29/04/2020

Tâm lý chờ “đáy” của người mua nhà đang khiến thị trường BĐS khó khăn hơn

Trước những dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu và trong nước tác động trực tiếp tâm lý của khách hàng, tâm lý chờ đợi, thăm dò thị trường của người dân, cũng như việc bán hàng “cắt lỗ” của các nhà đầu tư đơn lẻ gia tăng, làm cho thị trường càng khó khăn hơn.

Ngày 27/4, VNREA có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như phản ảnh những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ dịch Covid-19.

Theo đó, VNREA nhận định cũng như các ngành sản xuất kinh doanh khác, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề do việc thực hiện cách ly xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở, kinh doanh dịch vụ bất động sản (môi giới, tư vấn bất động sản), các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng được cho là bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Mặc dù các doanh nghiệp bất động sản đã chủ động có nhiều biện pháp để chủ động khắc phục khó khăn nhưng bên cạnh đó, cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua giai đoạn hiện nay. Cụ thể như sau:

Đối với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở, hoạt động xây dựng và cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn do công trường phải dừng thi công; vật tư xây dựng trong nước cũng như nhập khẩu bị gián đoạn; nhu cầu khách hàng mua giảm, đặc biệt trước những dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu và trong nước tác động trực tiếp tâm lý của khách hàng, tâm lý chờ đợi, thăm dò thị trường của người dân, cũng như việc bán hàng “cắt lỗ” của các nhà đầu tư đơn lẻ gia tăng, làm cho thị trường càng khó khăn hơn.

Khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua nhà ở giảm sút mạnh trong khi áp lực thu hồi vốn đầu tư, lãi vay ngân hàng ngày càng lớn. Các công ty, sàn giao dịch bất động sản không tổ chức được các hoạt động bán hàng trong giai đoạn dịch bệnh do hạn chế cách ly xã hội, theo thống kê chưa đầy đủ, các hoạt động bán hàng giai đoạn này giảm sút từ 60 – 70%, nhiều sàn giao dịch phải ngừng hoạt động.

Đối với các bất động sản du lịch. Hiện nay, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn trong nước đều do các doanh nghiệp bất động sản đầu tư và quản lý vận hành. Trước khi chưa có dịch Covid-19 các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã có những đóng góp to lớn vào việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Quốc gia, cũng như việc phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nơi có dự án, thu hút một số lượng lớn du khách trong nước và ngoài nước.

Tuy nhiên, do dịch bệnh nên hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này giảm sút dự báo lên đến gần 90%, phần lớn các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa hoặc giảm công suất. Dự báo trong thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh có diễn biến thuyên giảm thì khả năng phục hồi tốt nhất đạt khoảng 50% trong năm 2020 và 60 – 70% cho năm 2021.

Đối với bất động sản đầu tư kinh doanh cho thuê bất động sản như trung tâm thương mại; toà nhà văn phòng… cũng bị thiệt hại nặng nền do tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Các hoạt động kinh doanh, bán hàng bị đình trệ, gián đoạn, dẫn đến số lượng hợp đồng cho thuê mới hầu như không có, các đơn vị thuê trả lại mặt bằng cho thuê nhiều vì kinh phí không trang trải đủ, hầu hết các cơ sở cho thuê văn phòng, thương mại phải giảm giá từ 30 – 50% tiền thuê trong thời gian chống dịch Covid-19.

Bất động sản công nghiệp, bất động sản nông nghiệp được hình thành có quy mô lớn, công nghệ đầu tư, máy móc thiết bị đứng trước hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong xây dựng chuỗi hàng hoá dịch vụ, logistic phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản đang ở mức cao, áp lực trả lãi vay, nợ vay rất lớn, với sự tác động của dịch bệnh Covid-19 có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh mất khả năng thanh toán, phá sản, thu gọn quy mô và diện tích kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành có hoạt động kinh doanh đa ngành nghề bị tác động năng nền từ dịch Covid-19.

Lan Nhi/Nhịp sống kinh tế