23/08/2016

Tạm dừng đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2128/TTg-KTN ngày 24/11/2015 về việc tạm dừng việc đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung tại các địa phương; thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá và hoàn thành báo cáo về tình hình đầu tư xây dựng trụ sở của các cơ quan hành chính nhà nước, khu hành chính tập trung tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Mô hình khu hành chính tập trung nhiều ưu điểm

Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Xây dựng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quy hoạch và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng tập trung đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, việc quy hoạch xây dựng khu hành chính đã góp phần tạo sự gắn kết giữa các công trình thành một quần thể kiến trúc hài hoà, tạo động lực để thu hút đầu tư phát triển đô thị nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội nói chung trên địa bàn.

Mô hình khu hành chính tập trung đã góp phần tiết kiệm quỹ đất, giảm chi phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài công trình như hệ thống chiếu sáng, công trình phụ trợ, diện tích giao thông tĩnh…; góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu suất sử dụng diện tích nhà làm việc và các công trình phụ trợ (phòng họp, hành lang, cầu thang, khu vệ sinh…).

Đặc biệt, khu hành chính tập trung tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công và giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giúp người dân, DN tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại khi đến liên hệ giải quyết công việc và thực hiện thủ tục hành chính. Khu hành chính tập trung cũng đáp ứng được các yêu cầu, mục tiêu hiện đại hóa công sở và xây dựng Chính phủ điện tử; góp phần giảm các chi phí giao dịch hành chính; tiết kiệm các chi phí vận hành, bảo trì trang thiết bị cũng như chi phí phục vụ (bảo vệ, văn thư, vệ sinh, điện, nước…).

Trên thực tế, một số địa phương đã huy động nguồn lực đa dạng theo hình thức xã hội hóa giúp giảm bớt gánh nặng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước; khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ trụ sở cũ, tăng nguồn thu ngân sách…

… Nhưng cũng lắm hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung gồm các tòa nhà cao tầng và các công trình phụ trợ đòi hỏi mức chi phí đầu tư lớn. Nhiều trường hợp có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Đây là khó khăn lớn đối với các địa phương thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đặc biệt là các địa phương mà ngân sách địa phương chưa tự cân đối, còn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương.

Trong khi đó, việc bán trụ sở cũ để tạo nguồn vốn đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, sử dụng cơ sở nhà, đất trụ sở cũ để thanh toán cho nhà đầu tư tại một số địa phương nhất là những nơi mà thị trường BĐS chưa phát triển rất khó triển khai thực hiện, do diện tích trụ sở cũ thường nhỏ, nằm rải rác, giá trị sử dụng, lợi thế kinh doanh không lớn, tổng giá trị quỹ đất chưa đảm bảo để thanh toán cho nhà đầu tư.

Một số địa phương đã thực hiện quy hoạch khu trung tâm hành chính gắn với phát triển khu đô thị, khu dân cư nhằm thu hút đầu tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn đầu tư, nhưng do thị trường BĐS trầm lắng, giá đất đô thị chưa cao nên chưa thu hút được đầu tư và không đảm bảo được nguồn vốn để triển khai xây dựng.

Thậm chí, một số dự án đang triển khai dở dang, đã đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, nhưng không có khả năng bố trí nguồn vốn xây dựng các hạng mục công trình, việc dừng bố trí kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đối với các địa phương gặp khó khăn về ngân sách dẫn đến tình trạng đầu tư dở dang, không phát huy được hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Đáng nói hơn nữa là ở một số địa phương đã phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án đầu tư, nhưng chưa thể triển khai, nếu để lâu sẽ dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo”, lãng phí nguồn lực đất đai. Một số địa phương đã hoàn thành đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung, nhưng việc xử lý, sắp xếp lại các trụ sở cũ để bán thu hồi vốn còn chậm trễ, do đó chưa hoàn thành việc thanh, quyết toán công trình, hoàn vốn cho nhà đầu tư theo quy định.

Phương án thiết kế của một số Khu hành chính tập trung còn một số bất cập dẫn đến sử dụng không hợp lý, lãng phí diện tích, hoặc vượt tiêu chuẩn diện tích theo quy định. Một số địa phương còn nghèo, ngân sách hạn hẹp nhưng quy hoạch, lập dự án hoặc đã đầu tư xây dựng Khu hành chính tập trung với quy mô, vốn đầu tư lớn trong khi nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương chưa cân đối được.

Tạm dừng khởi công mới

Từ thực trạng công tác đầu tư xây dựng khu hành chính tại các địa phương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, Bộ Xây dựng xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng khởi công mới các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thuộc nhóm A trong giai đoạn 2016 – 2020, trừ một số trường hợp: Dự án có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2016 – 2020 của địa phương; Dự án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan; Dự án phù hợp với khả năng tự cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2016 – 2020 và thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung thuộc nhóm A đã khởi công xây dựng và đang thực hiện dở dang, Bộ Xây dựng đề xuất, các địa phương được phép tiếp tục triển khai đối với trường hợp: Các dự án chuyển tiếp có sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đảm bảo bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, không yêu cầu hỗ trợ ngân sách Trung ương; Các dự án chuyển tiếp đang được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công chuyển đổi hình thức đầu tư sang hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư hoặc được điều chỉnh quy mô dự án, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương; Các dự án thực hiện theo hình thức PPP đã được ký kết hợp đồng.

Trường hợp dự án chuyển tiếp thuộc nhóm A nhưng không đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, không thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư hoặc điều chỉnh quy mô dự án, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương thì phải tạm dừng thực hiện dự án.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung thuộc nhóm B và nhóm C đang triển khai thực hiện, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc tạm dừng hoặc tiếp tục triển khai trên cơ sở bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật có liên quan và khả năng cân đối vốn đầu tư…

Bộ Xây dựng cùng đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tại các địa phương. Trong chỉ thị nêu rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan, các địa phương…

Đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung là khó khăn lớn đối với các địa phương thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đặc biệt là các địa phương mà ngân sách chưa tự cân đối được.

Quý Anh/Báo Xây dựng