Theo kế hoạch, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ, xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối tượng kiểm tra gồm: UBND các quận, huyện, thị xã có nhà chung cư. Dự kiến, trong quý II/2020, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra tại các quận, huyện: Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì.
Tiếp đó, quý III và IV/2020, tổ chức kiểm tra tại các quận, huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mê Linh, Đan Phượng, Quốc Oai.
Thời gian qua, tranh chấp chung cư đã và đang trở thành một vấn đề “nóng” và lan rộng tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội, từ chung cư cao cấp đến bình dân. Trong khi các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để dung hòa lợi ích, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang loay hoay để gỡ rối. Điều này cho thấy, các cơ chế, chính sách pháp luật để giải quyết mâu thuẫn trong quản lý, sử dụng và mua bán nhà chung cư vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị của Thủ đô.
Hiện toàn thành phố có 2.599 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước; trong đó, có 1.580 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư. Đáng lưu ý, trong số 845 chung cư đã đưa vào sử dụng có 130 chung cư để xảy ra tranh chấp khiếu kiện, hơn 20 chung cư có hoạt động phức tạp về an ninh trật tự.
Trước thực trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội đã thanh kiểm tra, xử lý 67 chung cư với số tiền xử phạt vi phạm lên đến nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện vẫn còn nhiều khu chung cư chưa thực hiện đúng kết luận của đoàn kiểm tra, không thực hiện các điều khoản phạt như trong hợp đồng mua bán căn hộ khiến cư dân tiếp tục bức xúc.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mâu thuẫn chung cư đang trở nên phức tạp hơn với nhiều vấn đề đặt ra giữa người dân và chủ đầu tư, người dân và Ban quản trị, Ban quản trị và chủ đầu tư; trong đó, tranh chấp lợi ích liên quan đến kinh phí quản lý, vận hành là vấn đề tồn tại ở nhiều dự án.
Nhiều chủ đầu tư không đóng phí quản lý vận hành đối với phần diện tích sở hữu riêng hoặc phần diện tích căn hộ chưa bán, không xác định rõ diện tích sử dụng chung – riêng, áp dụng mức kinh phí quản lý vận hành không đúng quy định, sử dụng kinh phí không đúng mục đích, không công khai thu chi tài chính trong giai đoạn chưa bàn giao cho Ban quản trị…
Tranh chấp gay gắt nhất là việc chủ đầu tư không bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần phí bảo trì phần sở hữu chung (2%) cho Ban quản trị toà nhà. Sau khi kiểm tra, Sở Xây dựng Hà Nội đã xử phạt 12 đơn vị với số tiền 125 triệu đồng/đơn vị. Đối với các chủ đầu tư cố tình không bàn giao quỹ bảo trì, Sở báo cáo thành phố kiên quyết cưỡng chế, phong tỏa tài khoản để thu phí bảo trì; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ chuyển cơ quan công an điều tra../.
Minh Nghĩa/TTXVN