Dù ngành công nghiệp xây dựng đang là sân chơi của những tập đoàn lớn với những dự án ngân sách khổng lồ, nhưng vẫn có nhiều công ty startup nhỏ hay thậm chí là những cá nhân đã ghi dấu ấn khi tạo ra các công trình mang tính đột phát với công nghệ in 3D. Một trong số đó chính là Alex Le Roux, sinh viên kỹ thuật cơ khí trường đại học Baylor Univeristy ở Taxas.
Sử dụng chiếc máy in 3D V2 Vesta của mình, anh đã hoàn tất một trong những công trình xây dựng bằng kỹ thuật in 3D đầu tiên tại Mỹ. Tất nhiên đây không phải là căn nhà được in 3D đầu tiên trên thế giới, vinh dự này thuộc về công ty WinSun của Trung Quốc khi họ xây mười ngôi nhà 3D vào năm 2014. Đây cũng không phải là công trình in 3D bằng xi măng duy nhất của Mỹ, trước đây đã từng có người in 3D cả một tòa lâu đài.
Tuy nhiên, công trình của Le Roux là thứ đầu tiên được xây dựng bằng công nghệ 3D tại Mỹ mà về mặt lý thuyết, ta có thể sống được bên trong. Chính xác thì gọi là nhà cũng hơi có phần phóng đại, vì kích thước của nó rất nhỏ, nó phù hợp để làm một nhà kho hơn.
Công trình này chỉ mất có 24 tiếng để hoàn thành, bên trong có chiều dài 1m và ngang 2m. Chiếc máy in làm việc với tốc độ khoảng 10cm/s, cứ 10cm sẽ tốn 4 lít xi măng. Chiếc máy in này chỉ cần một người để điều khiển từ máy tính và đưa xi măng vào máy.
Công trình này được tài trợ một phần bởi công ty kiến trúc ModEco Development LCC. Công ty này cũng tập trung đầu tư những công trình xây dựng độc đáo và thân thiện với môi trường, rất phù hợp với thiết kế nhà 3D của Le Roux.
Le Roux và ModEco Development đang có dự kiện xây dựng thêm những công trình khác sử dụng loại xi măng thân thiện với môi trường hơn. Anh đang dùng máy in 3D Vesta thế hệ 2, một phiên bản mới hơn của chiếc máy này dự kiến sẽ được bán vào tháng 8 với tốc độ xây dựng nhanh hơn gấp 3 lần. Hy vọng sau này chúng ta sẽ có nhiều căn nhà lớn hơn được xây dựng với công nghệ in 3D.