Sửa chữa, khắc phục hư hỏng nhà tái định cư: Sửa xong có hết hỏng?
Tết Ất Mùi là thời hạn được lãnh đạo TP Hà Nội chốt để các đơn vị duy tu, sữa chữa khắc phục các hư hỏng các trang thiết bị thiết yếu tại các khu nhà tái định cư trên địa bàn TP. Tuy nhiên, với những tòa nhà đã hư hỏng, xuống cấp trong nhiều năm nhưng TP Hà Nội chỉ sữa chữa phía bên ngoài và những phần thuộc sở hữu chung thì có mang lại hiệu quả?
Xuống cấp trầm trọng!
Theo khảo sát của PV, hầu hết các tòa nhà tái định cư được cư dân vào ỏ trong vòng 5 năm trở lại đây đều xuống cấp trầm trọng.Tại các tòa nhà B11A, B11B, B11C, B11D tại khu tái định cư Nam Trung Yên chất lượng tường nhà xuống cấp quá nhanh, tường bao từng mảng rêu lâu ngày đóng kịt thành lớp dày hiện diện trên bề mặt cả trong lẫn ngoài tòa các tòa chung cư .Tệ nhất là nhà B11c, các vết nứt chạy dài trên tường nham nhở.
Để khắc phục, chủ đầu tư phải tạm vá víu cả 4 lô nhà trên đang được chủ đầu tư trát lại các vết rạn nứt và sơn lại toàn bộ phía ngoài. Nhận xét về việc chủ đầu tư sơn sửa lại phía ngoài tòa nhà, một cư dân khác tại nhà B11A cho rằng nếu chủ đầu tư chỉ sơn sửa bên ngoài chỉ là “phủ lớp sơn trên thanh gỗ mục” bởi “phía trong nhà từng ngôi nhà vẫn bị mốc rộp nhiều nơi. Trần lại gặp vấn đề thấm nước”.
Tuy nhiên, “xập xệ đến mức không chịu nổi” là 2 tòa nhà A4, A5 của khu tại định cư Đền Lừ 2, Q.Hoàng Mai. Ngay tại tầng 1 nhà A4, nền gạch đã bong tróc, nước theo những kẽ hở ở mặt nền tràn ra lênh láng. Tình trạng gạch bị bung ra lặp lại ở gần như tất cả các hành lang của tất cả các tầng 2 tòa nhà A4, A5. Ngoài gạch bong, tường tróc vảy, người dân hai tòa A4 và A5 còn phải chịu cảnh dùng “nước sinh hoạt màu vàng, nhìn trông nhờ nhờ”. Một chủ căn hộ chứng minh lời anh nói bằng cách đưa xô nước vừa xả từ vòi ra, sau khi nước chảy quá nửa phần xô thì đã thấy cặn nước đen kịt ở dưới đáy.
Để khắc phục, nhiều hộ dân cho hay, họ phải dùng tới hai máy lọc nước mới dám dùng. “Có khi vừa mới mua máy lọc được một tháng đã phải mang đi sửa vì cặn nước đóng vảy, khiến máy hỏng. Nhiều nhà hãi quá chuyển sang dùng nước đóng bình cho yên tâm”, anh Bình chủ căn hộ tầng 4 nhà A4 nói.
Chỉ sửa chữa bên ngoài, phần sở hữu chung
Trước tình trạng xuống cấp, xấp xệ diễn ra từ nhiều năm trong các tòa nhà tái định cư trên địa bàn TP. Ngày 20.11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội phải kiểm tra, rà soát và có trách nhiệm thực hiện ngay việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng các trang thiết bị thiết yếu tại các khu nhà tái định cư.
Ông Hùng yêu cầu các đơn vị trên phải thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, vỉa hè… trong tòa nhà đã bị hư hỏng, xuống cấp theo đúng quy định và xong trước Tết nguyên đán Ất Mùi, bảo đảm ổn định và phục vụ tốt các hộ dân trong các tòa nhà chung cư tái định cư thuộc diện quản lý.
Trả lời PV Lao Động, đại diện Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết có kế hoạch của Sở Xây dựng rồi sẽ thông báo lại. Khi được hỏi thêm về tiến độ cụ thể, đại diện Cty này nói rằng “vẫn đang làm, sẽ thông báo lại sau”. Trong khi đó, theo đại diện của Cty Handico thì kinh phí sữa chữa nhà tái định cư người dân không phải đóng, không phải di dời dân đi đâu. “Chỉ sửa chữa, sơn sửa lại mặt ngoài. Trong căn hộ, gnười dân phải tự làm, kể cả rò rỉ nước trong căn hộ, người dân cũng sẽ tự phải làm. Chỉ sửa chữa, bảo dưỡng những hạng mục nào của chung. Còn riêng trong từng căn hộ thì người dân tự làm”, đại diện Handico nói.
Theo Lao Động