24/09/2015

Sân chơi cho trẻ em: Bao giờ mới có không gian đúng nghĩa?

Sân chơi cho trẻ em là một trong những không gian nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của trẻ em trong đô thị và thường gắn với các khu vực dân cư, khu tập thể. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, đô thị ngày càng được mở rộng thì quỹ đất dành để xây dựng sân chơi cho các em cũng bị thu hẹp dần, chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng.


Hà Nội vẫn còn thiếu nhiều khu vui chơi tiện ích, hiện đại dành cho trẻ em như tại công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy).

Cần nhiều chỗ vui chơi cho các em nhỏ

Có thể thấy, tại nhiều khu tập thể cũ trên địa bàn TP Hà Nội, như khu tập thể Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), khu tập thể Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)…, đều tập trung đông dân cư, mật độ xây dựng cao, thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa. Chưa kể, vườn hoa, sân chơi vốn đã quá tải, chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích như bán hàng, làm chỗ trông xe…

Tại một số khu đô thị mới, khu nhà ở, chủ đầu tư chưa quan tâm tới việc dành ra một phần quỹ đất để xây khu vui chơi chung cho trẻ em. Thực trạng này cho thấy, không gian sống chung tại các khu vực trên chưa được quan tâm, công tác quản lý chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn “giơ cao đánh khẽ”, chưa xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm. Vì vậy mà ngày qua ngày, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những bãi để xe, chợ cóc, hàng quán ngang nhiên lấn chiếm mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Có nhiều trường bị lực lượng chức năng thu giữ hàng quán nhưng ngày hôm sau được trả lại và lại tiếp tục ngồi bán trái phép…

Thống kê tại riêng TP Hà Nội cho thấy, có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó 4 quận nội đô lịch sử có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ).

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo đầu tư xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí, tuy nhiên những khu vui chơi dành riêng cho trẻ em vẫn chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng.

Bàn về vấn đề này, KTS. Lê Văn Lân – Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội cho biết, hệ thống sân chơi cho trẻ em được xây dựng từ nhiều năm trước đây chất lượng xuống cấp và thiếu hấp dẫn. Trang thiết bị tại các khu vui chơi (sân chơi, vườn hoa) cho trẻ em chất lượng kém, lạc hậu, thiếu hấp dẫn, đặc biệt là khu vực các quận nội đô, khu đô thị cũ. Năm 1962, các khu đất giữa các ngôi nhà 5 tầng ở Kim Liên bắt đầu được thiết kế và thi công hệ thống sân vườn bao gồm: Nơi thu rác, nơi phơi phóng, sân chơi cho trẻ em, đường dạo… cùng với cây cảnh, cây hàng rào, cây bóng mát. Tiếc là chỉ vài năm sau, Hà Nội bắt đầu phải sơ tán. Mong muốn hoàn thiện các khu ở đã không thể thực hiện, công với sự buông lỏng quản lý…, các khoảng trống trong các khu ở, nhất là ở các khu tập thể đã bị chiếm dụng, mạnh ai nấy chiếm để cơi nới nhà, làm chỗ chăn nuôi, trồng rau, để xe… Ngay sau khi hòa bình chuẩn bị được lập lại trên miền Bắc, Hà Nội đã xây dựng cho các cháu một nhà văn hóa thiếu nhi trên một khu đất hạn chế, nhưng đã đáp ứng phần nào yêu cầu vui chơi và sinh hoạt của các cháu.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những cơ sở như Cung thiếu nhi thì không thể nào đáp ứng được với một số lượng trẻ em đông như hiện nay, ngay cả khi mỗi quận, huyện đều có một cơ sở như vậy…

Sự vào cuộc của các KTS tình nguyện

Thực tế cho thấy, sân chơi cho trẻ em tại khu dân cư Hà Nội đang thiếu hụt trầm trọng. Vấn đề này hiện đang được cả xã hội quan tâm. Thời gian qua, đã có nhiều sáng kiến góp phần cải thiện tình trạng này, trong đó có sự tham gia đóng góp của các KTS tình nguyện. Những KTS này với lòng nhiệt huyết của mình đã tạo nên những sân chơi tuy đơn giản nhưng thực sự làm cho các em nhỏ vui sướng và hạnh phúc.

Trả lời cho câu hỏi: Làm sao để có nhiều những sân chơi bổ ích; làm sao để các trang thiết bị cho các cháu đa dạng và an toàn hơn và làm sao để các tổ chức đoàn thanh niên có được những kế hoạch thiết thực cũng như sự quan tâm thường xuyên của mỗi tổ dân phố…?, các KTS Hà Nội đã phối hợp với nhiều bên tham gia khảo sát, đánh giá hiện trạng, tìm giải pháp thực nghiệm và bằng nhiều hướng khác nhau tác động tới sự quan tâm của xã hội như tham gia thảo luận trên các diễn đàn truyền thông nhằm bảo vệ không gian công cộng (trong đó có các sân chơi cho trẻ em tại các khu dân cư Hà Nội) từ năm 2008.

Đại diện các thành viên của nhóm KTS tình nguyện, KTS Trần Duy Ánh cho biết, từ năm 2010 đến nay, các KTS tình nguyện đã bắt tay tham gia phát triển không gian công cộng tại các khu dân cư tại Hà Nội, Hội An, Hòa Bình… Trong đó, đã hoàn thành cũng như đề xuất nâng cấp cải tạo các sân chơi tại nhiều khu dân cư thuộc các phường trên địa bàn Hà Nội. Như tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, nhóm KTS tình nguyện đã hoàn thành xong 2 sân chơi mini cho trẻ em và thanh niên. Công trình được người dân đánh giá cao, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, độ an toàn và mỹ quan đô thị, góp phần nâng cao hoạt động thể chất, tạo không gian hoạt động tập thể, giao lưu gắn kết mọi người, mang lại hiệu quả cao về mặt xã hội…

Bên cạnh đó, các KTS tình nguyện cũng đã phối hợp với tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (Health Bridge) thực nghiệm các dự án “Đường đi bộ an toàn đến trường” tại Hà Nội; tham gia nghiên cứu đề tài “Vườn hoa sân chơi trong khu dân cư Hà Nội” cùng với các KTS Việt Nam và Canada, Hà Lan; hỗ trợ “Sân chơi đường phố – Đào Duy Từ” do nhóm ThinkPlayground thực hiện…

Ngoài ra, nhóm KTS, sinh viên tình nguyện đã cùng thầy trò đến từ trường Đại học Kiến trúc, Xây dựng, Phương Đông trong nhiều năm liền tham gia các hoạt động cùng cộng đồng 8 khu dân cư phường Hạ Đình để tổ chức đường đi bộ an toàn, sân chơi cho trẻ em…

Đối với sự phát triển đô thị hiện nay, yêu cầu cần có các địa điểm vui chơi ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng, nhưng hiện nay vẫn còn rất thiếu. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân của việc này một phần là do sự vào cuộc chưa quyết liệt của các sở, ngành. Chính vì vậy, việc trước mắt thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhanh các giải pháp nhằm xây dựng hệ thống sân chơi, vườn hoa, công viên, các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân nói chung một cách tốt nhất và mang lại cho trẻ em nói riêng những khu vui chơi, sân chơi theo đúng nghĩa của nó: Bổ ích – an toàn, đáp ứng nhu cầu cả về chất và lượng…

Linh Anh – Linh Đan/ Báo Xây dựng