Tài nguyên nước quốc gia và sự khô hạn các bản quy hoạch, dữ liệu đầu vào
Ngày 11.8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và môt số đơn vị trực thuộc Bộ để nghe báo cáo tiến độ xây dựng các Quy hoạch tài nguyên nước, trong đó có Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến 2025 (1).
Sau 5 năm triển khai chưa có Quy hoạch nước sông Hồng
Năm 2016, Bộ TN&MT khởi động lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Tháng 12.2017, Bộ phê duyệt nhiệm vụ, dự kiến trình duyệt vào quý III.2021 (2). Nhưng đến ngày 11.8.2021, Bộ TN&MT vẫn còn trao đổi với các đơn vị thực hiện để giữ vững tiến độ, nhằm “rà soát, hoàn thiện các thông tin số liệu tài nguyên nước đề xuất các giải pháp trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình” (1). Nếu vẫn còn “đưa đẩy” ở mức này thì không biết bao giờ mới có Quy hoạch? Trong khi đó Hà Nội đang khẩn trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Thực ra, nếu không có số liệu “tài nguyên nước” làm thông tin đầu vào thì không chỉ Hà Nội mà các tỉnh đồng bằng sông Hồng còn vướng mắc.
Việc cũ chưa xong thì việc mới lại ập vào: Bộ TN&MT đang đối mặt cả “núi công việc” liên quan đến Quy hoạch tài nguyên nước từ địa phương tới toàn quốc liên quan tới các sông hồ từ Bắc chí Nam, trong khi vẫn đang loay hoay tập hợp số liệu bộ ngành, địa phương và “…tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến để trao đổi, xây dựng các nội dung liên quan đến quy hoạch như cách tiếp cận để quy hoạch, phương pháp luận lập quy hoạch… Đồng thời, đã phối hợp với các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước, các chuyên gia tổ chức nhiều cuộc họp trao đổi về các vấn đề tính toán tài nguyên nước, hiện trạng khai thác, sử dụng, các vấn đề về tài nguyên nước trên các lưu vực sông…” (1)
Cách đây hơn 120 năm, Hà Nội và cả vùng châu thổ sông Hồng cũng đối mặt với nhiệm vụ tương tự: các dự án giao thông, đô thị, công kỹ nghệ, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn phục vụ chương trình khai thác thuộc địa tại Bắc Kỳ… Bộ máy thuộc địa khi đó phải trả lời cho các nhà đầu tư là sông Hồng – Thái Bình có mức an toàn như thế nào. Các kỹ sư Địa lý – Thủy lợi Pháp đã khảo sát, tập hợp tư liệu từ năm 1886 đến 1926. Năm 1905, Nha Địa dư Đông Dương hoàn tất Bản đồ địa hình/thủy hệ làm cơ sở để Nha Công chính thiết kế, thi công từng phần hệ thống đê điều từ năm 1917 đến 1922. Sau 1926 thì thi công quy mô.
Trước năm 1885, nước ta đã đắp 22 triệu m3 đê. Trong 40 năm (1985-1924) đã thực hiện 44 triệu m3; Giai đoạn 1924-1930 gần 74 triệu m3; 1930-1935: 87 triệu m3; 1953-1941: 100 triệu m3. (3) Từ sau 1941,việc đắp đê suy giảm, giai đoạn 1954-1980, chỉ đắp thêm 10 triệu m3. (4) Đập thủy điện Sông Đà xây dựng (1986-1994) giảm nguy cơ lũ lụt, mặt đê sông Hồng lại được đầu tư gia cố, gánh thêm chức năng giao thông (vốn vayADB ,1996-2006).
Năm 2009, nước ta đầu tư 4.400 tỷ đồng bằng trái phiếu Chính phủ cho 18 dự án thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng… Số liệu từ nhiều nguồn vì tra cứu thông tin của Bộ TN&MT hầu như không thấy, đặc biệt là dữ liệu bản đồ. Từ năm 2005, Bộ TN&MT triển khai Tổng kiểm kê đất đai toàn quốc, nhưng thông tin đất mặt nước rất còn mơ hồ nên rất dễ bị suy giảm. Giai đoạn 2006-2008, riêng tỉnh Hà Tây đã giao hàng chục ngàn ngàn ha đất trong hành lang thoát lũ hay mặt hồ trữ nước để nghiên cứu phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản…
Năm 2016, Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình” với tổng kinh phí đầu tư 112.668 tỷ đổng, phần lớn nội dung Quy hoạch này vẫn chưa thấy triển khai.
Đầu tư khi không có không có quy hoạch: thấy nguy cơ nhưng không có giải pháp
Phát biểu chủ trì Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) “Việt Nam – hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” (vào tháng 5.2019) Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chỉ ra những thực trạng đáng báo động tài nguyên nước Việt Nam: Việt Nam cũng là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu… nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, hạn hán kéo dài hơn và diễn ra nghiêm trọng hơn, nhiều khu vực nước ngọt bị xâm nhập mặn và ô nhiễm gia tăng, khả năng chống chịu với thiên tai suy giảm, đặc biệt là hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.
Đã đến lúc chúng ta không nên ngộ nhận rằng chúng ta là quốc gia giàu về tài nguyên nước mà cần thẳng thắn chỉ ra rằng: Việt Nam là quốc gia nghèo về nước nhưng lại sử dụng lãng phí tài nguyên nước… (5)
Cũng có thể vì chưa biết tài nguyên nước quý giá nhường nào, nên đã có đề xuất dùng tài nguyên nước sạch sông Hồng để thau rửa, hòa loãng nước bẩn sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy. Còn các con sông này ngày càng ô nhiễm hơn sau 12 năm (2008-2020) thực hiện “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy”. Bộ TN&MT là thường trực Ủy ban để vận hành Đề án, là đơn vị lập Quy hoạch môi trường nhưng sau 4 năm (2008-2012) mới xây dựng nhiệm vụ mà chưa lập xong Quy hoạch. Không có bản đồ tác chiến nên 12 năm “chiến đấu” với nạn ô nhiễm không rõ lộ trình cụ thể, giải pháp vẫn rất mơ hồ, nên đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng mà không đạt kết quả tương xứng.
Câu hỏi đặt ra là trước khi triển khai Quy hoạch tài nguyên nước toàn quốc, nên chăng Bộ TN&MT khẩn trương công bố Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình để các bên liên quan cùng tham gia/đánh giá một cách thấu đáo?
Được biết Bộ TN&MT có nhiệm xây dựng phần mềm quản lý chung cho các bộ ngành địa phương cập nhật, khai thác dữ liệu kiểm kê, chúng tôi giới thiệu một phần bộ dữ liệu sông hồ Nhật Bản do Bộ Đất đai hạ tầng và du lịch (MLIT) công bố như một dữ liệu để tham khảo. Bản đồ Hệ thống sông hồ toàn Nhật Bản (trích), tỷ lệ 1/4.000.000 mô tả các dòng sông chảy trên địa hình có độ dốc đồi núi, đường phân thủy để thấy rõ lưu vực sông suối các dòng sông to nhỏ nông sâu khác nhau, kèm theo biều đồ lưu lượng các sông chính qua các mùa trong năm. Có bản đồ mô tả các thảm họa ngập lụt, sạt lở đất. Tại các khu vực quan trọng có bản đồ tỷ lệ 1/500.000 mô tả chi tiết từng loại đất, khả năng tiêu thoát nước hay nguy cơ ngập úng, sụt lún.
Bản đồ Chi phí đầu tư các dự án khắc phục thảm họa do ngập úng, lở đất, mưa bão, động đất: mô tả mức chi phí cho từng nguyên nhân tại các địa điểm khác nhau. Trích khu bản đồ ô nhiễm đất nước vùng Tokyo, mức ô nhiễm từng các con sông khác nhau. Đây chỉ là vài ví dụ nhỏ trong Web site của Bộ MLIT công bố (trích ảnh minh họa theo chủ đề – không thể hiện nội dung biên giới/ lãnh thổ – NV).
Hy vọng ví dụ điển hình này sẽ là gợi ý “sáng nước” giúp Bộ TNMT nhanh chóng hoàn thành bộ tư liệu kiểm kê nước sông Hồng – Thái Bình và cả quốc gia… một cách chất lượng và hữu dụng.
Trần Huy Ánh/nguoidothi.net.vn