên cả nước, khoảng gần 34% dân số, đóng góp khoảng 60% GDP và 70% tổng thu ngân sách cả nước; trong đó, chỉ tính riêng năm thành phố trực thuộc trung ương và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã đóng góp khoảng 50%. Do đó, quản lý đô thị là quản lý động lực phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển của đô thị cũng đang đặt ra nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết, bao gồm: số dân đô thị tăng nhanh dẫn đến áp lực của đô thị tăng (môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở…); hạ tầng lạc hậu, quá tải; cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng ngày càng gay gắt và đòi hỏi ngày càng cao của người dân về chất lượng cuộc sống. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm ra mô hình quản lý và phát triển các đô thị không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững của đất nước, và xây dựng ĐTTM là một lựa chọn tất yếu, phù hợp xu thế phát triển của thời đại.
ĐTTM sẽ có đặc điểm nổi bật của một thành phố hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tiên tiến nhất để hiện đại hóa quản lý trong nhiều lĩnh vực như chính quyền điện tử, môi trường, năng lượng, giao thông, quy hoạch và cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và an sinh xã hội cũng như phát triển văn hóa du lịch,… Ở đó, CNTT và truyền thông được ứng dụng một cách hiệu quả, chính quyền cung cấp các dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, sử dụng dữ liệu thu thập được từ chính cộng đồng để liên tục hoàn thiện các chính sách, dịch vụ công của thành phố, đáp ứng tối đa các yêu cầu của phần lớn người dân và doanh nghiệp. Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Phạm Đức Long chia sẻ: Ba đối tượng chính được phục vụ trong ĐTTM là chính quyền, doanh nghiệp, người dân. Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, được chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội,… Doanh nghiệp được hưởng môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí, thu được nhiều thuế.
Triển khai rộng khắp
Có thể nói, xây dựng ĐTTM là chủ trương và tầm nhìn đúng đắn về việc lấy người dân làm trung tâm, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đón nhận xu hướng này, không ít địa phương của Việt Nam đã “ấp ủ” kế hoạch xây dựng những ĐTTM hiện đại. Mặc dù có không ít nghi ngại về khả năng thành công trong việc triển khai và áp dụng các giải pháp thông minh cho đô thị tại Việt Nam, nhưng việc thử nghiệm thành công trên thực tế là minh chứng cho thấy rằng việc này hoàn toàn khả thi. Thí dụ, hội nghị truyền hình là một trong những giải pháp nhằm kiến tạo Chính quyền điện tử – một trong tám lĩnh vực cơ bản của một ĐTTM. Đầu tháng 1-2017, VNPT đã xây dựng thành công hệ thống hội nghị truyền hình kết nối Tòa án Nhân dân tối cao đến các tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc với gần 800 điểm cầu. Thành công của hệ thống cho thấy việc ứng dụng CNTT có thể áp dụng rộng rãi trên cả nước, góp phần xóa mờ khoảng cách địa lý, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp một cách kịp thời, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và kinh phí cho các cuộc họp, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Cũng nằm trong lộ trình thử nghiệm các giải pháp cho ĐTTM, VNPT đã phối hợp với huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) để lắp đặt thử nghiệm hệ thống ca-mê-ra giao thông thông minh. Hệ thống có chức năng phát hiện và phân loại các lỗi vi phạm như: vượt tốc độ quy định, vượt đèn đỏ (có thể bao gồm hành vi dừng sai vạch), đi ngược chiều…, đã đem lại những lợi ích to lớn trong việc hỗ trợ, quản lý an toàn giao thông tại các điểm nóng. Sau gần năm tháng xây dựng, những đặc trưng của ĐTTM đầu tiên tại Việt Nam đang dần được hình thành tại huyện đảo Phú Quốc. Giai đoạn đầu trong lộ trình triển khai gồm bốn giai đoạn đã cơ bản hoàn thành. Nối tiếp thành công này, TP Hồ Chí Minh cũng đã lên kế hoạch biến mình thành một ĐTTM, Buôn Ma Thuột thì trở thành địa điểm lý tưởng để tỉnh Đác Lắc thực hiện bước đột phá về quản lý đô thị. Chắc chắn, nhiều ĐTTM khác với quy mô lớn hơn, tầm vóc hơn, hiện đại hơn sẽ được hình thành trên khắp cả nước, mang lại cho người dân một cuộc sống chất lượng như mong ước.
Mô hình ĐTTM thực tế đã được triển khai rộng khắp tại các nước trên thế giới. Năm 2007, EU đã triển khai một loạt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh ở nhiều thủ đô của các nước trong khối. Tại ASEAN, tháng 11-2014, Xin-ga-po là quốc gia đầu tiên công bố kế hoạch xây dựng “quốc gia thông minh”. Tại Ấn Độ, năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố xây dựng đề án 100 thành phố thông minh.
Theo Nhân dân điện tử