Tiến sĩ Abbas Mohajerani, Đại học RMIT tại Melbourne đang phát triển dự án biến chất thải từ tàn và mẩu thuốc lá còn lại sau khi hút thành những viên gạch xây dựng.
(Ảnh minh họa)
Từ hành động nhỏ của một cá nhân vứt những mẩu thuốc lá còn lại sau khi hút và thả tàn thuốc ra môi trường khi nhân lên vài nghìn tỷ lần trên toàn thế giới, lượng chất thải có thể lên tới 1,2 tỷ tấn. Chất thải này khi trộn lẫn với các chất thải thực vật và các kim loại nặng có thể gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Chất thải từ thuốc lá được dự báo sẽ tăng lên 50% vào năm 2025.
Từ thực tế đó, Tiến sĩ Abbas Mohajerani, trường Đại học RMIT, Melbourne đã đặt mục tiêu sử dụng chất thải này để sản xuất những viên gạch xây dựng. Tiến sĩ Mohajerani cho biết: “Tôi đã mơ ước nhiều năm nay về việc tìm ra phương pháp bền vững và thực tiễn cho việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm chất thải thuốc lá”. Nếu lượng vật liệu để sản xuất 2,5% các sản phẩm gạch toàn cầu là từ tàn và mẩu thuốc lá thì có thể sử dụng được hết lượng chất thải từ thuốc lá.
Gạch được sản xuất từ tàn và mẩu thuốc lá rẻ hơn và sử dụng ít năng lượng hơn so với gạch nung truyền thống. Các mẩu thuốc lá được trộn với gạch đất sét truyền thống, làm giảm 58% lượng năng lượng cần thiết. Những viên gạch này có khả năng cách điện tốt hơn, giúp cắt giảm chi phí sưởi và làm mát trong nhà và dễ dàng vận chuyển bởi gạch có trọng lượng nhẹ hơn gạch truyền thống. Mohajerani tin rằng kỹ thuật của ông có thể góp phần lớn vào việc chống ô nhiễm toàn cầu.
Mặc dù việc sản xuất gạch từ tàn và mẩu thuốc lá vẫn còn đang được nghiên cứu, nhưng công việc của Tiến sĩ Mohajerani và nhóm của ông là một giải pháp sáng tạo đầy hữu ích.
Thu Giang (Theo Inhabitat)/Báo Xây dựng