04/10/2017

Singapore xây dựng tiêu chuẩn cho quốc gia thông minh

Để thực hiện tham vọng trở thành quốc gia thông minh (smart nation) đầu tiên trên thế giới, Singapore xác định việc xây dựng tiêu chuẩn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là nhân tố quyết định lớn đến kết quả đổi mới sáng tạo.

Tạo “ngôn ngữ chung” về smart nation
Singapore đang trong giai đoạn “tạo mẫu” cho smart nation và xác định một nhiệm vụ hàng đầu là thống nhất các định nghĩa, tiêu chuẩn, đặc điểm kỹ thuật… về quốc gia thông minh. Bộ tiêu chuẩn đó sẽ là công cụ đảm bảo các cơ quan, nhà hoạch định, phát triển và nhà sản xuất của chính phủ sử dụng một ngôn ngữ chung khi nói về smart nation và phát triển các công nghệ, giải pháp mới.
Singapore đã thành lập Ủy ban Kỹ thuật Internet of Things (IoTTC) trực thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn công nghệ thông tin (ITSC) – có nhiệm vụ xác định các tiêu chuẩn mở thích hợp và thiết lập một tập tài liệu kỹ thuật cho nhà ở và khu vực công cộng liên quan đến kế hoạch smart nation. Đến nay, IoTTC đã xây dựng và xuất bản một loạt tài liệu kỹ thuật để tham khảo đầu tiên về mạng cảm biến. Cơ quan này cũng đang phát triển một bộ tiêu chuẩn giúp chia sẻ thông tin liền mạch giữa các dịch vụ và thiết bị.
Ông Lim Chee Kean – Phó Chủ tịch IoTTC – cho biết: “Việc xây dựng smart nation đòi hỏi rất nhiều hệ thống và công nghệ, như các cảm biến và mạng không dây; nhưng chúng sẽ chỉ hoạt động trơn tru khi tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chung. Hãy xem những tiêu chuẩn này là “từ vựng smart nation”. Nó cung cấp các điều khoản làm việc nhất định để đảm bảo sự hợp tác hiệu quả giữa khu vực công – tư, đảm bảo khả năng tương tác của các thiết bị và hệ thống thông minh. Không có tiêu chuẩn, chúng ta có nguy cơ trở thành một thị trường phân tán, các cơ quan khác nhau đưa ra những giải pháp thông minh khác nhau, khiến việc phát triển, phân phối các giải pháp và chính sách của smart nation có thể biến thành thách thức đối với các bên liên quan – những người đòi hỏi sự chuẩn hóa và tính dự báo”.
Singapore đặt mục tiêu trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Pgimgs

Singapore đặt mục tiêu trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Pgimgs
Nói cách khác, các tiêu chuẩn có thể giúp cải thiện sự hợp tác và kết nối, cho phép các bên liên quan hợp tác với nhau hiệu quả hơn đối với mục tiêu chung của smart nation.
Các tiêu chuẩn có trọng tâm rộng
Để công nghệ cho smart nation đạt đầy đủ tiềm năng, Singapore xác định cần thiết lập một loạt tiêu chuẩn nhằm giải quyết các vấn đề phải đối mặt ở nhiều cấp độ. “Chúng tôi đang xem xét các tiêu chuẩn phát triển bao gồm khung kiến trúc đầu cuối của IoT để tăng cường khả năng làm việc với nhau của các ứng dụng và thiết bị thông minh” – ông Lim nói.
Điều này sẽ cho phép các cơ quan nhà nước và tư nhân hành động theo thông tin thời gian thực, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho người dân và doanh nghiệp. “Với các tiêu chuẩn, chúng ta có thể tích hợp và phân tích số liệu khổng lồ để dự đoán, giảm thiểu và thậm chí ngăn ngừa các sự cố phát sinh; ví dụ như điều chỉnh giao thông thông minh, giảm tai nạn và xác định các điểm nóng về tội phạm” – ông Lim nói.
An ninh dữ liệu cũng là một vấn đề then chốt. Như bất kỳ hệ thống ICT nào khác, môi trường công nghệ và kết nối của smart nation – được xây dựng trên các hồ sơ công nghệ kết nối và thông tin cá nhân – phơi bày lỗ hổng trước những cuộc tấn công mạng. Sự phức tạp và tính đa dạng cao khiến môi trường này trên thực tế còn bộc lộ nhiều lỗ hổng hơn và cần chiến lược bảo vệ phức tạp hơn.
“Tiêu chuẩn có thể giúp các tổ chức thiết lập và duy trì một hệ thống quản lý thông tin cá nhân tốt nhất để họ có thể thực hiện tốt hơn luật bảo mật dữ liệu” – ông Lim nói.
Nhìn về tương lai, các tiêu chuẩn cho phép tiếp tục đổi mới sáng tạo ở quốc gia thông minh như thế nào? “Hầu hết các sáng kiến về đổi mới sáng tạo ở quốc gia thông minh liên quan đến việc sử dụng các công nghệ mới và công nghệ đột phá cho phép biến những điều không thể trước đây thành hiện thực. Tuy nhiên, rất nhiều sáng kiến đòi hỏi sự tích hợp các chính sách và hệ thống thông tin” – ông Lim lý giải.
Hiện nay, việc cung cấp dịch vụ thông qua các kênh và cơ quan ngành dọc của Singapore có xu hướng hoạt động theo kiểu hình trụ – nơi các hệ thống thông tin hoạt động và quản trị tách biệt nhau. Trong khi đó, có nhiều lĩnh vực mà thông tin được thu thập qua cơ sở hạ tầng quốc gia ở một dịch vụ lại liên quan đến một dịch vụ khác. Đây là một khu vực mà các tiêu chuẩn quốc gia thông minh có vai trò quan trọng. Nó giúp phá vỡ “đường ống biệt lập” giữa các cơ quan và thúc đẩy một cách tiếp cận mới để thiết lập và đưa ra các chiến lược, sáng kiến đổi mới sáng tạo cho quốc gia thông minh.
“Bằng cách cung cấp khung cơ bản giúp các bên liên quan đồng thuận với những gì cấu thành phương thức làm việc tốt nhất và chỉ cho họ cách thực hiện, các tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kế hoạch smart nation – hôm nay và ngày mai” – ông Lim nhấn mạnh.
Lê Ngọc (Theo Spring)