Sơn lót – Người hùng thầm lặng của mọi công trình
Thời tiết nắng gắt, mưa dầm, rêu mốc… là những tác nhân tác động lên màng sơn mà bất cứ người bình thường nào cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên, màng sơn sau khi thi công lên tường còn phải chịu thêm một tác nhân khác từ bên trong, đó là chất kiềm luôn có trong hồ vữa. Chất kiềm này kết hợp với hơi ẩm của tường sẽ gây ra phản ứng ăn mòn rất mạnh khiến màng sơn bị kiềm hóa và loang màu… Chính vì vậy trong thi công sơn, bất cứ sơn nào cũng đều phải sử dụng lớp sơn lót để chống kiềm và tăng cường khả năng chống thấm.
Ngoài tác dụng chống kiềm và chống thấm, sơn lót còn mang nhiều trọng trách như giúp gia tăng độ bám dính giữa lớp sơn phủ và bề mặt tường, tạo bề mặt đồng nhất, giúp sơn phủ lên màu chuẩn xác và tiết kiệm lượng sơn phủ so với khi không dùng sơn lót.
Thay vì phải dùng bốn lớp sơn phủ thì nên dùng một lớp sơn lót cộng với hai lớp sơn phủ, chi phí vừa rẻ hơn mà độ bền, đẹp, thẩm mỹ cũng cao hơn.
Với mỗi loại sơn lại có một loại sơn lót đi kèm nên khách hàng cần nghiên cứu kỹ để chọn đúng loại thích hợp. Ngoài ra, cũng không nên dùng sơn phủ trắng bình thường để thay cho sơn lót vì lớp sơn này không có các tính năng của sơn lót như khả năng chống thấm, chống kiềm, tạo độ bám dính cao và tạo sự nhẵn mịn cho bề mặt.
Về kỹ thuật thi công, các nhà thầu cũng luôn nhấn mạnh, dù lựa chọn sản phẩm gì đi chăng nữa, trước khi sơn, bề mặt tường cần được đảm bảo hai yếu tố: sạch và khô. Bề mặt sạch là bề mặt không còn bụi bẩn, dầu mỡ, rong rêu, bụi phấn… hay bất kỳ yếu tố nào làm giảm độ bám dính của màng sơn. Độ ẩm tường cần đạt dưới 16% khi đo bằng máy đo độ ẩm Protimeter mới phù hợp để thi công. Trường hợp không có máy đo, nên chờ tường khô từ 3 – 4 tuần kể từ sau khi tô hồ trong điều kiện thời tiết khô ráo.