07/08/2019

Sáng tạo không gian 2019 – Phát động cuộc thi “Thiết kế thư viện mini”

Tiếp nối những thành công từ cuộc thi “Sáng tạo không gian 2017 – Thiết kế Nhà vệ sinh công cộng”, với mong muốn góp phần vào việc thay đổi thói quen sử dụng và suy nghĩ về các thư viện cho trẻ em nhằm thúc đẩy cải tiến xã hội, kết nối các cộng đồng và những nhà tài trợ, Bộ môn Kiến trúc dân dụng thuộc Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chính thức phát động cuộc thi “Sáng tạo không gian 2019 – Thiết kế Thư viện mini”.

image0-1-1068x1502

Đã có không ít những ý tưởng về việc tạo dựng các thư viện cộng đồng theo sáng kiến của các cá nhân dành cho trẻ em: đó có thể xuất phát từ việc tận dụng sự nhàn rỗi của các không gian, đó có thể xuất phát từ những tấm lòng nhân ái cộng với tình yêu sách và trẻ em, đó có thể xuất phát từ những lo lắng văn hóa đọc sách ngày càng mai một, nhất là ở trẻ em – một lứa tuổi được dự báo sẽ lệ thuộc vào các loại thiết bị giải trí cá nhân cầm tay nhiều hơn…

Thực tế cho thấy, đến với những thư viện “tự phát” này, trẻ em không chỉ được đọc sách mà còn được gặp gỡ nhau, được vui chơi giải trí, được vận động…, giúp trẻ em trở nên cởi mở hơn với thế giới, năng động hơn trong giao tiếp, cũng như mục đích cao hơn là tạo dựng cho trẻ em những ước mơ, những tưởng tượng, những định hướng về tương lai, thông qua những tiếp xúc, trao đổi, hoạt động sáng tạo không gian do chính trẻ em tự tổ chức.

Thư viện mini, theo hình dung ban đầu, ngoài mục đích tạo dựng cho trẻ một nơi đọc sách, đó còn là nơi trẻ đến trao đổi sách, trao đổi thông tin để tối đa hóa việc chia sẻ những kiến thức và những điều thú vị mà trẻ thu được. Đồng thời đây cũng là nơi có thể tổ chức các sự kiện quy mô nhỏ như thuyết trình, nói chuyện, giới thiệu sách hay… hay kết hợp với các lớp học tạm, chiếu phim ngắn… cho trẻ em.

Như vậy:

(1) Một thư viện mini “linh hoạt” sẽ giúp cho việc cấy ghép dễ dàng vào các vị trí khác nhau,  có thể là tại một sân chơi, trên vỉa hè hay một góc không gian nhỏ…, thêm vào đó sẽ giảm giá thành đầu tư để có thể tăng số lượng thư viện, tăng số lượng trẻ em được thụ hưởng;

(2) Một thư viện mini “thân thiện” sẽ thu hút trẻ, giúp trẻ vượt qua được những e ngại, mặc cảm hay thói quen phụ thuộc thiết bị công nghệ để hòa mình vào không gian, cùng các hoạt động được tổ chức trong và ngoài (xung quanh) thư viện;

(3) Một thư viện mini “di động” sẽ chủ động “tìm” đến trẻ em dễ dàng hơn thay vì thụ động đợi trẻ em tìm đến như các thư viện “truyền thống”, tăng cơ hội tiếp xúc với trẻ em, đặc biệt là những khu vực khó khăn, xa xôi, hẻo lánh.

MỤC TIÊU

(1) Tìm kiếm các ý tưởng, mô hình thiết kế thư viện mini, nhấn mạnh các đặc tính linh hoạt, thân thiện và di động, tại các địa điểm công cộng, hướng đến sự an toàn và thân thiện, đặc biệt là với trẻ em.

(2) Góp phần sáng tạo những không gian đọc sách, nâng cao cơ hội và văn hóa đọc, giúp trẻ em có thể tự nâng cao và hoàn thiện nhân cách, tạo dựng kỹ năng sống, hướng đến một cuộc sống bền vững trong tương lai;

(3) Hỗ trợ và quan tâm đến nhu cầu thư viện cho trẻ em của các cộng đồng yếu thế, bất lợi về kinh tế, các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hướng đến sự chuyển giao cho các cộng đồng tự thực hiện bằng các nguồn lực tại chỗ;

(4) Thiết lập một kênh thông tin kết nối giữa các ý tưởng về thư viện mini, thân thiện và di động với các đơn vị tài trợ, từ thiện hay cung cấp dịch vụ cộng đồng; góp phần cải thiện chất lượng và hình ảnh của loại hình công trình này.

CÁCH THỨC THỰC HIỆN

Quy mô triển khai

Cấp quốc gia (theo mạng lưới các cơ sở đào tạo kiến trúc sư và các nhà thiết kế)

Đối tượng tham gia

Sinh viên các trường đào tạo kiến trúc và thiết kế có thể tham dự với tư cách cá nhân hoặc nhóm (không quá 5 người).

NỘI DUNG

Thể loại công trình thiết kế

Mô hình thư viện mini – “linh hoạt, thân thiện và di động” – phù hợp tiêu chuẩn và đáp ứng các quy định về: (1) tiện nghi, (2) tiếp cận thuận tiện, (3) đa năng hóa, thỏa mãn nhu cầu đọc, gặp gỡ tại các địa điểm công cộng; đặc biệt tập trung khai thác các yếu tố sáng tạo đảm bảo tính thân thiện và thu hút hiệu quả với trẻ em.

Địa điểm thiết kế

SV tự lựa chọn địa điểm thiết kế theo mong muốn và ý tưởng của mình. Có thể tham khảo (không bắt buộc) một số bối cảnh gợi ý sau:

(1) Tại các không gian cộng đồng của khu dân cư, ví dụ như sân chơi trẻ em của các tổ dân phố, các thôn xóm, làng bản…, gắn liền với một không gian mở công cộng/cộng đồng, ví dụ như đình làng, nhà văn hóa khu phố, công viên, các khu vui chơi giải trí, vườn hoa, trên các tuyến phố đi bộ, điểm tập kết, chờ, đón trẻ tại các khu vực công cộng…

(2) Tại một số khu vực không gian, công trình gắn với các đối tượng trẻ đặc thù như bệnh viện, trường học cho trẻ khuyết tật, tự kỷ…

(3) Gần hoặc trong các công trình, không gian công cộng dành cho trẻ em như trường học, các nhà văn hóa thiếu nhi, câu lạc bộ, sân chơi trẻ em… để hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt là ngoài giờ hành chính hoặc thời gian chuyển tiếp, chờ đợi của trẻ em (giữa các ca học, sinh hoạt, trong lúc chờ bố mẹ đến đón…);

(4) Tại các điểm trường học, đặc biệt là trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa có điều kiện xây dựng thư viện tiêu chuẩn (khu vực nông thôn nghèo, miền núi, các khu vạn chài sông nước…);

(5) Các thư viện di động phục vụ các hoạt động cộng đồng mang tính thời vụ: lễ hội sách, hội chợ triển lãm, sự kiện cộng đồng…

Địa điểm có thể được lựa chọn gắn với công trình, địa danh cụ thể. Tuy nhiên, khuyến khích các địa điểm mang tính tiêu biểu, điển hình để có thể chuyển giao kết quả, áp dụng xây dựng rộng rãi.

Các tiêu chí cơ bản

Thiết kế phải đáp ứng đồng thời và toàn diện nhất có thể được:

(1) An toàn và thân thiện, thu hút được sự quan tâm và tạo sự yên tâm cho cộng đồng;

(2) Giảm thiểu sự ảnh hưởng đến môi trường không gian và các hoạt động hiện có tại địa điểm, hòa hợp với bối cảnh xung quanh;

(3) Đáp ứng đa dạng các đối tượng trẻ em đặc thù của xã hội;

(4) Tiện nghi, đa năng hóa các hoạt động bên cạnh hoạt động chính là đọc, trao đổi sách;

(5) Kiên cố, có thể ngăn ngừa sự xâm phạm/phá hoại;

(6) Chi phí hợp lý để có thể nhân rộng mô hình;

(7) Thiết kế linh hoạt, dễ thi công lắp đặt, có thể chuyển giao cho các cộng đồng dân cư tự thực hiện;

(8) Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, có tính tương tác cao, hạn chế các vật liệu, thiết bị công nghệ cao, đòi hỏi trình độ khi xây dựng, vận hành và khai thác công trình;

(9) Khả năng di động cao (tự di động hoặc có sự hỗ trợ của các thiết bị, phương tiện khác), phù hợp với nhiều không gian theo những khoảng thời gian khác nhau;

(10) Đề xuất mô hình vận hành, quản lý hợp lý, bền vững;

Các hướng dẫn thiết kế

Các thiết kế cần cân nhắc đến các vấn đề mang tính gợi ý sau đây:

(1) Phân nhóm đối tượng, theo đặc tính và thời gian sử dụng, chú ý đến những đối tượng đặc thù và sự tương tác giữa các nhóm đối tượng cùng sử dụng đồng thời nhằm tránh những xung đột xã hội, xung đột về cách thức sử dụng không gian;

(2) Đề xuất thêm các chức năng tích hợp kèm theo (ngoài chức năng chính là đọc sách) nhằm đa năng hóa không gian, hấp dẫn hơn với các đối tượng sử dụng, các chức năng này có thể là đột xuất, định kỳ, tạm thời hoặc thường xuyên (ví dụ hội họp, lớp học tạm, thuyết trình, nói chuyện, chiếu phim…);

(3) Các bảng chỉ dẫn, dấu hiệu nhận biết mang tính đặc trưng, thân thiện, hấp dẫn để có thể phát triển tạo thành hệ thống nhận diện;

(4) Gắn kết với khung cảnh, hình thái không gian, cảnh quan xung quanh công trình, góp phần an toàn hóa các địa điểm (tránh các địa điểm/vị trí biệt lập, vắng vẻ);

(5) Hệ thống ánh sáng (tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng ánh sáng nhân tạo theo hướng tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo);

(6) Giải pháp kỹ thuật vận hành (lúc di chuyển, lúc cố định) tương ứng với bối cảnh, địa điểm và đối tượng sử dụng…;

(7) Giải pháp thông thoáng (hệ thống dẫn khí tự nhiên và hệ thống quạt thông gió) và chống lại các bất lợi về thời tiết;

(8) Tính toán hợp lý kích thước không gian nội thất (sàn, tường, trần) nhằm tiết kiệm diện tích, khối tích nhưng vẫn đảm bảo các nhu cầu;

(9) Có thể đáp ứng nhiều quy mô khác nhau thông qua việc sử dụng các khối (unit/block) ghép lại tạo các tổ hợp, đáp ứng đa dạng các hình thái không gian (diện tích, hình khối…);

(10) Đề cao tính kinh tế, khuyến khích các phương án có tính toán giá thành cụ thể.

Tiêu chí xét duyệt, lựa chọn và trao thưởng

Ban giám khảo sẽ gồm đại diện của các nhà tổ chức, các nhà tài trợ và các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan.

Ban giám khảo sẽ lựa chọn các giải dựa trên các tiêu chí gợi ý sau:

(1) Tính sáng tạo – ý tưởng, nội dung thiết kế cũng như hình thức thể hiện;
(2) Tính nghiêm túc – chất lượng đồ án thiết kế;
(3) Tính nhân văn – mức độ tác động đến các cộng đồng;
(4) Tính khả thi – khả năng hiện thực hóa thiết kế chuyển giao cho các cộng đồng;
(5) Tính tương tác – mức độ liên quan đến chương trình, tác động chương trình hoặc định hướng phát triển, sử dụng được các sản phẩm, vật liệu sẵn có của các nhà tổ chức, nhà tài trợ.
(6) Tính bền vững, thân thiện với môi trường không những chỉ để sử dụng mà còn đem lại các lợi ích về môi trường lâu dài.

Việc quyết định tiêu chí, xây dựng thang điểm, cho điểm và tính điểm cho các bài thi sẽ do Ban tổ chức và Ban giám khảo bàn bạc, quyết định. Quyết định của Ban tổ chức, Ban giám khảo là quyết định cuối cùng.

Link đăng kí tham gia cuộc thi: https://forms.gle/YfyKcae9CdYY7iW57

Nội dung và quy cách trình bày xem : tại đây

Kiến Việt