02/07/2022

Sở Quy hoạch Kiến trúc phản bác kết luận thanh tra quy hoạch đường Lê Văn Lương

Chiều 1/7, tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm của UBND TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho rằng nhiều nội dung trong kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng về quy hoạch trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu chưa thoả đáng.

Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của UBND TP Hà Nội, các sở ngành, đơn vị liên quan đến việc quy hoạch trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu bị “băm nát” vừa được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra.

Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết: Hiện nay, Sở QHKT Hà Nội, Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan đang rà soát lại các nội dung mà thanh tra Bộ Xây dựng kết luận.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc phản hồi về kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng

Sở có thời gian 60 ngày để phản hồi lại kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng. Ông cũng khẳng định, trong kết luận thanh tra cũng không có từ nào nói là “băm nát”, hay “phá vỡ quy hoạch” mà do báo chí đưa tin như vậy, đồng thời cho rằng có một số nội dung trong kết luận thanh tra không thoả đáng.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục đường Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng. Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

Mặt khác, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các dự án không vượt các chỉ tiêu khống chế về hạ tầng khung, chỉ tiêu khống chế quy hoạch kiến trúc tại quy hoạch phân khu, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu được duyệt.

Do đó, Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội nhấn mạnh việc kết luận nhà cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng.

Ông Tuyến cũng cho biết, trục Lê Văn Lương phê duyệt quy hoạch năm 2002, trong khi năm 2008 hợp nhất Hà Nội với Hà Tây và một số xã của Hòa Bình, Vĩnh Phúc, như vậy dẫn đến thay đổi địa giới hành chính, thay đổi về kinh tế – xã hội. Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chung tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (thay thế Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/8/1998 – thay đổi quy hoạch cấp trên).

Ông Tuyến cho biết thêm, theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần. Đối chiếu với quy định Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị (tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó sẽ phê duyệt điều chỉnh…), Thanh tra Bộ Xây dựng xác định các lần điều chỉnh là chưa chính xác.

Liên quan đến quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội), Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra số 39, chỉ ra nhiều vi phạm, tồn tại.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra, chỉ tiêu quy hoạch tại đồ án quy hoạch sau không phù hợp đồ án đã phê duyệt trước; đồ án có tỷ lệ nhỏ hơn không phù hợp với đồ án có tỷ lệ lớn hơn mà không thuyết minh về sự sai khác, không tính toán sự đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Các đồ án cập nhật không đúng, không đầy đủ chỉ tiêu quy hoạch của các đồ án, tổng mặt bằng, phương án kiến trúc (PAKT) được chấp thuận trước đó; số liệu dân số thiếu căn cứ, không rõ nguồn cung cấp. Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ…

Thảo Linh/Mekong Asean