Trong năm nay, quận 6 sẽ giải tỏa khoảng 600 căn nhà để thực hiện giai đoạn 1 và 2 của dự án cải tạo rạch Hàng Bàng.
“Dự án cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng dự kiến có tổng diện tích thu hồi đất hơn 39.200 m2, giải tỏa hoàn toàn 940 căn nhà” – UBND quận 6 cho biết trong báo cáo trình UBND TP.HCM về dự án chống ngập có lượng giải tỏa lớn nhất ở địa phương này.
Theo UBND quận 6, dự án cải tạo rạch Hàng Bàng có chiều dài toàn tuyến 1.400 m, đi qua địa bàn các phường 1, 2, 4, 5, 8 của quận. Trong giai đoạn 1 sẽ thực hiện đoạn từ đường Lò Gốm đến đường Bình Tiên, có 166 hộ dân phải giải tỏa, kinh phí dự kiến 365 tỉ đồng. “Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 6 đã có thông báo thu hồi đất và đang triển khai các phương án bồi thường cho dân” – UBND quận 6 thông tin.
Khu vực rạch Hàng Bàng, nơi có hàng trăm hộ dân phải giải tỏa để thực hiện dự án chống ngập. Ảnh: T.THANH
Trong giai đoạn 2 (thi công từ đường Phạm Đình Hổ đến đường Ngô Nhân Tịnh) sẽ có 434 hộ bị giải tỏa, kinh phí thực hiện khoảng 1.000 tỉ đồng. Công trình này đã được UBND TP ghi vốn, hiện đang tổ chức đo vẽ và dự kiến đến cuối năm 2015 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Sau năm 2015 sẽ thực hiện giai đoạn 3, đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Phạm Đình Hổ. Giai đoạn này có tổng cộng 340 hộ bị giải tỏa, kinh phí dự kiến 700 tỉ đồng.
Về dự án cải tạo rạch Bàu Trâu, UBND quận 6 cho biết: Ban đầu dự án này do Trung tâm Chống ngập TP làm chủ đầu tư, sau đó UBND TP có quyết định tách riêng phần giải phóng mặt bằng cho quận 6 thực hiện. Trên địa bàn quận 6 sẽ có 291 căn nhà phải giải tỏa. Hiện quận đang chờ bàn giao ranh, mốc để thực hiện các bước giải phóng mặt bằng.
UBND quận 6 thông tin thêm sẽ có 124 hộ dân bị giải tỏa khi thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Bình Tiên (do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 6 làm chủ đầu tư). Tuy nhiên, do TP chưa chọn được nhà đầu tư của dự án xây dựng cầu, đường Bình Tiên nên quận 6 chưa thể xác định cụ thể thời gian giải tỏa.
Quận 6 là địa bàn trũng thấp nên thường xuyên bị ngập nước khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao. Trong bốn năm qua quận đã xóa được 28 điểm ngập. Tuy nhiên, do đỉnh triều ngày càng tăng cao kết hợp mưa lớn nên gần đây gây tái ngập một số khu vực. “Việc khống chế tình trạng tái ngập, phát sinh điểm ngập mới vẫn còn là mặt yếu, thiếu tính bền vững” – UBND quận 6 nhìn nhận.
Theo Pháp Luật TP.HCM