Tăng phân cấp, phân quyền trong Luật Xây dựng sửa đổi
Sáng 28/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng.
Đại diện Ban soạn thảo, ông Hoàng Quang Nhu – Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, quan điểm sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Việc sửa Luật sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường sự quản lý thống nhất của trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, bảo đảm công khai minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo Cục Quản lý xây dựng công trình – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ phận thẩm định của các ban chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều đơn vị mạnh, giàu kinh nghiệm.
Tuy nhiên, nếu phân cấp cho các ban này ở phần thẩm định thiết kế thì rất tốt nhưng với công trình có kỹ thuật phức tạp, nếu đánh giá độ an toàn và thẩm định mà chỉ qua chủ đầu tư thì chưa kỹ hết được.
Còn việc để chủ đầu tư chịu trách nhiệm về bóc tách khối lượng thì nhất trí và nên khống chế tăng giảm các hạng mục trong quá tình thực hiện. Phân cấp là giảm tải và giảm thủ tục hành chính, điều này giúp cơ quan chức năng của các bộ có thời gian xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn phục vụ quản lý nhà nước.
Đại diện Cục Quản lý xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nên để chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, còn cơ quan quản lý nhà nước hoặc chuyên môn xây dựng chỉ kiểm tra rà soát.
Vì nếu chủ đầu tư mà không tổ chức thẩm định phê duyệt thiết kế dự toán thì trách nhiệm của họ cũng chỉ là chuyển hồ sơ thôi. Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ chuyển cho các ban chuyên ngành làm chủ đầu tư, các cục chỉ quản lý nhà nước.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) bày tỏ, các dự án lọc hóa dầu phải mua bản quyền công nghệ của nước ngoài ngoài nên các bước thiết kế khác với Luật Xây dựng nên khi triển khai mà áp theo luật sẽ rất khó tương thích.
Bởi vậy, nhà đầu tư nên phải làm việc với bên bán để có những thiết kế sơ bộ để làm báo cáo tiền khả thi. Nếu báo cáo không được phê duyệt thì khoản tiền bỏ ra mua bản quyền rất lớn mà lại không hạch toán được. Mặt khác, dự án dầu khí quy mô phức tạp, thuê tư vấn nước ngoài chi phí rất lớn, trong khi đó lại chưa có quy định để hoạch toán phần này.
Với nhiều bất cập khi triển khai thực tế, Bộ Xây dựng cho biết, Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi hiện đề xuất sửa đổi 46/168 điều của Luật Xây dựng. Nội dung chủ yếu của Dự thảo Luật sửa đổi theo các nhóm vấn đề.
Cụ thể là hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật liên quan về quy hoạch, kiến trúc, đầu tư công, quảng cáo, an toàn vệ sinh lao động.
Cùng đó là cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng… Đặc biệt là sửa đổi các vướng mắc, bất cập thực tế./.
Thu Hằng/BNEWS/TTXVN