11/06/2018

Sinh hoạt học thuật “Góp ý đề án phát triển đô thị thông minh”

Ngày 8/6/2018, khoa Quy hoạch tổ chức sinh hoạt học thuật cấp Khoa với chủ đề “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025”.

Buổi sinh hoạt học thuật do TS.KTS Phạm Ngọc Tuấn – Trưởng khoa Quy hoạch chủ trì cùng sự tham gia của 25 giảng viên thuộc Khoa.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1271/BXD-PTĐT ngày 30/5/2018 về việc đề nghị Nhà trường góp ý cho đề án phát triển đô thị thông minh. Từ đó, khoa Quy hoạch – trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh tổ chức sinh hoạt học thuật cấp Khoa nhằm thu thập các ý kiến góp ý cho “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025”.

Sau bốn giờ sôi nổi thảo luận, bàn bạc, tranh luận, cuối cùng đi đến thống nhất với các góp ý cho “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững” như sau:

1.  Đối với tên của đề án: đề nghị đổi thành: “Phát triển đô thị thông minh hướng tới phát triển bền vững giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030”

2.  Đối với các mục tiêu đến giai đoạn đến 2020:

–  Cần xem xét lại mục tiêu phát triển đô thị thông minh trong bối cảnh cơ sở hạ tầng dữ liệu để phân tích các vấn đề phát triển đô thị đang rất yếu kém. Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án trong giai đoạn 2018-2020 cần tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cần thiết làm tiền đề cho việc phân tích và quy hoạch đô thị.

–  Mục tiêu (i) rà soát và xây dựng cơ sở pháp lý đô thị thông minh cho cả hai cấp khu đô thị và đô thị là phù hợp;

–  Mục tiêu (ii) thí điểm triển khai hợp nhất hạ tầng thông tin dữ liệu không gian là phù hợp; mục tiêu này nêu “mô hình quản lý giao thông, đất đai, đầu tư xây dựng”; nếu hiểu mô hình này theo nghĩa mô hình dữ liệu thông tin thì phù hợp; và xác định rõ đây không phải là mô hình quản lý hành chính; nếu là mô hình quản lý hành chính, thì nên tách ra một mục tiêu cụ thể khác, trong đó liên quan đến kế hoạch cải cách hành chính và quản lý đô thị;

–  Mục tiêu (iii) chưa rõ việc lập quy hoạch xây dựng đối với “chuỗi đô thị thông minh”:

(1) gồm các đô thị nào?; (2) cơ sở pháp lý quy hoạch xây dựng hiện nay hay là theo đề xuất quản lý thông tin ở mục tiêu (ii); đồng thời cần làm rõ “hệ thống hỗ trợ ra độ tham dự của các bên? Nội dung tham dự của các bên? Hiện nay mục tiêu (iii) này đang gộp luôn cả 02 mục quyết định”; chẳng hạn việc ra quyết định gồm có các bên liên quan nào? Mức tiêu (1) lập quy hoạch xây dựng; và mục tiêu (2) triển khai hệ thống hỗ trợ ra quyết định;

–  Mục tiêu (iv): hỗ trợ phê duyệt đề án đô thị thông minh cho ít nhất 03 đô thị; cần làm rõ nội dung hỗ trợ lập 03 đề án nói trên; chẳng hạn như mối liên quan đến chương trình phát triển đô thị của địa phương đó? Và; các địa phương đã có chủ trương lập đề án mà không thuộc đô thị được hỗ trợ hay thuộc đô thị được hỗ trợ; chẳng hạn: địa phương Bình Định.

–  Các mục tiêu (v), (vi): phù hợp;

–  Mục tiêu (vii): xác định cụm hay chuỗi đô thị nào thuộc ĐBSCL được lập dự án thí điểm đô thị thông minh;

3.  Đối với các mục tiêu đến giai đoạn đến 2025:

–  Các mục tiêu (i), (ii), và (iii) tổng kết giai đoạn trước: phù hợp. Riêng mục tiêu (iii) cần làm rõ (1) hệ thống hỗ trợ ra quyết định, và (2) hệ thống tra cứu thông tin? Nên tách mục tiêu gộp này thành các mục tiêu con cụ thể, trong đó 02 hệ thống (hỗ trợ ra quyết định, và tra cứu thông tin) cần cụ thể hơn do cả 02 hệ thống này liên quan đến chủ trương và đường lối quản lý đô thị và xây dựng cơ sở vật chất (dự án đầu tư xây dựng cơ sở tra cứu thông tin và hỗ trợ quyết định, chẳng hạn như trung tâm thông tin đô thị.

–  Mục tiêu (iv) làm rõ 6 đô thị thuộc 6 vùng kinh tế là các đô thị nào?

–  Mục tiêu (v) chưa rõ tiêu chí, chỉ số và nhóm chỉ số đánh giá làm cơ sở cho việc cấp chứng nhận khu đô thị mới thông minh (thông minh về mặt gì? Giao thông, cơ sở hạ tầng, tiện ích dịch vụ, giáo dục, thông tin, du lịch, môi trường, tài nguyên –  hay các mặt thông minh khác).

Thực tế, các cách đánh giá của các nước tiên tiến cũng khác nhau. Chẳng hạn, cùng trong năm 2017, nhưng kết quả lại khác nhau do các chỉ số và các nhóm chỉ số khác nhau, thông minh về mặt này nhưng chưa thông minh về mặt khác.

Tại Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã có chủ trương hỗ trợ lập đề án Khu đô thị đại học thông minh, tại phường Hòa Quý – Ngũ Hành Sơn (theo văn bản số 1967 CV/TU ngày 29/03/2018 của Thành ủy Đà Nẵng và văn bản số 135/TB-UBND ngày 13/10/2017 của UBND thành phố Đà Nẵng. Như vậy khu đô thị mới thông minh (hay khu đô thị đại học thông minh; hay khu đô thị cũ hiện có được công nhận là thông minh) – nghĩa là chưa rõ thông minh ở khía cạnh nào, tiêu chí và chỉ số nào?

Các ý kiến đóng góp của giảng viên khoa Quy hoạch – trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh sẽ được  tập hợp gửi Bộ Xây dựng.

Trường Đại học Kiến trúc TPHCM