29/06/2021

Sử dụng vật liệu không nung: Khuyến khích hay bắt buộc?

Thống kê của Bộ Xây dựng vào cuối năm 2014 cho thấy, toàn quốc có hơn chục nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp đi vào hoạt động. Thế nhưng, đến năm 2020 thì đã đóng cửa gần hết do không tiêu thụ được sản phẩm.

Từ ngày 28-4-2010, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg cho tới Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 28-11-2012 có cùng nội dung tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung… đến nay, tính ra đã hơn 10 năm. Căn cứ vào các chỉ đạo trên, lần lượt xuất hiện làn sóng ào ạt đầu tư VLXKN và đưa ra thị trường khá nhiều sản phẩm như bê tông khí chưng áp (AAC), gạch xi măng cốt liệu… với nhiều công nghệ đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức… và cả Việt Nam.

Thống kê của Bộ Xây dựng vào cuối năm 2014 cho thấy, toàn quốc có hơn chục nhà máy sản xuất AAC đi vào hoạt động. Thế nhưng, đến năm 2020 thì đã đóng cửa gần hết do không tiêu thụ được sản phẩm. Tính ra, trung bình mỗi dây chuyền sản xuất phải đầu tư từ 50-80 tỷ đồng đã bị đắp chiếu, cả ngàn doanh nghiệp sản xuất gạch xi măng cốt liệu đóng cửa nhà máy. Kết quả không như mong đợi đã khiến ngành vật liệu không nung như đang “bị nung” và rơi vào bế tắc. Vậy mà mới đây, tại dự thảo xây dựng “Chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến năm 2030” của Bộ Xây dựng lại có vài nội dung khiến các doanh nghiệp đang “sống lay lắt” chẳng thấy “con tim đã vui trở lại”.

Tổng giám đốc một công ty sản xuất gạch khối nhận xét, dự thảo có đề xuất giải pháp thực hiện cho VLXKN, đó là “Đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn khác: Khuyến khích sử dụng VLXKN và VLKN nhẹ tại các công trình nhà cao tầng, hạn chế việc sử dụng gạch đất sét nung với tất cả các loại công trình”. Nội dung như vậy không có gì mới so với trước kia. Ban dự thảo cần thay đổi thuật ngữ từ “khuyến khích” sang “bắt buộc” sử dụng VLKN thì mới có chuyển biến. Bởi các công trình không dùng vốn ngân sách rất nhiều và đa dạng; chủ đầu tư có thể tự do lựa chọn sản phẩm VLKN nào cũng được, chứ không cứ là vật liệu nhẹ. “Nếu chỉ quy định công trình có vốn ngân sách nhà nước phải dùng 100% VLKN, còn các công trình có vốn khác chỉ khuyến khích thì sẽ gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như sản xuất kinh doanh của ngành VLKN. Do đó, Bộ Xây dựng nên có sự điều chỉnh một vài thuật ngữ để chính sách đi vào cuộc sống và doanh nghiệp đã đầu tư VLKN còn có cơ hội hồi sinh”, vị tổng giám đốc này nhấn mạnh.

Ngoài ra còn phải có chế tài đủ mạnh đối với các công trình từ 9 tầng trở lên, yêu cầu phải sử dụng 70% VLKN; nếu không thực hiện thì sở xây dựng địa phương không nghiệm thu công trình, từ đó công trình không được hoàn công và đưa vào sử dụng. Mặt khác, cần sòng phẳng về thuế, vì gạch không nung bị tính thuế trên từng viên gạch, còn gạch nung thì không. Vấn đề nữa là phải quy định rõ lộ trình hạn chế việc sử dụng gạch nung trong xây dựng tại các khu đô thị lớn không phụ thuộc vào nguồn vốn, đặc biệt với nhà cao tầng, tiến tới ngưng sử dụng gạch nung khi điều kiện cho phép. Và không quên liên kết chương trình phát triển VLKN với chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; trong đó có cấu phần dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam.

Dũng Lê/Sài Gòn giải phóng