09/08/2017

Sơn Trà & câu chuyện quy hoạch

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Ngày15/2/2017, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng công bố phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Sự kiện này đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các hiệp hội, cơ quan quản lý địa phương và trung ương. Trước sự việc trên ngày 28/5/2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng UBND TP Đà Nẵng, để nghe các cơ quan này báo cáo việc tiếp thu kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà và đã có kết luận đồng ý cho Bộ Văn hoá và Đà Nẵng 3 tháng để trả lời các kiến nghị của Hiệp hội du lịch tỉnh này về quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Dự án xây dựng khu khách sạn lưu trú làm phá vỡ cảnh quan và môi sinh đặc hữu của Sơn Trà

Dự án xây dựng khu khách sạn lưu trú làm phá vỡ cảnh quan và môi sinh đặc hữu của Sơn Trà

Một bán đảo nhiều tiềm năng
Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc. Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Bán đảo có diện tích hơn 4.400ha, dài 13km với chu vi khoảng 60km, độ cao trung bình 350m, nơi cao nhất gần 700m. Cùng với đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà như bình phong bao bọc, che chắn cho thành phố Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà có ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, rộng hơn 4.400ha, nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km về phía đông bắc. Bán đảo này là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Sơn Trà là báu vật của Đà Nẵng. Bán đảo là hệ sinh thái khép kín với 4 kiểu rừng phân theo độ cao từ trên xuống dưới. Ở trên là rừng mưa ẩm nhiệt đới, lưng chừng là rừng nửa khô hạn rồi đến rừng còi và đới thực vật ven biển. Phía dưới là thảm cỏ và san hô. Cả vùng Đà Nẵng kéo dài đến Hội An (Quảng Nam) chỉ có bán đảo Sơn Trà được coi là nơi đa dạng sinh học. Đây là túi chứa nước ngọt cung cấp cho thành phố và hệ nước ngầm toàn bộ Đà Nẵng, Hội An nên có giá trị môi trường rất cao, là lá phổi xanh. Ở Sơn Trà có gần 1.000 loài thực vật bậc cao, trong đó 57 loài cho củ, quả làm thức ăn cho người và động vật. Bán đảo cũng là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, trong đó có 22 loài quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ như mèo rừng, chồn bạc má… Nổi bật nhất là quần thể linh trưởng đặc hữu của Đông Dương – voọc chà vá chân nâu – với số lượng 300-400 cá thể.
Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, hệ nước ngầm, Sơn Trà còn đóng vai trò quan trọng trong quốc phòng. Hiện phía Tây bán đảo là cảng hàng hóa kết hợp du lịch Tiên Sa. Đây là cảng nước sâu quan trọng nhất miền Trung, là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây xuất phát từ Myanmar, qua Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và kết thúc tại Đà Nẵng.

Những nguy cơ từ điều chỉnh cục bộ
Theo những quan sát của các chuyên gia được phản ánh trên báo chí, từ những năm 1998 đến 2015, dù quy hoạch chung chưa được duyệt, nhưng Đà Nẵng đã cấp phép đầu tư cho 14 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, biệt thự lớn nhỏ tại Sơn Trà với tổng diện tích khoảng 1.200ha, chiếm 27,6% và gần bằng 1/3 bán đảo. Đà Nẵng đã chuyển mục đích sử dụng 1.847,9ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sang các loại đất khác. Đây là vấn đề bất cập lớn trong quản lý khu bảo tồn vì theo Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004, việc chuyển mục đích sử dụng rừng trong khu bảo tồn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Tháng 03/2017, công ty Biển Tiên Sa đào xới Sơn Trà xây khu nghỉ dưỡng và bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì xây 40 móng biệt thự không phép. Công trình nằm trong Dự án khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, có diện tích khoảng 177ha. Chủ đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư vào tháng 3/2004. Khu nghỉ dưỡng cũng nằm trong quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt. Đất rừng nơi xây dựng đã được chuyển đổi sang đất thương mại khiến nhiều chuyên gia và người dân lo ngại lá phổi xanh của Đà Nẵng bị bê tông hoá. Hiện dự án dừng thi công chờ quyết định của Thủ tướng.

Đồ án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Sơn Trà đến năm 2025 định hướng đến năm 2030

Đồ án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Sơn Trà đến năm 2025 định hướng đến năm 2030

Bản đồ quy hoạch ranh giới khi vực phát triển và bảo tồn Đồ án QH 1/2000 bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng

Bản đồ quy hoạch ranh giới khi vực phát triển và bảo tồn Đồ án QH 1/2000 bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng

Về đồ án quy hoạch Sơn Trà 2014
Trước đó, Đồ án Quy hoạch bán đảo Sơn Trà 1/2000 do Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM) thực hiện năm 2014 đã được đánh giá rất cao bởi một loạt những chiến lược được đề xuất nhằm nâng cao vị thế của Sơn Trà như một điểm đến cho du lịch sinh thái đồng thời bảo vệ những tài sản thiên nhiên độc đáo. Bản quy hoạch đề xuất tạo ra vùng không xây dựng đối với khu vực có độ cao trên 100m đồng thời đề xuất vị trí các vùng phát triển có thể tạo ra các cơ hội kinh tế mà không ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường. Dựa trên nghiên cứu độ dốc, bản quy hoạch xác định vị trí xây dựng phù hợp nhằm giảm thiểu việc san lấp đất dọc sườn đồi và bờ biển. Tác động thị giác của các dự án phát triển trong tương lai cũng được giảm thiểu bằng cách bố trí các dự án trong thung lũng hoặc xung quanh các vịnh nhỏ, nơi mà công trình có thể được “giấu” vào trong thiên nhiên.
Các ý tưởng chủ đạo của đồ án bao gồm:
Tạo ra một công viên quốc gia mới cho Việt Nam với việc tuân thủ những chỉ dẫn một cách nghiêm ngặt nhằm tạo ra một sự đảm bảo chắc chắn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, xứng đáng với danh hiệu một công viên quốc gia dựa trên giá trị cảnh quan tự nhiên của bán đảo.
Thúc đẩy du lịch sinh thái với việc khuyến khích các hoạt động du lịch tại khu vực đất liền và dưới nước, bao gồm các hoạt động khám phá tài nguyên quý giá, giải trí ngoài trời, ưu tiên hoạt động đi bộ, tổ chức các sự kiện thể thao truyền thống hay củng cố dịch vụ phục vụ bơi lội, lặn biển, tham quan đáy biển.
Đảm bảo thiên nhiên luôn là chủ đạo với việc giới hạn sự phát triển sao cho chỉ nằm ở những khu vực thấp dọc bờ biển, giúp đảm bảo rằng khung cảnh thiên nhiên của bán đảo vẫn là hình ảnh chủ đạo khi quan sát từ xa. Các dự án phát triển xây dựng không nên nằm ở vị trí cao hơn mức +100m trên mực nước biển.
Tích hợp phát triển vào bên trong tự nhiên với việc ẩn các công trình xây dựng nhân tạo vào địa hình tự nhiên vốn có. Phải hòa vào cảnh quan tự nhiên ngay từ tính chất của vật liệu xây dựng. Có thể xây dựng các dự án nằm cao hơn mức +100m trên mực nước biển tại những thung lũng nếu các công trình thực sự được tích hợp hài hòa với khung cảnh xung quanh. Những dự án nằm ở những đỉnh đồi và các điểm cao của bán đảo thì nhất định không được cho phép.
Bảo tồn môi trường sống hoang dã trên đất liền cũng như dưới biển. Chỉ tác động nhẹ nhàng lên mặt đất, hạn chế tác động, giảm thiểu tới mức thấp nhất những dấu tích xây dựng trên cảnh quan tự nhiên.
Sôi động hóa khu vực cảng và bến cảng với việc tạo nên một điểm đến thu hút cũng như một trung tâm năng động dọc theo phía thành phố của bán đảo Sơn Trà. Thành lập những khu tập trung dân cư sôi động, khu vực dạo chơi thư giãn ven bờ và cả những trung tâm cung cấp những dịch vụ giải trí về đêm cho người dân và khách du lịch có nhu cầu ở những khu vực nhất định dọc theo bờ biển.
Tạo ra một hòn đảo với nhiều con đường nhỏ và giảm thiểu tác động của phương tiện giao thông. Tập trung hướng đến hoạt động đi bộ, đạp xe hay leo núi với việc bổ sung thêm hệ thống đường mòn nhỏ được thiết kế nối liền những công trình dọc bờ biển, kết nối các khu cảng với nhau. Bên cạnh đó, hạn chế, giảm thiểu tác động của việc xây dựng các con đường cắt ngang vào những cảnh quan địa hình sẵn có.
Tạo ra một điểm đến thu hút trên đỉnh núi, hé lộ những góc nhìn tuyệt đẹp về thành phố và ra biển với việc thiết lập một điểm vọng cảnh rộng lớn nhìn về thành phố thông qua hệ thống cáp treo chạy xuyên qua một thung lũng bắt đầu từ bờ phía Nam.
Tuy nhiên tại thời điểm đó cũng có nhiều ý kiến chuyên gia phản biện nhận xét đồ án này còn thiếu những thông tin cần thiết làm nền tảng cho một quy hoạch bảo tồn khoa học hệ động thực vật về môi trường đặc hữu như khảo sát về đa dạng sinh học, thảm thực vật, đất,… chưa thực hiện các quy hoạch giới hạn độ cao trong vòng 100m để có thể bảo tồn hệ thống đa dạng Sơn Trà cũng như có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái môi trường sinh tồn của loài Voọc chà vá quý hiếm, cũng như hệ sinh quyển của đô thị Đà Nẵng và các đô thị lân cận.

Điều chỉnh QHC TP Đà Nẵng năm 2030 tầm nhìn 2050

Điều chỉnh QHC TP Đà Nẵng năm 2030 tầm nhìn 2050

Về bản quy hoạch tổng thể phát triển Khu di lịch quốc gia 2017
Gần đây, ngày 15/02/2017, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng công bố phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu phát triển là đến 2030 Khu DLQG Sơn Trà thành trung tâm Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước, là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia. Chỉ tiêu khách du lịch được đặt ra đến năm 2030, đón trên 4,6 triệu lượt khách với mức tổng thu tương ứng đạt 4.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 2.800 lao động trực tiếp. Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, Quy hoạch đã đưa ra 6 định hướng và 8 nhóm giải pháp lớn trong đó hình thành 3 trung tâm dịch vụ và cửa ngõ vào Khu du lịch quốc gia trên 3 trục tiếp cận Bán đảo Sơn Trà, gồm: Trung tâm đón tiếp và lưu trú Hồ Xanh – Bãi Bụt; trung tâm diễn giải môi trường và du lịch sinh thái tại khu vực giao cắt giữa đường lên đỉnh Bàn Cờ và đường Yết Kiêu và trung tâm dịch vụ du lịch, nhà hàng tại khu vực Tiên Sa. Hình thành các trung tâm, cụm dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp. Quy mô đến năm 2030 có khoảng 1.600 buồng khách sạn. Phát triển các khu chức năng phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao và ngắm cảnh… Cũng theo bản Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, từ 200m trở xuống sẽ phát triển các khu du lịch. Sẽ có 1.056 ha rừng được chuyển đổi sang mục đích du lịch. Diện tích rừng này nằm trong 1.200ha rừng UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng năm 2008.
Trước sự kiện trên, các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị và du lịch đã lên tiếng cảnh báo về các nguy cơ phá vỡ quy hoạch cũng như những tác động lâu dài tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của đô thị Đà Nẵng cũng như một số đô thị lận cận.
Các chuyên gia đã phản biện cho rằng việc quy hoạch phát triển du lịch Sơn Trà chưa có định hướng dài hạn rõ ràng để phù hợp với tiềm năng, lợi thế cũng như vị trí của Sơn Trà trong vấn đề an ninh, quốc phòng của cả nước và bảo vệ môi trường của thành phố.
Đại diện Hiệp hội du lịch, đã lên tiếng cho rằng bản Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc giá Sơn Trà đã vi phạm Luật Đầu tư năm 2014 và vượt thẩm quyền của Quốc hội. Viện dẫn Điều 30 của luật này, nếu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên thì thẩm quyền quyết định là của Quốc hội. Nếu Nhà nước quyết tâm bảo vệ voọc chà vá chân nâu, bảo vệ đa dạng sinh học Sơn Trà, thì phải có nghiên cứu cụ thể, khoa học trước khi làm quy hoạch.
Nếu bán đảo Sơn Trà bị khoác lên lớp áo là những khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort theo bản quy hoạch thì gần một nửa màu xanh của Sơn Trà sẽ biến mất, các loài linh trưởng quý hiếm bị xâm hại môi trường sống nghiêm trọng, kèm theo nhiều nguy cơ về hệ sinh thái, rạn san hô.
Ngày 11/5/2017, Tổng cục Du lịch vào làm việc với phía hiệp hội nhưng không tìm được tiếng nói chung. Ngay hôm sau, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có văn bản yêu cầu Bộ Văn hóa, UBND TP Đà Nẵng làm việc với phía Hiệp hội du lịch Đà Nẵng trên tinh thần “cầu thị” và “công bố rộng rãi cho công luận”.

Cần một hướng tiếp cận đa ngành
Với các giá trị tiềm năng về hệ sinh thái động thực vật quý hiếm, môi trường về sinh quyển cho đô thị Đà Nẵng và các chùm đô thị lân cận, quy hoạch Bán đảo Sơn Trà trước hết cần được nhìn nhận ở yếu tố đa ngành.
– Là một phần tất yếu trong đô thị Đà Năng, không gian Sơn Trà cần đảm bảo tính kết nối với tổng thể thành phố Đà Nằng. Theo nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013, khu vực bán đảo Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động thực vật quý hiếm. Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn tự nhiên tại các khu vực dưới chân bán đảo Sơn Trà. Khu ven biển phía Đông, có vị trí thuận lợi về phát triển kinh tế và du lịch, nghỉ dưỡng; giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của thành phố, là đầu mối giao thông quan trọng về vận tải; phát triển các lĩnh vực bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục đào tạo. Khu vực ven biển Đông từ Sơn Trà đến Non Nước phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, công viên nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí; trục Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn đến Trần Đại Nghĩa phát triển các văn phòng cho thuê.
– Để đạt mục tiêu trở thành một trong những khu du lịch trọng điểm của quốc gia, theo định hướng của Chiến lược phát triển du lịch quốc gia và để góp phần khai thác hợp lý tiềm năng du lịch ở Sơn Trà, trước hết cần lập quy hoạch để phát triển du lịch Sơn Trà trên bình diện tổng thể với tầm nhìn dài hạn, làm tiền đề quản lý khai thác tài nguyên, xây dựng các quy hoạch chi tiết và các dự án phù hợp tiềm năng và yêu cầu thực tế. Nên đặt mục tiêu phát triển du lịch – kinh tế du lịch cân bằng với các mục tiêu sinh thái, an toàn môi sinh, đa dạng về không gian, phát triển đô thị…
– Đánh giá đúng vai trò tiềm năng của Sơn Trà trong tổng thể đô thị, đặc biệt là ý nghĩa về môi sinh. Trong điều kiện hiện nay, quy hoạch cần khẳng định vai trò về môi trường và hệ sinh thái là quan trọng nhất để xây dựng các chiến lược quy hoạch và quản lý không gian gắn với bảo tồn hệ sinh thái động thực vật đặc hữu của bán đảo Sơn Trà. Quy hoạch rõ và cam kết duy trì lâu dài các vùng bảo tồn thiên nhiên đặc hữu, bất khả xâm phạm.
– Quy hoạch nhấn mạnh các giá trị sinh thái của Sơn Trà, coi đây là một thế mạnh về sinh thái trong phát triển đô thị bền vững cũng như kinh tế xã hội, phù hợp với các mục tiêu xây dựng phát triển đô thị Đà Nẵng sinh thái và nhân văn. Rất nhiều đô thị trên thế giới đã quy hoạch bảo tồn không gian thiên nhiên đặc hữu để trở thành thế mạnh và động lực cho phát triển kinh tế của đô thị xanh như trường hợp của Singapore hay TP Vancouver (Canada) đã rất thành công.
– Có giải pháp hạn chế tối đa cấp phép xây dựng khu nghỉ dưỡng với số phòng lưu trú lớn (các chuyên gia Hiệp hội du lịch đề xuất loại bỏ hoàn toàn cấp phép mới, chỉ nên giữ tối đa số lượng 300 buồng lưu trú đã có như hiện nay). Các giải pháp quy hoạch dù cho phép khai thác du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng cũng cần khống chế loại bỏ các giải pháp quy hoạch đầu tư dự án can thiệp thô bạo, có khối lượng san ủi mặt bằng khối lượng lớn. Khuyến khích phát triển các mô hình du lịch sinh thái ít lưu trú hoặc sử dụng các vật liệu thân thiện, bản địa, nhưng có giá trị giá tăng cao như du lịch mạo hiểm, dù lượn…
– Duy trì quy chế hoàn thổ đối với các dự án đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng được cấp phép bao quy định số lượng cây phái trồng và chăm sóc lại tương quan với diện tích xây dựng của dự án, các loại thuế môi trường, thuế tài nguyên… Xóa bỏ các tiêu chí tỷ lệ diện tích hoàn thổ cố định tiến tới tăng dần theo lộ trình tỷ lệ diện tích hoàn thổ theo thời gian toàn vòng đời của dự án./.

KTS Trần Quốc Hoan

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM) 2013, Son Tra Peninsula Strategic Vision Plan 1/2000, http://www.aia.org/practicing/awards/2014/regional-urban-design/son-tra-peninsula.
Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, 2017, Công bố phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.